Thủ phạm từ đĩa rau sống có thể gây liệt chân tay, mù mắt

Ngọc Anh |

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hoà số ca mắc bệnh sán, giun đĩa chó mèo tại địa phương này đang gia tăng đột biến trong vài tháng trở lại đây.

Gia tăng người dân bị sán

Bệnh nhân Nguyễn Kim T (Cam Lâm, Khánh Hoà) đến Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa khám trong tình trạng ngứa nhiều nơi trong cơ thể, ở tay và chân xuất hiện nhiều vết đỏ như nổi mề đay. Sau khi khám và cho xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân này bị mắc bệnh giun đũa chó.

Bà T thường xuyên ăn rau sống và gia đình không nuôi chó mèo nhưng hàng xóm nuôi nhiều và rau sống trồng trong vườn. Các bác sĩ cho biết rau sống đã bị nhiễm trứng sán do phân của chó mèo vệ sinh ra.

Trước đó, bệnh viện này cũng tiếp nhân ca bệnh bị ấu trùng giun đũa chó đã xâm nhập vào não bộ và làm tổn thương một phần não gây ra tình trạng đau đầu kinh niên cho bệnh nhân. Trường hợp này không được phát hiện và xử lý, ký sinh trùng xâm nhập sâu hơn vào não có thể gây mù mắt, liệt tay chân của bệnh nhân.

Thủ phạm từ đĩa rau sống có thể gây liệt chân tay, mù mắt - Ảnh 1.

Rau sống là nguyên nhân gây ra giun sán chó

Thống kê của Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa năm 2016, bình quân mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị khoảng 10 - 15 lượt ca thì năm 2017 tăng lên gấp đôi; năm 2018, số ca mắc tăng hơn 100 lượt.

Riêng từ tháng 1 đến tháng 3/2019, bệnh viện tiếp nhận bình quân hàng tháng từ 120 đến 150 lượt ca, từ tháng 4 trở đi tăng lên 200 lượt ca. Trong những bệnh nhân tới khám và điều trị, có những bệnh nhân không có tiền sử tiếp xúc, nuôi chó, mèo.

Hầu hết, khi khai thác dịch tễ học ở những người này, hầu hết họ có thói quen ăn rau sống. Do phôi của giun sán chó có thể sống ở môi trường khoảng 20 ngày nên có thể loại rau họ ăn bị nhiễm phân chó, mèo có chứa giun sán chó nhưng chưa được rửa sạch. Đây là nguyên nhân khiến bệnh sán chó gia tăng ở Khánh Hoà.

Bệnh sán chó mèo do đâu?

Theo GS Nguyễn Văn Đề - Nguyên trưởng Bộ môn ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội giun sán chó có tên khoa học là Toxocara canis, hình tròn, dài giống như giun đũa ở người. Giun sán chó trưởng thành sống trong ruột non của chó hoặc mèo.

Trứng giun theo phân thải ra đất phát triển thành ấu trùng, phát tán trong môi trường rồi nhiễm vào thức ăn, nước uống của người.

GS Đề cho biết, người bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo là do ăn phải trứng giun này. Vào cơ thể người, ấu trùng giun ký sinh ở nhiều phủ tạng trong cơ thể như: gan, phổi, mắt, não và nhiều phủ tạng khác. Đó là những ổ ấu trùng giun với tổ chức viêm, dễ nhầm với các khối u di căn và gây nên các triệu chứng khác nhau.

Thủ phạm từ đĩa rau sống có thể gây liệt chân tay, mù mắt - Ảnh 2.

Biểu hiện của sán, giun chó đa dạng

Theo GS Đề trước đó, ông đã từng điều trị cho nhiều người bệnh tưởng ung thư gan, u não nhưng khi làm xét nghiệm thì đó là ổ chứa ấu trùng giun. Người nhiễm sán thường hay bị ngứa da tái đi tái lại, điều trị không dứt hẳn.

Ngoài ra, ở một số người có biểu hiện gan to; sốt hoặc có các triệu chứng của phổi như ho, đau ngực, đau bụng và khó tiêu. Các triệu chứng này có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm, người bệnh ít khi nghĩ đến việc bị nhiễm giun.

Khi chẩn đoán và điều trị, bác sĩ sẽ tùy vào từng vị trí ký sinh mà có biểu hiện lâm sàng. Bác sĩ thường sinh thiết nếu là u dưới da hay những nơi có thể sinh thiết, nội soi. Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ nếu ở não, gan. Xét nghiệm bạch cầu ái toan tăng có tính chất chỉ điểm bệnh này để thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác.

Ngoài giun đũa do chó mèo, GS Đề khuyến cáo các bệnh lý ấu trùng sán dây chó cũng rất nguy hiểm.

Ấu trùng sán dây chó có thể ký sinh ở động vật có vú và con người. Ở con người ấu trùng sán dây chó thường ký sinh ở gan tạo ra những bọc nước lớn chứa nhiều đầu sán, các bọc nước này thường ở gan tới 65%, ở phổi 10% và ở một số cơ quan khác như não, thận…

Khi bọc nước vỡ ra giải phóng các đầu sán và các đầu sán này lại bám vào phủ tạng tạo nên nang nước mới. Nang sán này có thể ở da, ở tim, ở não…

Phòng bệnh, theo GS Đề cách tốt nhất vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch hoặc thịt chó, mèo chưa nấu chín.

Tẩy giun cho chó mèo thường xuyên: với chó mèo con, cần tẩy giun ngay từ 3 tuần tuổi, tẩy giun nhắc lại 3 lần cách nhau 2 tuần và sau đó cứ 6 tháng tẩy/lần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại