Từ nhiều năm nay, làng Thủy Trầm vốn có tiếng trong cả nước là nơi nuôi cá chép cho dịp cúng Tết ông Công ông Táo.
Khoảng một tuần trước Lễ ông Công ông Táo, thương lái từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội... đều về làng thu mua cá chép đỏ.
Cá chép đỏ làng Thủy Trầm được yêu thích nhờ hình dáng và màu sắc bắt mắt với thân hình thoi, màu đỏ sặc sỡ hoặc đỏ ánh vàng và có hai đôi râu. Cá giống được nuôi trong khoảng 6 tháng, đạt tới kích thước khoảng 3 ngón tay sẽ được bắt lên để giao đi về các chợ cá đầu mối miền Bắc.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực đầm nuôi cá nhà ông Nguyễn Huy Luận, (ngụ xã Tuy Lộc) đang huy động 5 người trong gia đình cùng phụ kéo lưới bắt cá chép đỏ.
Được biết, đàn cá chép được gia đình ông Luận nuôi từ tháng 6 năm ngoái, với diện tích khoảng hơn 4.000 m2.
Những con cá giống bố mẹ được chăm sóc đặc biệt trong bể riêng. Khi trứng nở 4 ngày, cá con được đưa ra ao nuôi, phục vụ bán dịp ông Công ông Táo.
Với thời tiết thuận lợi nên đàn cá chép đỏ sinh trưởng tốt, cho năng suất cao.
Ông Luận cho hay: "Năm nay, gia đình tôi nuôi thả khoảng 8.000 đến 10.000 cá giống từ tháng 4/2023, đến nay thu hoạch được khoảng 1 tạ chép đỏ thành phẩm, loại khoảng 3 ngón tay, đủ điều kiện phục vụ người dân dịp Tết ông Công ông Táo".
Năm nay, giá cá chép bán ra tại làng thấp hơn so với năm trước, còn 80 nghìn đồng/kg, năm trước luôn trên 100 nghìn đồng/kg.
Cận cảnh bể lớn chứa cá chép đỏ đang chờ được đưa đi phục vụ cho thị trường Tết ông Công ông Táo.
Để bảo quản cá chép đỏ khi phân phối ra thị trường, người nuôi cá cần bơm thêm oxy để cá duy trì sức thở.
Dù năm nay, giá cá chép giảm, nhưng đời sống của người dân trong làng không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi một số hộ gia đình đã chuyển đổi từ nuôi cá sang trồng rau, trồng cây ăn quả.