Trong khi đó, không có côn trùng thụ phấn thì cây xanh không thể phát triển và ra hoa kết trái bình thường. Dự án mới do các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện đặt mục tiêu sử dụng thiết bị bay tự động (drone) tạo ra các bong bóng xà phòng có phấn.
Để bù lại số lượng côn trùng thụ phấn đang giảm, các nhà khoa học ở Viện Công nghệ và Khoa học tiên tiến ở Nomi (Nhật Bản) đã phát triển một thiết bị rất đơn giản. Họ gắn "súng" bắn bong bóng xà phòng vào drone. Dung dịch xà phòng chứa các hạt phấn hoa. Phấn hoa sẽ rơi xuống cây xanh khi bong bóng xà phòng vỡ.
Drone có thể bay trong vườn và "bắn" bong bóng xà phòng chứa phấn hoa vào cây cối, thay thế cho việc thụ phấn của ong bướm.
"Việc này nghe có vẻ hơi kỳ ảo, nhưng bong bóng xà phòng giúp thụ phấn rất hiệu quả và bảo đảm chất lượng quả tương tự như trường hợp thụ phấn thủ công.
So sánh với những phương pháp thụ phấn hiện hành khác, thụ phấn bằng bong bóng xà phòng là giải pháp tiên tiến, cung cấp hạt phấn hoa đến từng loại hoa cụ thể mà không gây hại cho hoa – Giáo sư Eijiro Miyako ở Viện Công nghệ và Khoa học tiên tiến, cho biết.
Lịch sử hình thành giải pháp thụ phấn bằng bong bóng xà phòng cũng rất thú vị. Giáo sư Miyako và các đồng nghiệp phát triển nguyên mẫu drone nhỏ,có thể thụ phấn cho cây. Dự án thất bại, bởi mặc dù có kích thước chỉ 2 cm, nhưng trong quá trình bay để thụ phấn, drone phá hủy các bông hoa.
Buồn chán vì thất bại, Giáo sư Miyako chơi trò thả bong bóng xà phòng cùng con trai. Chứng kiến một bong bóng vỡ ra bên cạnh mặt con trai, Giáo sư Miyaka bỗng nảy ra ý tưởng: Cấu trúc bong bóng xà phòng mỏng manh đến mức có thể dùng để thụ phấn cho hoa!
Các nhà khoa học bắt tay vào công việc. Nhiệm vụ đầu tiên của cả nhóm là sử dụng kính hiển vi để khẳng định bong bóng xà phòng thật sự chịu được sức nặng của những hạt phấn hoa.
Bước tiếp theo là gắn "súng" bắn bong bóng xà phòng lên các drone. Drone bay với tốc độ 2 m/s và được điều khiển bằng hệ thống định vị GPS, có thể đến đúng đích với độ chính xác 90%.
Các bong bóng xà phòng và drone "bắn xà phòng" rất hữu dụng trong các điều kiện thời tiết thay đổi như gió hay mưa. Tuy nhiên, các nhà khoa học thừa nhận, giải pháp đơn giản này không phải là liều thuốc hiệu quả cho tất cả các vấn đề liên quan đến sự sụt giảm số lượng côn trùng thụ phấn.