Thu nhập 20 triệu/tháng chi tiêu thế nào để có khoản tiết kiệm vài trăm triệu?

SA |

Dưới đây là cách chi tiêu của những cô gái đạt thu nhập trung bình 20 triệu đồng/tháng khi sinh sống tại các thành phố lớn.

Khoản mua sắm bốc đồng của người trẻ

Kim Chi (25 tuổi, TPHCM) đang làm nghề chính là huấn luyện viên thể hình. Bên cạnh đó, cô còn làm nhiều công việc phụ như makeup, mẫu ảnh, streamer... đồng thời đầu tư để sinh lời. Do làm nhiều công việc cùng lúc nên mức thu nhập (chưa tính lợi nhuận từ đầu tư) của Kim Chi biến động khá lớn, khoảng 12 - 20 triệu đồng/tháng.

Theo Kim Chi, mọi người nên học cách để dành tiền và đầu tư từ sớm, giúp quản lý tài chính tốt hơn. Mà theo cách nói của Kim Chi, cô luôn cố gắng "tiết kiệm trước khi chi tiêu" để có thể sống một mình tại TPHCM đắt đỏ.

Ngày trước, Kim Chi từng là một người chi tiêu khá bốc đồng. Cô nàng kể: "Có lúc tài khoản chỉ có 10 triệu đồng nhưng mình có thể mua sắm hết toàn bộ số tiền đó. Hàng tháng, mình từng mua túi xách và quần áo vô tội vạ. Có khi nhận lương 7-8 triệu đồng nhưng mình sẵn sàng mua túi xách 2 triệu đồng, đồng hồ 3 triệu đồng là điều bình thường".

 Thu nhập 20 triệu/tháng chi tiêu thế nào để có khoản tiết kiệm vài trăm triệu? - Ảnh 1.

Kim Chi (Ảnh: NVCC)

Một trường hợp khác, Thu Hằng (24 tuổi, Hà Nội) đang làm nhân viên truyền thông. Bên cạnh công việc văn phòng, cô còn nhận thêm job bên ngoài tuy nhiên nguồn thu nhập này không cố định.

Khi còn làm ở công ty cũ, Thu Hằng nhận lương trung bình 20 triệu đồng/tháng. Bấy giờ do khối lượng công việc lớn nên cô nàng không có nhiều thời gian tiêu tiền. Tuy nhiên, một khi Thu Hằng quyết định chi tiêu cho nhu cầu nào thì chính chủ thường không suy nghĩ quá nhiều, dẫn đến nhiều pha tiêu tiền phung phí.

"Thời điểm bấy giờ, mình chi nhiều tiền cho việc mua máy tính và điện thoại mới, đi uống cafe bên ngoài mà không cần suy nghĩ. Có tháng, ngày nào mình cũng đến quán cafe làm việc. Hay có những tháng mình chi liền một lúc 7 triệu đồng cho việc đi du lịch mà không tính toán quá nhiều.

Suy nghĩ mua sắm để tự thưởng bản thân sau nhiều ngày làm việc dẫn đến việc mình có nhiều pha tiêu xài bốc đồng. Đơn cử, mình từng đăng ký khóa học MC giá 4 triệu đồng, tuy nhiên sau đó hối hận vì không thể thu xếp thời gian làm việc để đi học. Hay có rất nhiều lần mình chốt những món quần áo không thể mặc vừa trên các sàn thương mại điện tử…", Thu Hằng chia sẻ.

Cách người trẻ tiết kiệm chi tiêu

Trong khoảng 2 năm làm việc tại công ty cũ, Thu Hằng chi tiêu cho sinh hoạt phí 7-10 triệu đồng, số tiền còn lại cô sẽ chuyển vào tài khoản ngân hàng khác để tiết kiệm tiền. Hai năm sau đó, cô gái đã có 330 triệu đồng tiền tiết kiệm.

Nói về các khoản chi tiêu sinh hoạt hàng tháng, Thu Hằng cho biết: "Mình dành 1,8 triệu đồng đóng tiền thuê nhà (đã bao gồm tiền điện nước, chi phí vệ sinh). Mình ở trọ cùng 2 bạn khác, trong căn phòng 23m2 đã thuê từ năm nhất.

Ngoài ra, mình dành 1,5 triệu đồng mua đồ ăn để nấu ở nhà, 1 triệu đồng cho tiền xăng xe và nạp thẻ điện thoại, 2 triệu đồng cho tiền mua quần áo và mỹ phẩm. Còn lại là số tiền mình dành cho ăn uống bên ngoài, mua đồ dùng phục vụ học tập, đi du lịch hoặc mua món đồ yêu thích như máy tính xách tay, điện thoại… Cuối kỳ học, mình đóng thêm khoảng 7 triệu đồng tiền học phí".

Dù để dành được hơn 50% thu nhập mỗi tháng song Thu Hằng vẫn thấy từng tiêu tiền lãng phí vì những pha mua sắm bốc đồng trong quá khứ. Được biết, cô đã nộp đơn nghỉ việc ở công ty cũ vì không theo kịp áp lực công việc. Từ khi nghỉ việc, Thu Hằng cũng giảm bớt các pha chi tiêu "vung tay quá trán" và ý thức việc dùng tiền hiệu quả hơn.

 Thu nhập 20 triệu/tháng chi tiêu thế nào để có khoản tiết kiệm vài trăm triệu? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Đến thời điểm hiện tại, Thu Hằng đã bắt đầu đi làm lại, sau thời gian dài cho bản thân nghỉ ngơi và tập trung hoàn thành việc học của sinh viên cuối cấp. Còn riêng khoản tiền tiết kiệm hơn 300 triệu đồng, cô đang có 2 kế hoạch.

"Thứ nhất, mình tính dùng chúng để tham gia các hình thức đầu tư sinh lời. 2-4 năm sau, nếu có thể đi du học, mình sẽ dùng chúng để lo lắng các khoản chi phí sinh hoạt tại nước ngoài. Hoặc mình đang tính sẽ trích một phần tiền để mang đầu tư, phần còn lại để dành và góp thêm tiền lên đến 1 tỷ đồng rồi dùng chúng trả góp mua căn nhà đầu tiên", Thu Hằng nói.

Còn với Kim Chi, cô gái đã có khoản tích góp vài trăm triệu đồng sau 6 năm đi làm. Hàng tháng, cô phân chia tổng thu nhập thành từng khoản như sau: 40% dùng để đầu tư, 20% đóng tiền nhà, 30% cho chi phí sinh hoạt và 10% dành để tiêu dùng cá nhân.

Trong câu chuyện tài chính hiện tại, Kim Chi cho hay bản thân luôn trích từ thu nhập khoản tiết kiệm và đầu tư trước, sau đó mới là tiền dành cho tiêu dùng hàng ngày. Để giảm bớt thói quen mua sắm bốc đồng như trước, Kim Chi đã có những điều chỉnh trong cách quản lý chi tiêu.

"Mình tính trước mỗi tháng sẽ dùng bao nhiêu tiền cho chi phí sinh hoạt và cố gắng không vượt quá con số đã quy định. Mình cũng hay nấu ăn tại nhà để tiết kiệm. Mình chỉ lướt sàn thương mại điện tử khi có món đồ thật sự muốn mua, còn rảnh rỗi thì không. Vì mình biết cứ vào các nền tảng này không kiểm soát thì chắc chắn sẽ sắm nhiều đồ không cần thiết", cô gái cho hay.

Với khoản tiền tiết kiệm 600 triệu đồng hiện có, Kim Chi đã vay thêm ngân hàng 800 triệu đồng để mua căn nhà đầu tiên, với lãi suất 12%/năm. Cô chọn mua căn hộ officetel rộng 37m2 và dự tính nhận bàn giao vào thời gian tới. Sau khi nhận nhà, cô sẽ bán lại chúng để sinh lời như một món đầu tư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại