Chưa tìm thấy bằng chứng kẻ này có liên hệ với IS
Báo Le Figaro đưa tin trong buổi họp báo hôm 18.7, công tố viên của Pháp François Molins khẳng định hung thủ Mohamed Lahouaiej-Bouhlel đã tính toán kỹ càng trước khi ra tay thực hiện vụ tấn công bằng xe tải tại Nice.
Nhiều bằng chứng bao gồm hình ảnh về con đường Promenade des Anglais (nơi xảy ra vụ khủng bố) đã tìm được trong điện thoại của hắn. Ông cho biết thêm chiếc xe đã được thủ phạm sửa chữa vài lần ngay trước khi thực hiện vụ khủng bố.
Một tình tiết đáng chú ý khác được phát hiện trong quá trình điều tra là hung thủ đã từng chụp lại ảnh trang nhất tờ báo địa phương Nice-Matin, số đăng về vụ một người đàn ông say rượu lái xe thẳng lên lề đường trước một nhà hàng tại Nice vào tháng 1.2016.
Lịch sử truy cập Internet của hung thủ từ ngày 1.7 cho thấy vụ tấn công đã được hắn lên kế hoạch từ lâu. Hắn đã tìm thông tin về các lễ hội được tổ chức tại Promenade des Anglais, về kế hoạch bắn pháo hoa tại Nice và các vụ tai nạn xe cộ chết người.
Thủ phạm Mohamed Lahouaiej-Bouhlel (31 tuổi) người Tunisia.
Hành động khủng bố một cách độc lập
Cảnh sát Pháp cho biết trái với các phần tử khủng bố của IS khác vốn có xu hướng cực đoan từ lâu, Lahouaiei-Bouhlel chỉ bị cực đoan hóa 15 ngày trước khi thực hiện vụ thảm sát tại Nice.
Theo công tố viên François Molins, thông tin trên máy tính của hung thủ cho thấy hắn đã tìm trên Internet từ ngày 1.7 đến 13.7 các bài tụng của đạo Hồi thường được các tổ chức khủng bố sử dụng để tuyên truyền.
Tuy IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc và cho rằng thủ phạm là một chiến binh IS nhưng công tố viên Molins cho biết cảnh sát không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy hắn đã liên lạc hay từng tuyên thệ trung thành với IS, hoặc tổ chức khủng bố nào.
Công tố viên Molins kết luận hung thủ thuộc dạng cá nhân độc lập “nghe theo thông điệp kêu gọi thực hiện tàn sát do các tổ chức khủng bố đưa ra”.
Ông nhận xét: “Những mệnh lệnh kêu gọi giết chóc này cùng với tư tưởng cực đoan rất có khả năng khiến các cá nhân chưa từng đặt chân đến Syria ra tay khủng bố tại Pháp mà không cần bất cứ hướng dẫn nào từ các tổ chức khủng bố”.
Mặt khác, nhà tội phạm học Alain Bauer trả lời phóng vấn báo Le Figaro cho biết: “IS thường không nhận bừa các vụ không do tổ chức này thực hiện”.
Việc này có thể sẽ gây ra tác dụng ngược và bị các nhóm đối lập như Al-Qaeda lợi dụng để chống lại IS, theo nhà nghiên cứu về Hồi giáo Mathieu Guidere.
Tổng cộng đã có bảy đối tượng bị cảnh sát Pháp tạm giữ để điều tra trong vụ khủng bố tại Nice. Trong đó có một đối tượng bị tình nghi đã trực tiếp hỗ trợ “hậu cần” cho hung thủ và giúp hắn có được khẩu súng ngắn tự động đã được sử dụng vào đêm 14.7.
Quốc hội Pháp sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp
Ngay sau khi xảy ra vụ khủng bố tại Nice, Tổng thống François Hollande tuyên bố sẽ đề nghị kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm ít nhất ba tháng (đến ngày 26.10.2016).
Tình trạng khẩn cấp tại Pháp được thiết lập sau vụ khủng bố 13.11.2015 tại Paris đã được kéo dài đến ba lần và sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 7.2016.
Đề xuất của Tổng thống Pháp hôm 18.7 đã được Hội đồng Bộ trưởng thông qua và Hội đồng Nhà nước phê duyệt với sự đồng ý của các chủ tịch đại diện cho các đảng phái Quốc hội. Tiếp đến, đề xuất này sẽ tiếp tục được đưa ra xem xét trước Quốc hội vào ngày 19.7 trước khi được phép có hiệu lực vào ngày hôm sau.
Theo nhận định của báo Le Figaro, ngoài việc khoảng thời gian kéo dài tình trạng khẩn cấp được đề xuất là khá dài (từ ba đến sáu tháng), thì các vụ kiểm soát hành chính các hộ dân của cảnh sát cũng như các vụ quản chế tại nhà trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp từng gây nhiều tranh cãi có thể sẽ đặt ra khó khăn cho đề xuất này của Tổng thống Hollande.