Việc trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ vài chục phần trăm không phải hiếm trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, mức cổ tức nhận được cao gấp nhiều lần thị giá cổ phiếu khiến không ít nhà đầu tư chú ý.
Ngày 23/6 tới đây, Công ty cổ phần 397 (mã: BCB) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 37,562%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 3.756,2 đồng.
Với 5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp sẽ chi gần 19 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Thời gian thực hiện thanh toán dự kiến vào 3/7 tới đây.
Song song với đó, BCB còn thực hiện trả cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 14%, tương ứng cổ đông cứ nắm mỗi 100 cổ phiếu được nhận 14 cổ phiếu mới. Tổng lượng cổ phiếu mới phát hành là 700 nghìn đơn vị.
Nguồn vốn thực hiện phát hành được trích gần 7 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển và hơn 94 triệu đồng từ LNST chưa phân phối luỹ kế tới 31/12/2022. Sau phát hành, vốn điều lệ của BCB đạt 57 tỷ đồng.
Theo thống kê, tỷ lệ trả cổ tức của BCB tăng gần qua các năm, kể từ 2018 khi doanh nghiệp này lên sàn UPCoM giao dịch. Mức cổ tức tiền mặt chi trả năm 2022 là mức cao kỷ lục từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ.
Đặc biệt hơn, sau khi hoàn tất trả cổ tức cho cổ đông, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu cộng thêm trích lập các quỹ, BCB sẽ không còn lợi nhuận chưa phân phối để chuyển sang năm 2023.
Lịch sử chi trả cổ tức của BCB
Đáng nói, doanh nghiệp dốc hầu bao chi trả cổ tức cho cổ đông khi thị giá của BCB thuộc nhóm thấp nhất trên sàn, không bằng "cốc trà đá" với chỉ 400 đồng/cp. Cổ phiếu cũng luôn ở trạng thái "tắt thanh khoản". Một số phiên có xuất hiện lệnh mua song không có bên bán, mức giá 400 đồng/cp được duy trì từ giữa tháng 5/2022 tới nay. Mức cổ tức tiền mặt 3.756,2 đồng/cp gấp hơn 9 lần thị giá BCB.
Cổ phiếu không có giao dịch xuất phát từ việc cơ cấu cổ đông tương đối cô đặc của BCB. Hiện tại tính tới 31/12/2022, Tổng Công ty Đông Bắc có tỷ lệ sở hữu 51% cổ phần khi nắm 2,55 triệu cổ phiếu BCB, Công ty TNHH Xây dựng Quang Thành là cổ đông lớn thứ 2 với tỷ lệ sở hữu 20% (1 triệu cổ phiếu), sau đó là CTCP Xây dựng Thương mại và Du lịch Thố Huân sở hữu 11,46% vốn (573,1 nghìn cổ phiếu). Lượng cổ phiếu còn lại thuộc sở hữu của một số cá nhân khác.
Doanh nghiệp khai thác than thu đều đặn hàng nghìn tỷ mỗi năm
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần 397 tiền thân là đội khai thác than số 1 được thành lập tháng 6/1996 trực thuộc Công ty Đông Bắc. Công ty 397 hoàn thành công tác cổ phần hoá và chính thức chuyển sang hình thức công ty cổ phần từ tháng 12/2017.
Công ty chính thức lên sàn UPCoM với mã giao dịch BCB. Ngành nghề kinh doanh chính của BCB là khai thác và thu gom than cứng với địa bàn chính tại khu mỏ Nam Tràng Bạch, diện tích 187,31 ha, trữ lượng 4,8 triệu tấn và trong vòng 7 năm. Ngoài ra công ty còn bán buôn nhiên liệu, vận tải hàng hoá đường ống, sửa chửa thiết bị máy móc,...
Tình hình kinh doanh của BCB tương đối ổn định và tăng trưởng qua các năm. Hai năm gần nhất 2021-2022 doanh thu đều trên mức nghìn tỷ đồng, lãi hàng chục tỷ. Riêng trong năm 2022, doanh thu BCB đạt 1.263 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá chi phí sản xuất tăng cao do giá các nguyên liệu như xăng, dầu, vật tư tăng, cộng thêm điều kiện địa chất khai khác khác so với tài liệu khiến lợi nhuận BCB ghi nhận sụt giảm 14% xuống còn hơn 19,5 tỷ đồng. So với kế hoạch, doanh thu vượt 10% mục tiêu trong khi lợi nhuận sau thuế xấp xỉ mức đề ra.
Sang đến năm 2023, doanh nghiệp lên mục tiêu sản lượng đất đá đạt hơn 14 triệu m3, than nguyên khai sản xuất đạt 1 triệu tấn, sản lượng than tiêu thụ đạt gần 960 nghìn tấn.
Về chỉ tiêu kinh doanh, doanh nghiệp đặt kế hoạch thận trọng với mục tiêu doanh thu đạt 1.180 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng, lần lượt giảm 7% và tăng nhẹ 3% so với mức thực hiện năm 2022. Đồng thời, doanh nghiệp dự kiến tiếp tục trích toàn bộ lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 28,07% (2.807 đồng/cp), tương ứng chi 16 tỷ đồng và trích lập các quỹ.