Thử nghiệm lâm sàng lớn nhất từ xưa đến nay về châm cứu giảm đau cho bệnh nhân ung thư

Trần Lệ Vân (Y học cộng đồng) |

Kết quả nghiên cứu đã khơi gợi lại những tranh luận chưa ngã ngũ về vai trò của kỹ thuật chưa được chính thức công nhận này trong điều trị ung thư.

Đây là một trong những thử nghiệm lâm sàng lớn nhất từ xưa đến nay nghiên cứu về việc châm cứu có thể giảm đau cho bệnh nhân ung thư hay không.

Châm cứu giúp giảm đau đáng kể

Các BS chuyên khoa ung thư đã thực hiện một cuộc thử nghiệm lâm sàng về việc dùng châm cứu thật và giả trên 226 bệnh nhân nữ, thuộc 11 trung tâm ung thư khác nhau ở khắp nước Mỹ.

Thử nghiệm lâm sàng lớn nhất từ xưa đến nay về châm cứu giảm đau cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 1.

Trần Lệ Vân

Kết quả được báo cáo vào ngày 7/12/2017 tại Hội nghị về ung thư vú tại Texas, đưa đến kết luận là cuộc điều trị làm giảm đau đáng kể cho những bệnh nhân nữ bị ung thư vú đang dùng nội tiết tố liệu pháp.

Các BS đề nghị rằng châm cứu có thể giúp bệnh nhân dựa vào các phương pháp điều trị ung thư truyền thống, qua đó làm tăng tỉ lệ sống sót.

Nhưng những người hoài nghi cho là hoàn toàn bất khả thi khi tiến hành nghiêm ngặt một cuộc thử nghiệm lâm sàng về châm cứu theo phương pháp mù đôi.

Phương pháp châm cứu được chú ý gần đây bởi vì người ta lo ngại đến các tác dụng phụ rất xấu của nhóm thuốc giảm đau gây nghiện opioid.

Vì vậy, rất nhiều trung tâm ung thư tại Mỹ đã cung cấp các liệu pháp điều trị bổ sung để cắt cơn đau.

Gần 90% các trung tâm ung thư của nước Mỹ đề nghị bệnh nhân thử dùng châm cứu và chỉ hơn 70% đề nghị dùng châm cứu trị liệu để giảm các tác dụng phụ.

Điều này làm cho những người hoài nghi như BS Steven Novella - BS chuyên khoa thần kinh học tại ĐH Y Yale - đồng thời là người sáng lập ra trang Science - Based Medicine kinh sợ.

Ông phát biểu: "Châm cứu không có cơ sở khoa học nào, khuyến khích sử dụng nó chả khác nào nói với bệnh nhân rằng phép màu có thể trở thành hiện thực".

Tuy nhiên, BS Dawn Hershman, hiện là BS chuyên khoa ung thư tại ĐH Columbia University Medical Centre (New York) đã thử nghiệm xem, liệu châm cứu có thể giúp làm giảm triệu chứng đau gây ra bởi thuốc ức chế men aromatase trong điều trị ung thư vú.

Loại thuốc này làm giảm nồng độ oestrogen. Nếu bệnh nhân uống thuốc trong vòng 5 - 10 năm, sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị tái ung thư, tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ là gây nên triệu chứng đau giống như đau khớp, làm cho phân nửa số bệnh nhân nữ uống thuốc không thường xuyên hoặc ngưng không uống.

Thử nghiệm lâm sàng lớn nhất từ xưa đến nay về châm cứu giảm đau cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Giảm đau ngay cả sau khi kết thúc châm cứu

Sau khi thu được kết quả khả quan từ một cuộc thử nghiệm lâm sàng nhỏ, BS Hershman và cộng sự của bà đã tiến hành một cuộc thử nghiệm lớn hơn.

Có 226 bệnh nhân nữ được chia làm 3 nhóm: nhóm thứ 1 được dùng châm cứu, nhóm thứ 2 dùng châm cứu giả (tức là họ được châm vào những nơi không phải huyệt đạo và chỉ châm nông dưới da) và nhóm 3 không dùng phương pháp điều trị gì cả.

Các nhà nghiên cứu hướng dẫn các kỹ thuật viên châm cứu tuân theo các phương pháp điều trị nhất quán. Các bệnh nhân được hướng dẫn ghi lại mức độ đau.

Sau 6 tuần điều trị, "cơn đau tồi tệ nhất" (thang điểm số 10 trong thang đánh giá mức độ đau) trong nhóm có châm cứu thật sự, là ít hơn 1 điểm, theo đánh giá từ 0-10, so với 2 nhóm còn lại.

Đây là một con số rất có giá trị về mặt thống kê so với phương pháp điều trị thay thế như duloxetine - một loại thuốc chống trầm cảm được dùng để giảm đau cho bệnh nhân ung thư.

Bên cạnh đó, trên thang điểm đau, số người cảm thấy đỡ đau đớn ở nhóm có dùng châm cứu tăng rất rõ ràng: tăng gấp đôi so với hai nhóm không được dùng châm cứu. Bà Hershaman mô tả đây là sự cải thiện có ý nghĩa về mặt lâm sàng: 58% số người ở nhóm có dùng châm cứu thật sự cảm thấy đỡ đau so với 30% ở 2 nhóm còn lại.

Không giống như duloxetine, hiệu quả giảm đau do dùng châm cứu vẫn không biến mất cho dù cuộc điều trị đã kết thúc.

Bà Hershman kết luận rằng châm cứu là một "phương pháp điều trị thay thế có ý nghĩa" so với những loại thuốc kê đơn như duloxetine hoặc opiates (cả 2 loại này đều không nằm trong cuộc thử nghiệm này).

Ông Rollin Gallagher, người điều hành của tổ chức nghiên cứu về triệu chứng đau tại ĐH Pennsylvania - Philadelphia, đồng thời là chủ biên của tờ tạp chí Pain Medicine phát biểu: "Có nhiều nghiên cứu lâm sàng từ trung bình cho đến tốt về châm cứu và đây lại thêm một sự đóng góp nữa".

Hiệu ứng giả dược?

Nhưng những người hoài nghi lại chỉ trích về cuộc nghiên cứu. Ông Edzard Ernst, giáo sư danh dự của ngành y học bổ sung tại ĐH Exeter của Anh, phát biểu:

"Cho dù cuộc thử nghiệm lâm sàng có tiến hành nghiêm túc thế nào đi nữa, thì những kỹ thuật viên châm cứu vẫn biết rằng họ đang dùng châm cứu thật hay giả cho bệnh nhân. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến cách phản ứng của các tình nguyện viên".

Thử nghiệm lâm sàng lớn nhất từ xưa đến nay về châm cứu giảm đau cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 3.

Châm cứu mang lại hiệu quả trong việc giảm cơn đau ung thư hơn thuốc. (Ảnh minh họa)

Ông nói thêm: "Tôi sợ rằng đây lại thêm một cuộc thử nghiệm lâm sàng chứng minh rằng châm cứu chỉ là một hiệu ứng giả dược."

Ông Jun Mao, Chủ nhiệm của Khoa y học kết hợp tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (New York) cho rằng, cuộc thử nghiệm lâm sàng về châm cứu của bà Hershaman còn tốt hơn các nghiên cứu tiếp cận như chăm sóc giảm nhẹ, liệu pháp nhận thức hành vi hay là rèn luyện thể lực mà những người tham gia đều biết rõ là họ đang được điều trị bằng phương pháp gì.

Ông nhận định: "Những kẻ hồ nghi sẵn sàng chấp nhận kết quả lâm sàng từ những lĩnh vực điều trị như thế, nhưng lại chống lại châm cứu một cách mù quáng. Thật là không công bằng khi chỉ dùng một luận điểm mà chối bỏ cả lĩnh vực".

Ông Gallagher cho rằng có nhiều nghiên cứu cho thấy châm cứu gây nên sự thay đổi về tâm lý học thần kinh liên quan tới cơn đau, từ Hội chứng ống cổ tay cho đến Hội chứng đau cơ xơ hóa.

Ông nói rằng nên kết hợp châm cứu vào y học chính thống, hơn là bỏ nó đứng ngoài lề như một ngành riêng biệt và điều này sẽ giúp cho những kỹ thuật viên châm cứu, trong số họ có thể có những người không có giấy phép hành nghề hợp pháp, giảm thiểu những rủi ro gây ra do giao nhầm quyền vào tay lang băm.

Bà Hershman lại lo rằng mối nghi ngại của những người hoài nghi làm mất đi cơ hội được điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Bà nói: "Bảo rằng thuốc tốt hơn, trong khi chúng gây ra độc tính tệ hại, là thật sự có vấn đề. Chúng tôi đã cố gắng tiến hành cuộc nghiên cứu về châm cứu một cách nghiêm túc nhất, và sau cùng, nếu như phương pháp này có thể giúp cho ai đó không phải bỏ thuốc hoặc làm tăng giá trị của cuộc sống họ lên, thì rất xứng đáng để thử".

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

*Theo Nature

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại