"Thu nhập tầm 800 nghìn đồng/ngày"
"Kỳ vọng của em là được vào hợp đồng lâu dài", Nguyễn Cảnh Diễn, đối tác MyGo nói với chúng tôi trong một buổi phóng vấn hồi giữa tháng 11 vừa qua.
Diễn là 1 trong 120.000 tài xế xe 2 bánh đang làm việc cho MyGo, nền tảng thuộc sở hữu của Viettel Post. Diễn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tại bưu cục Đống Đa vào đầu tháng 9. Sau khi trải qua quá trình huấn luyện cả offline lẫn online, Diễn chính thức đi làm.
"Thu nhập tháng 9 của em là khoảng 19 triệu, sang tháng 10 còn 18 triệu đồng vì em nghỉ về quê mất gần chục ngày. 20 ngày gần nhất, ngày ít bù ngày nhiều nhưng trung bình cũng tầm 800.000 đồng/ngày", Diễn thật thà chia sẻ.
Ngày 1/7/2019, Viettel Post tuyên bố chính thức ra mắt nền tảng MyGo, ứng dụng vừa chở người, vừa giao hàng trên điện thoại di động.
Trong tính toán của ông lớn ngành bưu chính, việc thực hiện song song cả 2 tác vụ sẽ giúp tài xế tối ưu hóa thời gian hoạt động để gia tăng thu nhập, nhờ đó MyGo có thể mở rộng mạng lưới mà không cần sa chân vào cuộc chơi đốt tiền.
Dĩ nhiên câu chuyện trên với những tài xế như Diễn chẳng có quá nhiều ý nghĩa. Diễn tìm đến MyGo chỉ đơn giản vì đã quá mệt mỏi sau quãng thời gian dài dốc sức làm tài xế cho một startup mảng giao hàng.
Diễn kể lại, trong quá khứ, có những hôm cậu giao thông trưa, cứ vừa giao lại vừa nhận thêm hàng mới và hôm nào không giao hết thì... tài xế tự bỏ tiền túi ra mua hàng.
"Thu nhập khoảng 20-25 triệu nhưng xuống sức nhanh nên em bỏ. Bây giờ làm bên này, vừa làm vừa nghỉ thì tầm 7h tối là em về. Chứ nếu làm căng đét có khi mấy tiếng là xong".
Ở thời điểm hiện tại, MyGo chưa triển khai tích hợp hoạt động chở người nên công việc chủ yếu của Diễn là giao hàng. Số lượng đơn giao mỗi ngày trung bình khoảng hơn 100, tập trung vào 2 tuyến đường là Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội).
Vì đặc thù địa bàn, cậu nghỉ chiều thứ Bảy và cả ngày Chủ nhật, trong khi một số tài xế MyGo sẽ làm thêm chiều thứ 7, chủ nhật.
Với một chàng trai sinh năm 1992, lại chưa phải vướng bận gia đình, mỗi tháng trừ hết các khoản chi phí, Diễn tiết lộ cũng để ra được tầm 10 triệu đồng.
"Nói chung làm để cày tiền thì em nghĩ các bên khác được nhiều hơn nhưng em muốn làm chỗ đảm bảo sức khỏe hơn. Nếu hôm nào không giao được thì mai giao chứ em cũng không bị bắt phải mua luôn giống trước đây", Diễn cho biết.
Tổng thu nhập của Nguyễn Cảnh Diễn trong ngày 11/11 và 12/11.
Cơ hội thành nhân viên chính thức
Hiện chưa có một thống kê chính thức liên quan đến số lượng tài xế công nghệ tại Việt Nam, các khó khăn, thách thức và những nguy cơ lâu dài về sức khỏe mà họ có thể phải đối mặt.
Riêng với MyGo, bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc truyền thông Viettel Post cho biết với số lượng bưu cục phân bố rộng, các tài xế như Diễn sẽ được chia phụ trách từng tuyến nhỏ. Cách làm này giúp đối tác hạn chế phải di chuyển nhiều, đồng thời nắm vững thói quen giao nhận của khách hàng trong khu vực.
Tuy nhiên, điểm hấp dẫn nhất của MyGo, như Viettel Post đã từng tuyên bố, đó là các tài xế có cơ hội trở thành nhân viên chính thức của Tổng công ty, được hưởng quyền lợi lao động đầy đủ. Bà Linh tiết lộ trong tháng 12 này, Viettel Post sẽ ký hợp đồng với 157 đối tác MyGo, những người đã lao động chăm chỉ và không ngại vất vả trong công việc.
Nguyễn Cảnh Diễn là một trong số đó.
"Ngoài chuyện được đóng bảo hiểm theo quy định nhà nước, ngay sau khi ký hợp đồng, họ sẽ trở thành bưu tá của Viettel Post, những người có trách nhiệm quản lý đối tác MyGo vào sau và tìm kiếm thêm khách hàng mới. Từ đây, nếu làm tốt, họ hoàn toàn có thể thăng tiến thành trưởng bưu cục, giám đốc chi nhánh, thậm chí là tổng giám đốc trong tương lai".
"CEO của chúng tôi đã mất 13 năm để đi con đường đó, từ một nhân viên kinh doanh lên vị trí Tổng giám đốc như ngày hôm nay. Vậy nên cơ hội luôn rộng mở với tất cả mọi người", bà Linh khẳng định.