Ba ngày qua, tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình đã được triển khai hình thức thu phí không dừng ETC. Đây là tuyến đường thứ 9 triển khai thu phí công nghệ ETC tại các tỉnh miền Bắc.
Với lưu lượng phương tiện khoảng 60.000 lượt xe/ngày cao nhất, nhì cả nước, việc trạm thu phí BOT trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình lắp đặt thu phí ETC được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc giao thông vào các dịp lễ tết và cuối tuần.
Trước đó, tại các tỉnh miền Bắc, công nghệ thu phí ETC cũng đã được triển khai trên các tuyến đường, cầu BOT: Hạc Trì (Phú Thọ), cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, trạm thu phí Tam Nông (QL32 đoạn qua Phú Thọ), trạm thu phí Tiên Cựu (QL10 đoạn qua Hải Phòng), trạm thu phí QL5A, trạm thu phí Phả Lại (QL18), trạm thu phí cầu Yên Lệch (QL38 Hưng Yên).
Các làn thu phí tự động ETC tại cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đang hoạt động. Ảnh: T.Đảng
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến tháng 6/2020, trên cả nước có trên 3,7 triệu ô tô. Tuy nhiên, do số lượng xe dán thẻ ETC mới đạt hơn 870.000 xe nên mặc dù triển khai thu phí không dừng, nhưng Tổng cục yêu cầu, các trạm chỉ bố trí từ 1 đến 2 làn thu phí theo công nghệ ETC, còn lại vẫn phải duy trì các làn thu phí thủ công (phương tiện dừng lấy vé, trả tiền mặt) như lâu nay.
Thu phí không dừng có gì khác biệt?
Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết, công nghệ thu phí tự động ETC được áp dụng công nghệ RFID sử dụng sóng radio (Radio Frequency Identification) để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới.
Công nghệ RFID đã chứng minh độ chính xác cao, khá phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực nhận diện điện tử.
Một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có hạ tầng giao thông và xã hội tương tự Việt Nam, như Malaysia, Indonesia, Philippine... đã dừng triển khai các công nghệ cũ (Smart card, OBU, DSRC) để chuyển đổi sang công nghệ RFID.
“Việc này giúp các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng giám sát, quản lý và lưu vết từng giao dịch của phương tiện.
Kết hợp cùng hệ thống thanh toán điện tử cho các giao dịch đã được xác minh, dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC đảm bảo lưu thông không dừng của phương tiện qua trạm thu phí với tỷ lệ chính xác cao”, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Tổng cục phó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin.
Xe qua làn thu phí tự động ETC cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và được tự động nhận diện, thanh toán bằng thiết bị cảm ứng treo ở phía trên (vòng tròn đỏ).
Thông qua thẻ định danh VETC được dán trên phương tiện, dịch vụ VETC giúp phương tiện lưu thông qua trạm thu phí không phải dừng chờ thanh toán, giữ được tốc độ lưu thông ổn định và tiết kiệm nhiên liệu.
So với hình thức thu phí truyền thống một dừng (MTC) hiện nay, công nghệ ETC đang cho những ưu điểm nổi trội trên các lĩnh vực: Tránh thất thoát (tiền được 3 bên kiểm soát, gồm: Nhà đầu tư, ngân hàng, đơn vị thu phí ETC; trước đó chỉ có nhà đầu tư thực hiên dự án là doanh nghiệp BOT và ngân hàng); Tiết kiệm chi phí xây dựng trạm (công nghệ ETC không cần phải xây trạm rộng lớn, đầy đủ tiện nghi); Tiết kiệm nhân sự trạm thu phí (không cần hàng chục người vận hành 24/24); Tiết kiệm chi phí in vé giấy (không phải in vé, biên lai thu tiền mặt); Giảm ùn tắc (xe không phải dừng và xếp hàng chờ mua vé, trả tiền); Giảm ô nhiễm (xe không phải dừng, tăng tốc khi qua trạm); Giảm tai nạn (xe không phải dừng đột ngột, dẫn đến các xe phía sau có thể bị dồn toa); Giảm dùng tiền mặt (chủ xe không cần phải trữ tiền mặt, dùng ví khi qua trạm thu phí ETC...
Đề cập đến cách thức mở tài khoản, ông Thắng cho biết, hiện Tổng Cục đường bộ Việt Nam đang yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ giai đoạn 1 (BOO1) là Công ty TNHH Thu phí tự động-VETC triển khai dán thẻ (miễn phí dán thẻ lần đầu) và mở tài khoản giao thông cho tất cả các phương tiện tại nhiều điểm dừng nghỉ trên cao tốc và tại các trạm đăng kiểm, đại lý của VETC trên cả nước trong tất cả các ngày trong tuần.
Để sử dụng được làn thu phí ETC, mỗi xe sẽ được nhà cung cấp dịch vụ mở một thẻ dán ở cửa kính trước (vòng tròn đỏ) để định danh, nhận diện khi qua trạm thu phí.
“Các chủ phương tiện là cá nhân dán thẻ cần mang theo Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước/Hộ chiếu; đăng ký và đăng kiểm từng xe; thông tin xe đúng theo giấy tờ xe.
Chủ phương tiện là tổ chức, doanh nghiệp cần mang theo dăng ký kinh doanh hoặc công văn của tổ chức (kèm danh sách xe); đăng ký, đăng kiểm từng xe; thông tin xe đúng theo giấy tờ xe”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, tài khoản giao thông do VETC cung cấp được sử dụng như tài khoản điện thoại trả trước, khách hàng nạp tiền và sử dụng cho tất cả các trạm thu phí ETC trên cả nước.
Lưu thông qua làn thu phí ETC thế nào?
Đại diện Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay mỗi trạm thu phí đều có từ 5 đến trên 10 làn thu phí (tương đương với các làn xe). Với những làn được trang bị công nghệ, thiết bị để thu phí tự động ETC đều có đường vạch sơn màu xanh dẫn vào.
Vào gần trạm thu phí bên trên làn thu phí tự động có thêm biển đề nội dung “Làn thu phí ETC”, kèm với đó là hệ thống các bảng nhận hiện xe, thu tín hiệu có mặt chính hướng xuống đường để nhận diện xe đi qua.
Khi qua các làn thu phí xe đã dán thẻ di chuyển bình thường và không phải dừng, hệ thống thu phí không dừng ETC sẽ tự động nhận diện, thanh toán phí.
Khi đi qua làn thu phí, lãnh đạo Tổng cục đường bộ lưu ý lái xe một số nội dung.
Cụ thể, làn ETC là làn thu phí tự động, chỉ dành riêng cho xe đủ điều kiện được lưu thông (đã mở tài khoản, dán thẻ nhận diện và nạp tiền); Xe chưa có thẻ hoặc có thể nhưng tài khoản không đủ tiền thì không đi vào làn thu phí ETC, nếu chủ phương tiện không chấp hành, sau thời gian tuyên truyền, nhắc nhở sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Làn thu phí ETC được lắp đặt ở nhiều trạm là làn ở sát dải phân cách giữa hai chiều đường. Khi qia trạm, lái xe giữ vận tốc nhỏ hơn 30km/h để đảm bảo an toàn, giữ khoảng cách tối thiểu giữa 2 xe là 15m.
Với vận tốc và khoảng cách này, khi phương tiện đi qua trạm, hệ thống công nghệ ETC hoạt động tốt và tự nhận diện, thanh toán phí tự động, sau đó mở barie để phương tiện đi qua mà không phải dừng.