Cụ thể, theo báo cáo kiểm toán hợp nhất năm 2023 với thù lao của 10 người đứng đầu các ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, bốn lãnh đạo có thu nhập tăng từ 1-283%, một người giữ nguyên, còn lại giảm hoặc chưa có thông tin.
Trong nhóm ngân hàng Big 4, ông Phan Đức Tú – Chủ tịch BIDV, nhà băng có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam năm nay nhận thù lao hơn 2,48 tỷ đồng. So với mức 2,3 tỷ đồng trong năm 2022, năm nay thu nhập của người đứng đầu ngân hàng này tăng 6,4%.
Tương tự, thù lao của Chủ tịch một nhà băng khác trong Big 4 là VietinBank cũng tăng nhẹ từ 2,46 tỷ đồng lên 2,48 tỷ đồng. Theo đó, thù lao của ông Trần Bình Minh trong năm 2023 tăng gần 1%, song thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận của nhà băng này.
Trái ngược với hai lãnh đạo trên, ông Phạm Quang Dũng – Cựu Chủ tịch Vietcombank lại có thu nhập giảm hơn 2,4% so với năm 2022, từ 1,67 tỷ đồng xuống 1,63 tỷ đồng dù 2023 vẫn là năm "ăn nên làm ra" với nhà băng . Tuy nhiên, từ 1/1/2024, ông Dũng được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Còn trong nhóm thương mại cổ phần tư nhân có tổng tài sản top đầu, thù lao của các vị Chủ tịch nhà băng cũng có sự phân hóa mạnh từ mức 1,8 tỷ đồng đến 8,6 tỷ đồng.
Được trả thù lao cao nhất trong nhóm này là ông Dương Công Minh - Chủ tịch Sacombank. Năm ngoái, thuyền trưởng Sacombank nhận hơn 8,6 tỷ đồng. Số tiền này gấp 3-4 lần người đồng cấp tại các ngân hàng quốc doanh, thậm chí, đủ cho lãnh đạo nhà băng này sắm xế hộp Lexus đời mới nhất.
Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của ông Dương Công Minh, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 51% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm. Ngoài ra, năm ngoái cũng là thời điểm nhà băng này hoàn tất trích lập 100% dự phòng nợ bán VAMC chưa thu hồi - một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án tái cơ cấu Sacombank.
Xếp sau, ông Kim Byongho, Chủ tịch HDBank, thành viên độc lập có thu nhập hơn 5,1 tỷ đồng. Mức thù lao của Chủ tịch ngoại quốc này có sự cải thiện đáng kể so với năm 2022, tăng hơn 280%. Tuy nhiên, cũng trong danh sách Hội đồng quản trị ngân hàng, thù lao của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo "chỉ" ở mức 1,85 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2022.
Còn tại MB, năm qua, Chủ tịch Lưu Trung Thái ngồi vào "ghế nóng" từ 4/2023. Dù chưa lãnh đạo ngân hàng tròn một năm, vị lãnh đạo này nhận mức thù lao hơn 1,98 tỷ đồng, tương đương mỗi tháng hơn 220 triệu đồng.
Khác với thuyền trưởng các ngân hàng có mức tăng hoặc giảm trong năm ngoái, thù lao của Chủ tịch VPBank Ngô Trí Dũng không đổi. Trong bối cảnh kinh doanh không thuận lợi năm 2023, ông Ngô Trí Dũng nhận mức thù lao 3,36 tỷ đồng, tương ứng mỗi tháng vị này nhận 280 triệu tiền thù lao từ ngân hàng.
Cũng trong năm 2023, hai Phó chủ tịch khác của VPBank là ông Lô Bằng Giang và Bùi Hải Quân cũng nhận mức thù lao 3,12 tỷ, không thay đổi so với năm trước đó. Theo tháng, mức thu nhập của hai lãnh đạo này là khoảng 260 triệu đồng/tháng.
Một ngân hàng khác trong nhóm tư nhân có tổng tài sản lớn là SHB không công bố chi tiết mức lương, thưởng của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT). Tuy nhiên, trong năm ngoái, 10 thành viên HĐQT của ngân hàng nhận mức thù lao hơn 14 tỷ đồng, cao hơn gần 1,4 tỷ so với 2022. Nếu chia trung bình, mỗi thành viên được nhận thu nhập hơn 1,4 tỷ đồng. Song, số tiền thực nhận của các lãnh đạo nhà băng sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí và vai trò, đóng góp.