Thù oán, hai làng cấm trai gái kết hôn suốt 300 năm: Hóa giải bằng một chuyện tình

Trần Quỳnh |

Cho tới nay, mối thù "không đội trời chung" cùng tục lệ cấm trai gái kết hôn giữa hai thôn làng này đã kéo dài gần 3 thế kỷ.

300 năm trở về trước, hai làng Nguyệt Bộ và thôn Ngô Sơn (cùng thuộc huyện Nam An, thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) đã xảy ra tranh chấp lớn về nguồn nước tưới tiêu. Sự việc này chính là nguyên nhân hai thôn sát vách ấy không cho phép trai gái hai bên kết hôn.

Tìm về ngọn nguồn của mâu thuẫn kéo dài gần 300 năm

Để tìm hiểu ngọn nguồn của mâu thuẫn "truyền đời" ấy, các phóng viên đã có cuộc nói chuyện với cán bộ hai thôn làng. Theo lời kể của cán bộ lâu năm Phó Tử Phương, tục lệ cấm trai gái hai thôn kết hôn đã được truyền từ nhiều đời.

"Theo ghi chép, ít nhất 300 năm qua, hai thôn này chưa hề thông hôn với nhau."

Cũng theo ông Phương, tục lệ này bắt nguồn từ một tranh chấp liên quan tới nguồn nước tưới tiêu giữa tổ tiên của hai thôn này.

"Hai thôn Nguyệt Bộ và Ngô Sơn nằm sát cạnh nhau, dùng chung nguồn nước tưới tiêu từ trên núi chảy xuống mương. Vào mùa mưa, lượng nước rất dồi dào, nhưng đến mùa khô sẽ nhanh chóng cạn.

Người nào cũng muốn dẫn nước vào ruộng nhà mình, nhưng lượng nước không đủ đã dẫn đến tranh chấp. Lúc đầu, tranh chấp ấy chỉ xảy ra giữa một vài gia đình, nhưng sau đó trở thành mâu thuẫn của cả dòng họ và cuối cùng trở thành tranh chấp giữa hai thôn".

Khi mâu thuẫn xảy ra kịch liệt, người dân hai thôn thậm chí còn dùng cuốc xẻng để ẩu đả, cãi lộn. Sau cùng, những người dân ở hai nơi nay đã lập lời thề tuyệt đối không kết làm thông gia với nhau. Tục lệ trai gái hai làng không thông hôn cũng bắt nguồn từ đó.

Thù oán, hai làng cấm trai gái kết hôn suốt 300 năm: Hóa giải bằng một chuyện tình  - Ảnh 1.

Trước khi có mối quan hệ hòa hảo như hiện tại, hai thôn làng này đã trải qua những mâu thuẫn gay gắt kéo dài gần 300 năm. (Ảnh: nguồn Internet).

Mâu thuẫn đỉnh điểm phải kể tới sự việc xảy ra năm 1967. Nhắc tới vụ việc này, ông Vương Nghiêu Tị (người thôn Ngô Sơn) không khỏi thở dài ngao ngán:

"Lần ấy, không ít người đã tự trang bị cho mình súng bắn chim. Tất cả những người trên 16 tuổi ở hai làng đều tham gia vào cuộc ẩu đả, thậm chí còn gọi cả anh em, họ hàng ở nơi khác đến để 'chi viện'. Hai làng đánh nhau tới 'sứt đầu mẻ trán' suốt ba ngày trời."

May mắn là khi xảy ra ẩu đả, những người mang súng chỉ bắn lên trời để hù dọa đối phương. Vụ việc này ầm ĩ tới mức chính quyền hai bên buộc phải đứng ra can thiệp và mời đại diện hai thôn đến gặp mặt để hoài giải mâu thuẫn.

Sau lần hòa giải vào năm 1967, mối quan hệ của hai thôn không còn gay gắt như trước, thậm chí người dân hai nơi này còn không ít lần hợp tác để phát triển kinh tế, tình cảm đôi bên cũng ngày càng được cải thiện.

Sau cải cách mở cửa, thôn Nguyệt Bộ bắt đầu có xưởng giày, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân nơi đây. Không lâu sau đó, thôn Ngô Sơn cũng xuất hiện xưởng giày.

Mặc dù cùng sản xuất chung một mặt hàng, nhưng hai thôn rất ít khi có sự bất hòa vì cạnh tranh. Người dân hai nơi còn sang thôn của nhau để làm công. Quan hệ hợp tác làm ăn của họ cũng được đặt nền móng từ đó.

Ông Vương (người thôn Ngô Sơn) hiện đang sở hữu một của hàng tại thôn Nguyệt Bộ. Ông chia sẻ:

"Trước đây tôi chọn chỗ này để mở cửa hàng vì tương đối gần nhà, nhiều người qua lại, cũng không nghĩ gì tới ân oán hai thôn. Thực ra, vào thời điểm đó, tình cảm giữa hai thôn đã vô cùng tốt rồi."

Cửa hàng của ông Vương tính đến nay đã mở được 6 năm, nhưng chưa có bất kỳ tranh chấp, xung đột nào liên quan tới vấn đề ân oán của tổ tiên năm xưa.

Những cuộc tình bi thảm bị chia cắt vì tục lệ của tổ tiên

Mặc dù mối quan hệ hai thôn đã được "bình thường hóa", nhưng tục lệ cấm thông hôn vẫn chưa hề bị xóa bỏ.

Những năm qua, có không ít những cuộc tình giữa trai gái hai làng đã kết thúc trong sự chia cắt vì bị ngăn cấm từ gia đình đôi bên, mà rào cản trực tiếp chính là luật lệ cấm thông hôn do tổ tiên truyền lại.

Thù oán, hai làng cấm trai gái kết hôn suốt 300 năm: Hóa giải bằng một chuyện tình  - Ảnh 2.

Không ít cuộc tình của nam nữ đôi bên đã bị đổ vỡ do áp lực từ phía gia đình, mà nguyên nhân trực tiếp chính là tục lệ "cấm thông hôn" của tổ tiên năm xưa. (Ảnh minh họa).

Ông Phó Tử Phương cho hay, bản thân ông từng chứng kiến 5,6 đôi uyên ương bị "chia cắt", thậm chí có người đã mang thai nhưng vẫn bị người nhà ngăn cản, buộc phải đi phá thai để chấm dứt đoạn tình duyên "trái ngang" này.

Cô gái trong lời kể của ông Phó tên là Tiểu Ngọc, người thôn Nguyệt Bộ. Khoảng 3 năm trước, cô quen với Tiểu Đông (người thôn Ngô Sơn) nhờ làm chung xưởng giầy.

Hai người tâm đầu ý hợp, yêu thương nhau thắm thiết. Một năm sau đó, Tiểu Ngọc có thai và chuẩn bị kết hôn với Tiểu Đông.

Không may, chị gái ruột của cô lại sẩy thai ngay trong khoảng thời gian ấy. Sự việc này khiến người nhà hai bên đều cho rằng đó là hậu quả do mối tình của Tiểu Ngọc và Tiểu Đông đã phạm vào "lời nguyền" mà tổ tiên để lại.

Vì vậy, người nhà Tiểu Ngọc cương quyết không cho cô kết hôn cùng Tiểu Đông, thậm chí nhiều lần khuyên cô đi phá thai.

Dưới sức ép của gia đình, Tiểu Ngọc đành phải bỏ đi giọt máu của mình và người yêu. Cuộc tình của cô và Tiểu Đông cũng buộc phải chấm dứt.

Hành trình hóa giải lời thề tồn tại gần 300 năm

Suốt 3 thế kỷ qua, lời thề xuất phát từ mâu thuẫn của người xưa đã trở thành rào cản chia rẽ nhiều đôi uyên ương giữa hai thôn Nguyệt Bộ và Ngô Sơn. May mắn thay, tục lệ ấy đã chính thức được xóa bỏ nhờ mối tình dũng cảm đã trở thành giai thoại của một đôi trai gái.

Thù oán, hai làng cấm trai gái kết hôn suốt 300 năm: Hóa giải bằng một chuyện tình  - Ảnh 3.

Cảm động trước câu chuyện tình của đôi trai gái này, hai thôn Nguyệt Bộ và Ngô Sơn đã quyết định làm lễ hóa giải lời thề của tổ tiên năm xưa để thắt chặt quan hệ. (Ảnh: nguồn Internet).

Đôi trai gái ấy chính là Tiểu Vương của thôn Ngô Sơn và Tiểu Phương ở thôn Nguyệt Bộ. Tình yêu mãnh liệt và sự dũng cảm của họ đã thuyết phục thành công cha mẹ đôi bên, cũng trở thành chiếc "chìa khóa" hóa giải lời thề cấm thông hôn đã tồn tại hơn 300 năm.

Tháng 3/2017 vừa qua, hai thôn cùng nhau tổ chức một buổi tiệc rượu ăn mừng. Trong bữa tiệc hôm ấy, có người nhắc tới chuyện tình giai thoại của đôi vợ chồng Tiểu Vương và Tiểu Phương.

Câu chuyện của họ khiến những bậc cao niên hai thôn vô cùng xúc động và đưa ra quyết định chính thức bãi bỏ lời thề của 3 thế kỷ trước.

Ngay trong tối ngày hôm đó, đại diện hai thôn đã bàn bạc với nhau, dân làng đôi bên cũng không ai phản đối.

Những ngày sau đó, người dân hai thôn Nguyệt Bộ và Ngô Sơn đã đến miếu thờ tổ để thắp hương, gieo quẻ và chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ giải trừ lời thề năm nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại