Khi nhắc đến những vật dụng trong nhà có chứa nhiều vi khuẩn, đa số mọi người thường nghĩ ngay đến toilet. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng một trong những thứ tiếp xúc trực tiếp với chúng ta hàng ngày tưởng chừng vô hại lại có thể là "ổ bệnh" tiềm ẩn – đó chính là vỏ gối.
Vì sao vỏ gối lại có thể bẩn hơn cả toilet?
Theo thông tin được đăng tải trên trang Wales Online (Anh) ngày 17/7 và New York Post (Mỹ) ngày 18/7, hãng nội thất Wayfair đã kết hợp cùng bác sĩ Gareth Nye - người đứng đầu chương trình giảng dạy y tế tại Trường Đại học Y thành phố Chester, Anh - nêu lên tầm quan trọng của việc dọn dẹp giường ngủ, nhất là vào mùa hè.
Theo đó, ông Gareth Nye cho biết trung bình một người đổ mồ hôi từ 500ml - 700ml mỗi đêm, trong đó khoảng 200ml sẽ thấm qua đồ ngủ và chăn ga gối đệm. " Ngoài đổ mồ hôi, con người mất khoảng 500 triệu tế bào da mỗi ngày và hầu hết chúng sẽ "chết" vào ban đêm. Cơ thể cũng tiết ra các chất bài tiết khác, chẳng hạn như nước bọt".
Mồ hôi, nước bọt và da chết đều là những chất dinh dưỡng hoàn hảo cho vi khuẩn và các sinh vật gây hại khác. Kẻ hưởng lợi nhất là mạt bụi. Phân mạt bụi có thể gây dị ứng, hen suyễn và các vấn đề sức khỏe khác.
Bác sĩ Gareth Nye cũng nêu ra một số nghiên cứu cho thấy chiếc vỏ gối sau 1 tuần sử dụng chứa lượng vi khuẩn nhiều gấp 17.000 lần so với bồn cầu. Ông Nye cũng cho biết thêm: “ Nấm có hại cho cơ thể con người và trung bình một chiếc gối chứa tới 16 loài nấm khác nhau với hàng triệu bào tử nấm ”.
Trong khi vỏ gối là nơi tiếp xúc trực tiếp với da mặt, tóc và nước bọt của chúng ta hàng đêm. Mỗi lần đặt đầu lên gối, chúng ta vô tình để lại một lượng lớn tế bào chết, dầu nhờn, mồ hôi, bụi bẩn và cả vi khuẩn.
Không chỉ vậy, nếu bạn để thú cưng ngủ cùng hoặc đi lại tự do trên giường, vỏ gối còn có thể chứa cả lông thú, vi khuẩn từ ngoài đường hoặc sàn nhà, thậm chí là bụi phân nhỏ. Qua thời gian, tất cả những yếu tố này tích tụ trên vỏ gối tạo ra một môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm phát triển.
Hậu quả của việc sử dụng vỏ gối bẩn
Với hàng tá vi khuẩn và nấm trên vỏ gối thì việc chúng ta sử dụng vỏ gối bẩn sẽ gây không ít hại cho cơ thể. Có thể kể đến như:
- Mụn trứng cá và các vấn đề về da: Vi khuẩn và bụi bẩn tích tụ trên vỏ gối có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, gây ra mụn trứng cá và các vấn đề về da khác như viêm da, dị ứng.
- Vấn đề hô hấp: Bụi bẩn và nấm mốc trên vỏ gối có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là với những người bị dị ứng hoặc có bệnh lý về đường hô hấp.
- Nguy cơ nhiễm trùng: Sử dụng vỏ gối bẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng da, mắt và thậm chí là tai, do vi khuẩn có hại dễ dàng lây lan từ vỏ gối sang các bộ phận cơ thể.
Bao lâu nên giặt vỏ gối một lần?
Trang web Real Simple từng đưa ra báo cáo rằng một chiếc vỏ gối không được giặt sau một tuần sử dụng sẽ chứa trung bình 3 triệu vi khuẩn. Bác sĩ Nye Gareth khuyên bạn tránh sử dụng chăn ga gối đệm bằng nylon (polyester, sợi polyester), tốt nhất nên sử dụng vỏ gối và ga trải giường làm từ cotton hoặc lanh.
Đài phát thanh 107.5 Kool FM ở Ontario, Canada đã tổng hợp ý kiến chuyên gia và đề xuất 3 điều cần chú ý khi triển khai chăn ga gối đệm:
1. Giặt vỏ gối, ga trải giường mỗi tuần để làm sạch mồ hôi, tế bào da chết và vi trùng tích tụ.
2. Dọn dẹp giường càng thoáng càng tốt, đặc biệt là vào mùa hè. Không nên gấp chăn ngay sau khi thức dậy. Không khí ẩm mà ga trải giường hấp thụ vào ban đêm phải được phân tán càng nhiều càng tốt để giảm tốc độ sinh sản của nấm, vi trùng và mạt bụi.
3. Thay ga trải giường thường xuyên để giữ cho chỗ ngủ luôn trong lành và sạch sẽ.
Ngoài ra, việc phơi nắng vỏ gối sau khi giặt cũng rất quan trọng, vì ánh nắng mặt trời có tác dụng diệt khuẩn tự nhiên. Mặt khác, để giảm thiểu bụi bẩn và vi khuẩn từ thú cưng, bạn nên hạn chế việc cho chúng ngủ cùng trên giường.