Hà Nội
Năm 2010, TNBQ đầu người của Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. Nhìn chung, trong giai đoạn từ 2010 - 2021, TNBQ của thủ đô có xu hướng tăng lên, đỉnh điểm là năm 2019. TNBQ năm này của thành phố tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2010, đạt mức hơn 6,4 triệu đồng/người/tháng và xếp thứ 3 trên cả nước.
Đến năm 2020, theo Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị thâm hụt.
Trong năm này, TNBQ đầu người của Hà Nội giảm xuống còn hơn 6,2 triệu đồng/tháng và năm 2021 tiếp tục giảm 200.000 đồng/tháng, xuống còn hơn 6 triệu đồng/tháng
Về thứ hạng, trong 12 năm từ 2010 - 2021, Hà Nội duy trì ở vị trí thứ 3 về mức TNBQ đầu người cao nhất trên cả nước, riêng năm 2014, thành phố vươn lên vị trí thứ 2.
Hải Phòng
Năm 2010, Hải Phòng có mức TNBQ đầu người cao thứ 8 trên cả nước với thu nhập gần 1,7 triệu đồng/tháng. Trong 12 năm từ năm 2010 - 2021, TNBQ đầu người của địa phương có xu hướng tăng, trong đó năm 2014 là năm tăng trưởng nhiều nhất với 36%, đạt mức 3,9 triệu đồng/người/tháng. Đây cũng là năm Hải Phòng xếp hạng cao nhất với vị trí 3/63 tỉnh, thành.
Trong giai đoạn này, năm 2019 là năm thành phố có TNBQ đầu người cao nhất với 5.576.000 đồng/tháng, xếp thứ 7 trên cả nước.
Tương tự Hà Nội, Hải Phòng có 2 năm liên tiếp giảm TNBQ do Covid-19. Năm 2021, TNBQ đầu người của địa phương giảm còn hơn 5 triệu đồng/tháng, cao thứ 6 trên cả nước.
Nguồn: GSO
Đà Nẵng
Năm 2010, TNBQ đầu người của Đà Nẵng ở mức gần 2 triệu đồng/tháng, xếp thứ 4 trên cả nước. Đến năm 2019, con số này đã lên đến hơn 6 triệu đồng/người/tháng, gấp hơn 3 lần so với năm 2010. Đây cũng là mức thu nhập cao nhất trong giai đoạn từ 2010 - 2021.
2 năm diễn ra đại dịch Covid-19 cũng là 2 năm liên tiếp TNBQ của thành phố bị tụt giảm. Năm 2020, TNBQ của Đà Nẵng giảm xuống còn gần 5,3 triệu đồng/người/tháng, giảm 13% so với năm 2019 và xếp thứ 6 trên cả nước.
Năm 2021, TNBQ đầu người của thành phố tiếp tục giảm 50 nghìn đồng/tháng và đạt mức hơn 5,2 triệu đồng/tháng, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành trên cả nước.
TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM)
Về TNBQ đầu người, từ năm 2010 - 2016, TP. HCM liên tục giữ vị trí quán quân trên cả nước. Năm 2010, TNBQ đầu người của thành phố ở mức 2.727.000 đồng/tháng về đến năm 2016, con số tăng lên 6.351.000 đồng/người/tháng.
Đến năm 2018, TP. HCM bị soán ngôi bởi Bình Dương và xếp vị trí thứ 2 cho đến năm 2021.
Năm 2019 là năm thành phố có mức TNBQ đầu người cao nhất với 6,7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, do dịch bệnh nên mức thu nhập liên tục giảm. Đến năm 2021, TNBQ của địa phương giảm còn hơn 6 triệu đồng/người/tháng.
Cần Thơ
Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, Cần Thơ là thành phố có TNBQ đầu người thấp nhất. Năm 2010, TNBQ của thành phố ở mức 1,5 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành.
Cần Thơ luôn duy trì nằm trong top 10 địa phương có TNBQ đầu người cao nhất, ngoại trừ năm 2014 và 2016, Cần Thơ tụt xuống hạng 14 và 11.
Năm 2020, ngược lại với xu hướng của các thành phố trực thuộc trung ương khác, TNBQ đầu người của Cần Thơ vẫn tăng 6% so với năm 2019. Đây cũng là năm TNBQ của thành phố cao nhất với hơn 5 triệu đồng/người/tháng và giữ vị trí thứ 8 trên cả nước.
Năm 2021, do tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp hơn, TNBQ đầu người của Cần Thơ giảm còn gần 4,8 triệu đồng/tháng và vẫn duy trì ở vị trí thứ 8.