Luôn theo dõi, ghi chú các khoản chi tiêu
Thoa Trần (sinh năm 1996) hiện sinh sống và làm việc cùng chồng tại TP Hồ Chí Minh. Thu nhập gia đình trung bình khoảng 30 triệu đồng, hàng tháng tiết kiệm tối thiểu 15 triệu đồng. "Từ lâu mình đã hình thành thói quen ghi chép lại thu chi của gia đình. Nhờ đó mình dễ dàng theo dõi thu nhập hằng tháng với con số chi tiết nhất giúp phân chia các tỷ lệ chi tiêu và tiết kiệm phù hợp".
Vợ chồng Thoa Trần
Mỗi tháng gia đình cô chi khoảng 15 triệu đồng. Cụ thể, để có không gian sống thoải mái, vợ chồng Thoa Trần đã chi 6 triệu đồng cho tiền thuê nhà, chiếm 20% thu nhập. Cô cho rằng đây là con số hợp lý với những người sống ở thành phố đắt đỏ như TP Hồ Chí Minh.
"Đa số thực phẩm của nhà mình được gửi từ quê nên giá cả rẻ hơn. Nhà ở quê có mảnh vườn để trồng các loại rau quả nên tiết kiệm được kha khá tiền. Ngoài đồ ăn được gửi từ quê vào, chúng mình sẽ đi siêu thị để mua thêm các nhu yếu phẩm cần thiết khác, và các thực phẩm khác nếu muốn đổi món. Cộng với các khoản phí xăng xe và tiền điện thoại, tổng chi phí khoảng 6 triệu đồng".
Với những khoản chi phí phát sinh như hiếu hỉ, cô ước lượng hàng tháng gia đình sẽ chi khoảng 3 triệu. Còn lại 50% thu nhập tức là 15 triệu để tiết kiệm và đầu tư là con số tối thiểu hàng tháng phải tích lũy được.
"Có 2 lý do vợ chồng mình muốn tiết kiệm nhiều như vậy. Thứ nhất, nhà mình hiện không có các khoản vay phải trả như vay mua nhà, BĐS hay xe cộ nên mình gần như không có áp lực về mặt tài chính. Thứ hai, nhà mình hiện chỉ có 2 thành viên, chưa có em bé, và không cần phải chi tiền phụng dưỡng bố mẹ. Chúng mình muốn tích lũy được nhiều hơn để tương lai có thể mua nhà, và nhất là có 1 khoản tiền dự trù khi đón con đầu lòng".
Bên cạnh đó, Thoa Trần có một vài mẹo trong chi tiêu thường hay áp dụng để tiết kiệm tiền tối đa nhất có thể cho gia đình:
- Lựa chọn chọn các thiết bị điện cho gia đình có nhãn năng lượng cao nhất giúp tiết kiệm khoản điện tiêu thụ. Thoa Trần chia sẻ rằng điều này nhiều nhà không để ý từ lúc mua ban đầu, tới khi đi vào sử dụng lại đau đầu vì hóa đơn tiền điện quá cao.
- Luôn nấu ăn ở nhà nhiều nhất có thể. Thông thường, Thoa Trần sẽ nấu cơm vào buổi tối, và nấu luôn cả đồ ăn sáng nếu hôm đó các món mất nhiều thời gian để nấu như: nước phở để ăn miến, bún. Các bữa sáng cũng sẽ có món đơn giản như: bánh mì kẹp trứng ốp la, hoặc phần cơm từ tối qua vẫn còn. Cả hai vợ chồng không có thói quen lê la hẹn hò ăn vặt, hàng quán, trà sữa. Thay vào đó, cô làm mọi thứ ở nhà như nước ép, sinh tố, làm bánh, nấu sữa tại nhà.
- Lựa chọn nhà thuê với mức chi phí phù hợp với ngân sách và gần công ty nhất có thể giúp tiết kiệm tiền xăng xe và thời gian đi lại.
Gia đình Thoa Trần thường xuyên ăn ở nhà
Chuẩn bị sẵn sàng để đón con đầu lòng
Hiện tại, gia đình Thoa Trần chưa có em bé, nhưng cô đã chuẩn bị sẵn sàng về khía cạnh tài chính. "Mình dự trù tài chính khoảng 100 triệu đồng từ lúc có kế hoạch sinh con, đến khi con tầm 1 tuổi. Khoản này bao gồm các khoản tiêm vaccine, khám tiền sản, thực phẩm chức năng, vitamin, khám thai, chi phí sinh và mua sắm quần áo, các thiết bị để nuôi con. Vì nhà mình cũng tính tới trường hợp giai đoạn này thu nhập của gia đình có thể giảm do mình sẽ tập trung nuôi con, nên mình đã trích dự phòng trước để tránh áp lực kinh tế trong lúc sinh nở".
Bên cạnh đó, theo Thoa Trần, ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì vẫn ưu tiên việc tiết kiệm. Cô cho rằng cho dù bản thân kiếm được rất nhiều tiền, nhưng luôn thỏa sức chi tiêu và không tiết kiệm thì cuối cùng ngân sách cũng chỉ có 1 con số 0. "Có thời điểm, nguồn thu nhập của mình khá ít ỏi, nhưng mình vẫn có một khoản tiết kiệm kha khá nhờ luôn trích thu nhập gửi vào đều đặn hàng tháng".
Ngoài ra, vợ chồng Thoa Trần luôn cố gắng tạo thêm các nguồn thu nhập để giảm thiểu rủi ro. Ngoài lương, gia đình cô cũng có những khoản thu nhập khác bao gồm gửi tiết kiệm, các khoản đầu tư và làm ăn kinh doanh với người quen.
Đối với những cặp đôi vừa mới kết hôn, cô cho rằng đầu tiên mọi người nên trao đổi rõ ràng với nhau về một số việc: Cưới nhau rồi sẽ quản lý chi tiêu như thế nào? Ai là người nắm giữ "tay hòm chìa khóa"? Trách nhiệm của từng thanh viên trong việc xây dựng kinh tế gia đình?
Bên cạnh đó, gia đình trẻ cần có một kế hoạch chi tiêu hợp lý, tránh tiêu nhiều hơn thu cũng như nỗ lực gia tăng tài sản. Đồng thời, có 1 khoản quỹ dự phòng trường hợp khẩn cấp đủ trang trải cho gia đình từ 3-6 tháng để tránh trường hợp có việc phát sinh bất ngờ phải rơi vào cảnh vay mượn, nợ nần ngay lập tức.
"Mình là người quản lý chi tiêu của gia đình. Thu nhập của mình sẽ trang trải các khoản nhà cửa, chi phí sinh hoạt. Còn thu nhập của chồng để tiết kiệm và đầu tư. Nhà mình đã lựa chọn cách phân chia như vậy vì thường tiền trong ví mình khi chi tiêu mình sẽ dễ kiểm soát, ghi chú. Tất nhiên, các khoản thu nhập, đầu tư của chồng, tụi mình cũng theo dõi định kỳ mức độ tăng trưởng", Thoa Trần chia sẻ.