Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, ai cũng mong muốn có được sự hạnh phúc, bình yên, ít sóng gió. Nhưng "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", có nhiều câu chuyện khúc mắc mà chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ.
Mới đây, trên nhóm "Vén khéo", một người phụ nữ ẩn danh, tạm gọi là chị M. đã giãi bày nỗi lòng của mình và nhờ CĐM đưa ra lời khuyên.
Bất lực vì tháng nào cũng "thiếu trước hụt sau" mà chồng không đưa sinh hoạt phí
Chị M. 34 tuổi, làm công việc văn phòng với thu nhập 11 - 12 triệu đồng/tháng. Chồng của chị 38 tuổi, hiện chạy grabcar. Cuối năm trước, chồng chị nghỉ việc, đòi mua xe để chạy grabcar. Vì thế, vợ chồng chị quyết định vay nợ 400 triệu đồng mua xe, trong đó vay bố mẹ vợ 200 triệu đồng, vay chú bác bên chồng 200 triệu đồng.
Nhà chị M. ở Hà Nội, còn nhà chồng ở tỉnh. Hiện 2 vợ chồng chị M. ở nhà bố mẹ đẻ của chị vì bố mẹ có dãy phòng trọ cho thuê nên cho các con ở 1 phòng, không thu tiền.
Vợ chồng chị M. có 1 bé gái 6 tuổi, đang đi học lớp can thiệp nên tiền học hàng tháng khá tốn kém. Cụ thể, chi tiêu gia đình chị M. như sau:
- Tiền học can thiệp: 3,6 triệu đồng
- Tiền học Mầm non tư thục: 3 triệu đồng/tháng.
- Tiền học tiền Tiểu học: 800.000 VNĐ.
- Tiền ăn uống, mua sữa, quần áo: 1 triệu đồng/tháng.
- Điện nước, phí vệ sinh gia đình: 1 triệu đồng/tháng.
- Tiền ăn uống buổi trưa và buổi tối và đồng dùng gia đình: 4,7 triệu đồng/tháng
- Hiếu, hỉ, thăm hỏi: 500.000 VNĐ - 1 triệu đồng/tháng.
- Ngoài ra còn các khoản xăng xe, quần áo, điện thoại,...
Trung bình 1 tháng, 2 vợ chồng và 1 bé ở Hà Nội sẽ tiêu hết khoảng 16 triệu đồng. Chị M. luôn công khai các khoản thu, chi và gửi cho chồng xem. Chị yêu cầu mỗi người sẽ có trách nhiệm đóng góp 50 - 50 (chồng đóng 8 triệu đồng, vợ đóng 8 triệu đồng). Thế nhưng chồng chị M. không tự giác đưa tiền.
Chị M. bức xúc: "Chồng tôi lái xe grabcar lúc nào cũng kêu khó khăn, không có tiền. Mỗi tháng, tôi yêu cầu đóng 8 triệu đồng để nuôi con và phí sinh hoạt của gia đình nhưng chồng không tự giác. Tháng nào tôi cũng đi đòi tiền sinh hoạt như đòi nợ. Tôi gửi phiếu thông báo tiền học của con cho chồng nhưng đòi nhiều lần mới được 4,5 triệu đồng. Mỗi lần nhắn tin bảo chồng chuyển tiền sinh hoạt là không trả lời.
Lương của tôi không thể đủ để lo cho con đi học can thiệp và các chi tiêu gia đình, trong khi chồng không tự giác đưa tiền. Nợ tiền mua xe vẫn còn nguyên. Tôi thấy rất bế tắc về tương lai với chồng. Chồng tôi trước kia có dính vào lô đề, cờ bạc. Khi mua xe, anh đã cam kết với tôi không chơi bời, tu chí làm ăn".
Chồng từng vướng vào trò đỏ đen
Chị M. buồn rầu chia sẻ, bản thân chị đã 34 tuổi, chồng 38 tuổi, không còn trẻ nữa. Chị cũng muốn sinh thêm bé thứ hai nhưng với tình hình này thì không thể. Chị sợ bản thân vất vả và sẽ trở thành gánh nặng cho ông bà ngoại.
Giãy bày câu chuyện của bản thân, chị M. muốn CĐM đưa ra lời khuyên. Chị muốn tổ tư vấn bày cách để chồng chị tự giác đóng sinh hoạt phí và giải quyết khoản nợ vay 400 triệu đồng mua xe vẫn còn nguyên.
"Chồng tôi là người hiền lành, chăm chỉ, yêu con cái nhưng có tính lô đề, cờ bạc. Hiện tại, chồng ở nhà ngủ ban ngày, bắt đầu lái xe từ 4 giờ chiều đến 4 giờ sáng hôm sau nên nhà cửa, con cái do tôi quán xuyến.
Tôi cũng đang có phương án ly thân với chồng, dọn về ở với bố mẹ đẻ. Phòng trọ hiện đang ở sẽ cho thuê lấy 3 triệu đồng/tháng để có tiền nuôi con. Còn chồng tôi thì mặc kệ, muốn đi đâu thì đi", người vợ bất lực.
Nhiều người góp ý cho chị M. phương án giải quyết như sau:
- Với người tự giác thì cách gì cũng chịu. Bạn nên bán xe để trả nợ cho 2 bên, còn lại thì chia mỗi người một ít rồi chia tay luôn. Cẩn thận có bầu bé thứ hai là rất mệt.
- Bán xe để trả nợ trước. Sau đó, bạn có thể khuyên chồng chạy xe điện Xanh SM, vừa không mất tiền xe, vừa có lương và hoa hồng. Bạn giữ thẻ đó, còn hoa hồng thì để chồng giữ. Chồng không chấp nhận thì chia tay gấp, đỡ phiền.
- Cờ bạc như ngoại tình vậy, vướng vào khó thoát ra. Chồng đi làm cả tháng mà vẫn không có tiền thì vợ cũng nên xem lại, có thể anh ta đã nướng hết vào trò đỏ đen. Chứ chạy xe ở Hà Nội nếu siêng năng cũng được khoảng 1 triệu đồng/ngày.
Nguồn: Group "Vén khéo"