Nội dung chính
- Tăng huyết áp - “kẻ giết người thầm lặng”
- Nguyên nhân gây tăng huyết áp.
- Biến chứng của tăng huyết áp.
Tăng huyết áp - “kẻ giết người thầm lặng”
Tại Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp, cứ 5 người trưởng thành sẽ có 1 người tăng huyết áp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bệnh nhân chưa phát hiện bệnh hoặc đã phát hiện nhưng chưa kiểm soát được bệnh. Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì chúng thường không gây ra những biểu hiện hay triệu chứng cảnh báo ở giai đoạn đầu, thậm chí có người còn không biết bản thân bị tăng huyết áp.
BSCKI Lê Thị Thúy Hằng (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3) cho biết, bệnh tăng huyết áp thường xuất hiện ở người lớn tuổi nhưng hiện nay, nhiều người còn rất trẻ cũng đang mắc phải căn bệnh này.
Qua thực tế khám, bác sĩ Hằng nhận thấy, người bệnh thường phát hiện ra bị tăng huyết áp qua 3 trường hợp:
- Tình cờ phát hiện ra bệnh khi khám sức khỏe tổng quát;
- Người bệnh có triệu chứng rõ ràng của tăng huyết áp như: đau đầu, chóng mặt, nóng phừng mặt,… và đi khám;
- Bệnh nhân bị đột quỵ và phát hiện bệnh.
Với trường hợp một, người bệnh thường phát hiện sớm nên việc điều trị cũng dễ dàng hơn, huyết áp được kiểm soát tốt hơn.
Đối với trường hợp thứ hai, người bệnh có thể đã mắc tăng huyết áp từ lâu do vậy điều trị sẽ khó khăn hơn.
Trong trường hợp thứ ba, khi huyết áp tăng cao gây đột quỵ, người bệnh có thể gặp các triệu chứng nặng nề hơn như yếu liệt tay chân, liệt mặt trung ương và các rối loạn thần kinh khác. Trường hợp đột quỵ nặng nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp
“Khoảng 95% các trường hợp tăng huyết áp là nguyên phát, thường xuất hiện ở những người từ 25-55 tuổi và có tiền sử gia đình. 5% còn lại là do các nguyên nhân thứ phát như bệnh lý thận, bệnh nội tiết, hội chứng ngưng thở khi ngủ, tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc do lạm dụng rượu…”, bác sĩ Hằng thông tin.
Tăng huyết áp là một trong những vấn đề sức khỏe tim mạch phổ biến. Theo Hội Tim mạch Quốc gia Việt Nam, tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.
Bác sĩ Hằng cho hay, ở một số trường hợp, chỉ số huyết áp của người bệnh khi đo tại phòng khám cao nhưng khi về nhà huyết áp lại bình thường. Tình trạng này gọi là “tăng huyết áp áo choàng trắng”. Hoặc ngược lại, một số người có chỉ số huyết áp tăng cao khi đo tại nhà nhưng khi đến phòng khám đo chỉ số lại về mức bình thường. Tình trạng này gọi là “tăng huyết áp ẩn giấu”. Theo chuyên gia, những trường hợp này cần được theo dõi chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Biến chứng của tăng huyếp áp
Bác sĩ Hằng khuyến cáo, tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với các cơ quan như não, mạch máu, tim, thận…, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nghiên cứu cho thấy trong vòng 8-10 năm sau khi mắc bệnh, nếu không được điều trị, 50% người bệnh sẽ gặp tổn thương cơ quan và có nguy cơ tử vong do các biến cố tim mạch.
Để điều trị tăng huyết áp, mọi người cần sử dụng thuốc và thay đổi lối sống.
Bác sĩ Hằng nhấn mạnh, điều chỉnh lối sống là vô cùng quan trọng đối với người bệnh tăng huyết áp. Theo đó, người bị tăng huyết áp cần thực hiện theo nguyên tắc "5 giảm - 2 tăng" dưới đây:
- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì. Người bệnh cần duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số BMI từ 18.5-22.9.
- Giảm stress, giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng.
- Giảm sử dụng bia rượu, thuốc lá.
- Giảm tiêu thụ các món ăn chứa nhiều chất béo hoặc chứa nhiều đường.
- Giảm tiêu thụ muối, nên ăn dưới 5g muối/ngày.
- Tăng cường rau, trái cây trong bữa ăn.
- Tăng cường tập thể dục thường xuyên, tham gia các hoạt động thể chất như: đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu… Người bệnh nên tập 3-5 lần/tuần, mỗi lần 45 phút – 1 tiếng, tùy theo tình trạng sức khỏe. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu luyện tập.
Tăng huyết áp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng và tăng nguy cơ tử vong, vì vậy, chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tầm soát các yếu tố nguy cơ và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Ngoài ra, bác sĩ Hằng cho biết, khi mắc tăng huyết áp, mọi người cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, theo dõi huyết áp đều đặn, không tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều dùng. Điều này giúp kiểm soát huyết áp, tránh huyết áp tăng/hạ đột ngột và giảm nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm.