Tờ Daily Mail (Anh) ít giờ trước đã dẫn tuyên bố của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Nam Khai (Thiên Tân, Trung Quốc) cho biết rằng họ đã thành công trong việc cấy ghép một "con chip" do họ phát triển vào não một chú khỉ.
"Con chip" được gọi là "Máy tính biến tín hiệu điện não đồ thành hướng dẫn điều khiển" đã được chú khỉ sử dụng để điều hướng cánh tay robot đưa thức ăn tới miệng chú.
Thí nghiệm nói trên được tiến hành sau một thành công trước đó trên đối tượng là một chú cừu.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng lưu ý rằng đây là một bước đột phá - có thể giúp cải thiện cuộc sống của người khuyết tật.
Mặc dù Đại học Nam Khai vẫn chưa công bố nghiên cứu hoàn chỉnh nhưng có vẻ như họ đã bắt kịp các nhà khoa học Phương Tây - và cụ thể là một chương trình cấy chip não tham vọng của Tỷ phú Elon Musk.
Vào tháng 3 năm nay, yêu cầu thử nghiệm cấy ghép chip não trên người của Công ty Neuralink (do ông Musk sở hữu) đã bị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) từ chối.
FDA đã vạch ra hàng chục vấn đề mà ông Musk phải giải quyết trước khi thử nghiệm trên người bao gồm vấn đề liên quan tới pin lithium, khả năng các dây nhỏ của chip di chuyển đến các khu vực khác của não và các câu hỏi về việc loại bỏ chip để không làm hỏng mô não.
Cho tới nay Neuralink vẫn chưa giải quyết được rốt ráo các vấn đề FDA nêu ra.
Quay trở lại Trung Quốc, được biết các nhà nghiên cứu của Đại học Nam Khai không làm việc một mình mà họ nhận được sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa 301 trực thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng như một doanh nghiệp y tế lớn ở Thượng Hải.
Sự phối hợp này cho thấy người Trung Quốc hiện đang đứng trước cơ hội "vượt mặt" ông Musk trong thời gian ngắn sắp tới.