Thống kê 10 ngân hàng Việt Nam mới công bố báo cáo tài chính quý IV/2016 gồm Ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB, MBB, Sacombank, ACB, VIB, NCB và Eximbank cho thấy, tổng thu nhập lãi thuần năm 2016 đạt hơn 95.538 tỷ đồng, tăng trưởng 14,7% so với năm 2015.
Mặc dù vậy, tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập hoạt động của nhóm ngân hàng này đã giảm xuống còn 79,46%%, so với mức 80,47% cùng kỳ năm trước. 9/10 ngân hàng trong nhóm khảo sát cho thấy tỷ trọng thu nhập lãi thuần giảm so với cùng kỳ năm trước.
Với tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập năm 2016 chỉ còn 82,52%, từ mức 89,43% cùng kỳ năm trước, Eximbank là một trong những nhà băng có sự chuyển biến mạnh nhất trong cơ cấu thu nhập.
Kết thúc năm 2016, Eximbank đạt hơn 3.082 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 9,3% so với năm 2015. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và từ mua bán chứng khoán đầu tư lại có sự chuyển biến rõ rệt khi tăng lần lượt từ 62,7 tỷ đồng lên gần 260 tỷ đồng và từ lỗ hơn 34 tỷ đồng thành lãi gần 25 tỷ đồng.
Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank trong năm 2016 đạt 3.735 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm chi phí hoạt động trong khi trích lập dự phòng cũng giảm 24%, còn hơn 1.089 tỷ đồng đã giúp ngân hàng báo lợi nhuận trước thuế gần 391 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần năm trước.
Đến cuối năm 2016, cho vay khách hàng của ngân hàng chỉ tăng trưởng nhẹ 2,5% so với đầu năm, đạt 86.891 tỷ đồng. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 2,95%, tức mức 1,86% trong năm 2015.
Sacombank cũng nằm trong số các nhà băng có thu nhập lãi thuần giảm khá mạnh trong cơ cấu nguồn thu năm 2016, với hơn 5.119 tỷ đồng, tương đương 72,59%, trong khi cùng kỳ năm trước, con số này là 78,16%. Trong khi tỷ trọng thu nhập lãi thuần giảm khá mạnh, năm 2016 lại chứng kiến sự lên ngôi của hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối.
Cụ thể, trong năm, hoạt động dịch vụ chiếm tới 20,11% tổng thu nhập lãi thuần khi mang về cho Sacombank khoản lãi lên tới 1.418 tỷ đồng, chỉ đứng sau con số tuyệt đối của ba “ông lớn” Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank và BIDV.
Trong khi đó, doanh thu thuần từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng 67,9%, đạt 267 tỷ đồng và chiếm 3,8% tổng thu nhập lãi thuần.
Kết thúc năm 2016, tổng thu nhập lãi thuần của Sacombank đạt 7.052 tỷ đồng, giảm 16,7% so với năm 2015 trong khi chi phí hoạt động lại tăng 19,7%, lên 5.820 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ còn gần 532 tỷ đồng, giảm tới 64% so với năm trước, mặc dù trích lập dự phòng trong năm của Sacombank đã giảm 2/3.
NCB hiện đang là ngân hàng có tỷ trọng thu nhập lãi thuần cao nhất trong nhóm khảo sát, tuy nhiên, nhà băng này cũng cho thấy đang dần giảm phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.
Nếu như trong năm 2015, tới 99,51% thu nhập thuần của ngân hàng này đến từ hoạt động tín dụng thì sang năm 2016, con số này đã giảm xuống còn 90,49%. Trong khi đó, thu nhập từ các hoạt động khác kỳ này lại mang về cho ngân hàng gần 129 tỷ đồng, tương đương 12,24% tổng thu nhập thuần.
Kết thúc năm 2016, NCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 16,5 tỷ đồng, tăng 121,4% so với năm 2015. Dù so với những “người anh em” khác, đây vẫn còn là một kết quả khiêm tốn, song đây vẫn là kết quả tốt nhất của ngân hàng này trong vài năm trở lại đây.
Ở chiều ngược lại, Vietinbank là ngân hàng duy nhất trong nhóm khảo sát chứng kiến tỷ trọng thu nhập lãi thuần tăng trong năm qua. Cụ thể, năm 2016, ngân hàng ghi nhận khoản lãi gần 22.405 tỷ đồng từ hoạt động tín dụng, tăng trưởng tới 18,9% so với năm 2015. Tỷ trọng của khoản này trong tổng thu nhập thuần vì thế cũng tăng từ 82,83% lên 84,69%.
Kết thúc năm 2016, tổng lợi nhuận thuần của ngân hàng tăng 16,3% so với năm 2015, đạt 26.454 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.530 tỷ đồng, tăng trưởng 16,13%.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng của toàn nền kinh tế tính đến ngày 29/12/2016 đạt tăng 18,71% so với cuối năm 2015.
Cơ cấu tín dụng diễn biến tích cực theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, tập trung chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản chậm lại. Tín dụng VND tăng cao trong khi tín dụng ngoại tệ tăng thấp, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ.
Mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm thì từ tháng 4 đã ổn định, đặc biệt giữa tháng 4 và từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm khoảng 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Lãi suất cho vay hiện phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.