Thủ khoa Học viện An ninh Nhân dân có cha ở tuyến đầu chống dịch: "Chiều nay, con đứng gác mà thấy nghẹn lòng"

Trương Thu Hường |

Đại dịch khiến nhiều người ở giữa thời bình sống rất gần nhau nhưng vẫn phải xa cách, suốt khoảng thời gian dài, không thể gặp mặt, không thể trực tiếp chia sẻ những niềm hạnh phúc lớn trong đời...

Trắng đêm chống dịch, mái tóc cha bạc đi trông thấy

6h sáng 26/7, điện thoại của Nguyễn Hà Nhung (thủ khoa khối D trường Học viện An ninh Nhân dân) réo inh ỏi. Nhung choàng tỉnh dậy, đầu dây bên kia là giọng nói quen thuộc, trầm ấm. Cha của Nhung, Thượng tá Cảnh sát cơ động Nguyễn Văn Muôn (SN 1972, công tác tại phòng Cảnh sát cơ động tỉnh Bắc Ninh) gọi điện cho con gái sau một đêm thức trắng chống dịch Covid-19, vui mừng thông báo điểm thi của con.

Nhung không dám tin. Cô vội vã vào mạng tra cứu và bất ngờ khi biết mình giành điểm số cao (Toán 10, Văn 9,5, tiếng Anh 9,2). Với tổng điểm 28,7, Nhung trở thành thủ khoa khối D của trường Học viện An ninh Nhân dân, cũng như của toàn tỉnh Bắc Ninh.

Khi Nhung gọi lại để chia sẻ niềm vui với cha, ông chỉ kịp nói: “Chúc mừng con, người đồng chí tương lai của bố”. Rồi Thượng tá Muôn lại tiếp tục bận rộn với công việc hằng ngày ở chốt kiểm dịch tại quê nhà. Suốt từ tháng 4 đến giờ, ngày nào ông cũng bận rộn như thế.

Nhung cảm thấy, dường như đã lâu lắm, cô và cha không gặp nhau. Mỗi lần thấy nói chuyện điện thoại vào sáng sớm, Nhung thấy gương mặt cha hằn lên nỗi mệt mỏi sau đêm dài không ngủ. Nhung biết, đêm qua cũng như bao đêm khác, cha cô đã thức trọn.

“Điểm thi được công bố từ lúc 0h sáng. Em đoán, bố là người đầu tiên biết điểm của em, nhưng vẫn bình tĩnh chờ đến sáng mới gọi vì sợ làm đánh thức giấc ngủ của con gái”, nữ sinh chia sẻ.

Sáng nay, khi ngắm nụ cười của cha qua điện thoại, nét vui vẻ trên gương mặt Nhung vội tan biến. Cô chợt buồn khi phát hiện, cứ mỗi ngày trôi qua, mái tóc cha lại bạc đi nhiều hơn. Sau mấy tháng không gặp, cha cô dường như đã già đi nhiều, da đen hơn và trên mặt in hằn nhiều nếp nhăn.

Thủ khoa Học viện An ninh Nhân dân có cha ở tuyến đầu chống dịch: Chiều nay, con đứng gác mà thấy nghẹn lòng - Ảnh 2.

Nguyễn Hà Nhung (thủ khoa khối D trường Học viện An ninh Nhân dân) và cha cô, Thượng tá Cảnh sát cơ động Nguyễn Văn Muôn.

"Trước kia, em và em gái vẫn hay ngồi nhổ tóc bạc cho bố. Nhưng bây giờ thì chẳng có ai nhổ cả. Thương bố nhiều lắm! Nhìn mái tóc đã bạc gần hết", cô gái nói.

Nhung vẫn nhớ hồi tháng 4-5, Bắc Ninh phải đối diện với làn sóng Covid-19 bùng phát. Khi ấy, Nhung xa gia đình lên Học viện An Ninh sơ tuyển. Để động viên con gái, Thượng tá Muôn vẫn nói, có lẽ tới lúc con thi ĐH xong thì cả nước cũng đã tạm hết dịch. Khi ấy, cả nhà đoàn tụ, mẹ Nhung sẽ nấu một bữa cơm thật ngon để mọi người chung vui. Nhưng bây giờ, điều bình dị ấy cũng chưa biết đến khi nào mới làm được.

Những điều cha chưa kể

Giống như rất nhiều lần khác phải đối mặt với khó khăn, vất vả, cha Nhung chưa bao giờ kể cho cô nghe về những đêm trắng chống dịch. “Mỗi lần em hỏi thăm, bố đều nói đó là nhiệm vụ mà bố phải hoàn thành, không có gì đáng nói”, Nhung kể.

Từ nhỏ đến giờ, điều ám ảnh nhất của Nhung là những lần tiếng xe máy của cha nổ giữa đêm. Có những hôm mưa to gió lớn, Thượng tá Muôn vẫn phải lao đi làm nhiệm vụ truy bắt tội phạm. Những đêm ấy, Nhung và mẹ không thể nào chợp mắt.

Đôi khi, những câu hỏi như “Đêm qua đã xảy ra chuyện gì?”, “Có khi nào bố bị thương, bị hăm dọa hay chưa?”… thường làm Nhung tò mò. Nhưng cô biết, dù có hỏi, cha cô cũng sẽ không bao giờ trả lời thành thật.

“Ở cơ quan của bố có một chú tên Xuân. Em và chú quý nhau giống như chú cháu ruột. Mỗi lần theo bố lên cơ quan, chú Xuân vẫn thường gom những bông hoa xà cừ rơi ở sân, rồi tỉ mẩn xâu thành chiếc vòng cổ, vòng tay xinh xắn tặng cho em. Đến một ngày, em không gặp chú Xuân nữa. Em hỏi bố, nhưng bố chỉ bảo là chú đi công tác ở xa lắm, rất lâu nữa mới về. Em đã tin là thật. Chỉ mãi đến sau này, em mới biết rằng chú Xuân đã hy sinh trong một lần truy bắt tội phạm ở cánh rừng biên giới.

Dù biết chuyện đã lâu, nhưng chưa bao giờ em hỏi lại bố chuyện đó. Từ khi còn rất nhỏ, em cũng không bao giờ em níu tay bố khi bố phải đi công tác xa nhà”, nữ thủ khoa chia sẻ.

Nhung biết, cha cô không nói thật về sự hy sinh của chú Xuân chỉ vì sợ các con phải lo lắng.

Ngay cả khi thấy cha bị đau lưng, có những vết sẹo trên tay, hay nhận ra đôi bàn tay cha ngày càng chai sạn…, Nhung cũng không dám hỏi vì sao. Riêng cha Nhung, ông vẫn thường "nói dối" rằng, tất cả chỉ là chấn thương nhẹ khi luyện tập thể thao.

Hồi còn học Tiểu học, Nhung rất ít khi được gặp cha. Ông thường công tác dài 2-3 tháng/ năm. Những lần đó, cứ 1-2 tuần, cha mới về thăm nhà một lần vào giữa đêm. Cha Nhung về chỉ để nhìn các con say giấc ngủ, rồi mờ sáng hôm sau lại lên đường. Nhung thậm chí không hề biết cha đã ghé về thăm, cho đến khi được mẹ kể, hoặc nhìn thấy món quà nhỏ cha đặt ở đầu giường.

Từ cuối tháng 4 năm nay, khi dịch Covid-19 bùng lên ở Bắc Ninh, ngay cả những chuyến thăm vội vã như thế cũng đã không còn nữa. Nhung và cha chỉ có thể thấy nhau qua màn hình điện thoại. Và vẫn như mọi lần, dù mệt mỏi, cha cô vẫn luôn cười tươi mỗi lần thấy con gái gọi điện.

Thủ khoa Học viện An ninh Nhân dân có cha ở tuyến đầu chống dịch: Chiều nay, con đứng gác mà thấy nghẹn lòng - Ảnh 4.

Nữ sinh Nguyễn Hà Nhung

Điều con muốn nói với cha

Những ngày này, dù chưa chính thức nhập học, Nhung vẫn ở lại Học viện An ninh tham gia các khóa huấn luyện như: Luyện võ, rèn thể lực, học điều lệnh… Trải qua những ngày tháng có mồ hôi, nước mắt và cả những vấp ngã nơi thao trường, cô càng hiểu rõ hơn sự hy sinh thầm lặng của cha mình.

“Em vẫn nhớ khi em nhận được giấy báo trúng tuyển chính thức từ Học viện An ninh Nhân dân, bố đã vui mừng mà đùa rằng: “Từ nay, hai bố con mình là đồng chí, đồng đội rồi đấy!”. Em giật mình, thấy tiếng “đồng chí” nghe sao mà thiêng liêng thế! Mỗi lúc em nghĩ đến hình ảnh mình trong bộ quân phục màu xanh, trong lòng lại thấy rất xúc động”, Nhung giãi bày.

Nhung chia sẻ rằng, có một điều mà trong tất cả các cuộc điện thoại với cha thời gian này, cô vẫn chưa kịp nói là: “Con thật lòng rất tự hào vì có bố là chiến sĩ Công an, luôn tự hào vì được là con gái của bố.

Con nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ gia đình mình rất nhiều. Nhưng bố hãy cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, không phải lo gì cho con. Bởi vì con ở trường mọi thứ đều tốt, không có chuyện gì để bố phải lo lắng”.

Điều bình dị như thế, nhưng vì cha Nhung là người ít khi thể hiện cảm xúc nên cô cũng thật khó mở lời. Tất cả cảm xúc về cha, Nhung thường chỉ giấu kín trong lòng.

Cô kể, mỗi lần mình nhắc tới dịch bệnh, cha cô luôn nhắn nhủ: “Yên tâm, hết dịch bố sẽ về. Rồi bố con mình sẽ lại được gặp nhau!”.

Mới đây, Hà Nhung đã giành giải đặc biệt cuộc thi viết chủ đề “Cảm xúc tân sinh viên” do Học viện An ninh tổ chức. Bức thư: “Những điều bố chưa kể” của cô nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.

Trong thư nữ sinh viết có đoạn: "... Con vẫn luôn nghĩ rằng bố là "siêu nhân" trong trò chơi ngày bé, có thể đánh bại mọi thứ, có thể làm tất cả mà vẫn khỏe mạnh, chẳng bao giờ bị bệnh gì. Con đã vô tâm biết nhường nào...

Đi qua năm học đầu tiên với bao cảm xúc thăng trầm, bao trải nghiệm mới mẻ, con đã phần nào hiểu được những gian truân, vất vả, sự hy sinh thầm lặng của bố, cũng như bao cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân trên mọi miền Tổ quốc.

(...) Chiều nay, con đứng gác mà thấy lòng mình chớm nở những xúc cảm bâng khuâng nghẹn lòng. Con nhớ về bố, nhớ về chú Xuân, và nhớ về cả những xúc cảm đầu tiên khi trở thành sinh viên khoác trên mình sắc áo xanh cỏ úa".

Thủ khoa Học viện An ninh Nhân dân có cha ở tuyến đầu chống dịch: Chiều nay, con đứng gác mà thấy nghẹn lòng - Ảnh 7.

Bài dự thi Hà Nhung viết về bố trong cuộc thi với chủ đề "Cảm xúc tân sinh viên" do Học viện An ninh tổ chức

Đưới đây, chúng tôi xin dẫn lại toàn bộ bức thư xúc động gửi người cha nơi tuyến đầu chống dịch của Thủ khoa khối D, Học viện An ninh nhân dân.

“Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về rừng cây. Khi nghĩ về rừng cây, tôi thường nghĩ về nhiều người…”

Bố kính yêu,

Chiều nay, khi con đứng gác, những lời ca quen thuộc trong bài “Một đời người, một rừng cây” chợt vang lên. Thoảng trong cơn gió nhẹ nhàng mát dịu, khúc ca chiều tháng Bảy gieo xuống lòng con bao suy tư về những người chiến sĩ Công an nhân dân, những người cùng đi với bố trên con đường bảo vệ Tổ quốc, về những thế hệ đã trưởng thành từ mái trường Học viện An ninh anh hùng. Trong những trải nghiệm đầu tiên của một cô tân sinh viên Học viện, con mới nhận ra và thấm thía những khó khăn, nhọc nhằn, những hy sinh thầm lặng mà bố chưa bao giờ kể đến. Chợt khóe mắt con cay cay, cổ họng con bỗng chốc nghẹn lại như có ngậm có ngùi. Bố à, con nhớ bố nhiều lắm…

Bố ơi,

Mỗi khi con nhìn thấy gương mặt bố hằn lên vết mệt mỏi vì cả đêm phải trực bên chốt dịch, rồi khi con vô tình xem được đoạn video cậu bé lao ra cửa ôm chầm lấy người bố lâu ngày không gặp…, những ngọn gió ngày xưa tưởng chừng như đã được cất gọn trong ngăn kéo kí ức bỗng ùa về, thổi vào trái tim con hơi thở lành lạnh, khiến trái tim con bất giác run lên trong vô thức.

Con nhớ những đêm giật mình tỉnh giấc trong tiếng nổ xe của bố vì công việc đột xuất, nhớ những chuyến công tác kéo dài cả tháng trời, con và mẹ chỉ có thể nghe giọng nói, nhìn thấy từng giọt mồ hôi của bố cùng nụ cười tươi rói qua màn hình điện thoại trong nỗi nhớ khắc khoải da diết. Con nhớ chú Xuân làm cùng đơn vị bố ngày trước. Con quý chú như người chú ruột của mình. Mỗi lần con lên cơ quan cùng bố, chú hay cùng con gom những bông hoa xà cừ rải đầy trước sân, tỉ mẩn xâu chúng thành chiếc vòng cổ, vòng tay xinh xắn. Ấy vậy mà, mới xót xa làm sao, trong một lần truy bắt tội phạm ở cánh rừng biên giới, chú Xuân hy sinh.

Thế nhưng, bố chỉ bảo rằng chú đã chuyển sang đơn vị khác, bố đã không kể sự thật để con đỡ buồn, để tránh cho con khỏi nỗi sợ hãi mỗi khi bố phải đi xa. Con biết chuyện đã lâu nhưng con đã không níu lấy tay bố đòi bố ở lại, con chỉ âm thầm khóc mỗi khi nhớ chú thôi, trong những cơn mơ của con chú Xuân vẫn nghiêm trang trong bộ quân phục xanh lý tưởng, anh dũng và oai hùng. Trong tâm tưởng của con, nhất định bố sẽ trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhất định bố sẽ về nhà với mẹ và con, bố nhỉ?

Bố biết không, nhờ lớn lên trong những kí ức ấy, con đã ấp ủ ước mơ trở thành một cô công an thật mạnh mẽ, kiên cường, nối tiếp sự nghiệp vẻ vang của bố, giúp cho mỗi mái nhà được yên ấm, xã hội được bình yên, ổn định, để bố có thể về ăn cơm nhà nhiều hơn, có nhiều thời gian để ở bên mẹ và con hơn. Ước mơ ấy vẫn luôn là ngọn lửa động lực nhen nhóm trong tim con, thôi thúc con phấn đấu từng ngày, nỗ lực học tập, thi đỗ vào mái trường mang tên Học viện An ninh nhân dân.

Con nhớ giây phút nhận giấy báo trúng tuyển trong niềm xúc động vỡ òa, bố đã đùa rằng: “Từ nay hai bố con mình là đồng chí, đồng đội rồi đấy!”. Ôi, hai từ “đồng chí” nghe sao mà thiêng liêng, tự hào đến thế! Con đã tưởng tượng ra hình ảnh mình trong bộ quân phục màu xanh, chắc hẳn trông sẽ ra dáng và trưởng thành lắm. Con đã háo hức mong chờ từng ngày để đi nhập học, được trải nghiệm môi trường mới và quan trọng hơn cả, đó sẽ là ngày con chính thức trở thành một chiến sĩ Công an nhân dân, viết tiếp trang đời ước mơ của mình.

Thế rồi, khi con trải qua khóa huấn luyện tại K02, trải qua những buổi học võ, học điều lệnh, những buổi rèn thể lực, trải qua những ngày có mồ hôi, nước mắt và cả những vấp ngã nơi thao trường, con mới thực sự hiểu được thế nào là bản lĩnh của một người chiến sĩ Công an nhân dân. Nỗi thấu hiểu về những vết sẹo hằn trên cánh tay bố, những vết chai sạn trong đôi bàn tay rắn chắc, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương mỗi buổi chiều tà nhìn “mặt trời ánh đỏ hoàng hôn”… chảy tràn và thấm ướt trái tim con.

Đó là những điều bố chưa bao giờ nhắc đến. Để rồi, con chợt nhận ra, con vẫn luôn tin bố bị đau lưng là do chơi thể thao mạnh, tin vào câu nói “Bố vẫn ổn” mỗi lần con gọi về. Con vô tư đón nhận sự che chở, quan tâm của bố mà chẳng để ý rằng bố đã dừng chơi những môn vận động mạnh kể từ trận đau lưng dai dẳng năm kia. Con vẫn luôn nghĩ rằng bố là “siêu nhân” trong trò chơi ngày bé, có thể đánh bại mọi thứ, có thể làm tất cả mà vẫn khỏe mạnh, chẳng bao giờ bị bệnh gì. Con đã vô tâm biết nhường nào...

Đi qua năm học đầu tiên với bao cảm xúc thăng trầm, bao trải nghiệm mới mẻ, con đã phần nào hiểu được những gian truân, vất vả, sự hy sinh thầm lặng của bố, cũng như bao cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân trên mọi miền Tổ quốc.

Nhưng bố ơi, những gian truân, vất vả ấy không làm con gái của bố chùn bước đâu. Năm đầu tiên dưới mái trường Học viện, trong trạng thái giãn cách xã hội vì dịch bệnh, dù không được về nhà, dù nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ vẫn luôn thường trực giăng mắc trong lòng con nhưng không hề làm con nản trí. Con đã có những tháng ngày không ồn ào, vội vã. Đó là những khoảng lặng của cuộc sống để con có cơ hội nhìn lại quá khứ và nhận lãnh trách nhiệm tương lai, để con tự hỏi chính mình và trả lời bằng hành động.

Con thương bố, con thấy cảm phục người hùng của trái tim con và những người đồng chí đồng đội của bố đang trên chiến hào đương đầu, đấu sức, đấu mưu, đấu trí với tội phạm, đẩy lùi những mảng màu xám đen trong xã hội để cuộc sống của nhân dân thêm tươi sáng hơn. Ngày hôm nay, những vấp ngã của con khi học võ, những giọt mồ hôi đổ xuống nơi thao trường tập luyện sẽ chẳng thấm thoát gì so với những gian khổ, hy sinh mà bố và đồng đội đã phải trút xuống để đổi lấy bình yên cho mỗi mái nhà, ngọn núi, con sông.

Con thấy mình còn phải gắng sức nhiều lắm bố ạ, như người leo núi cheo leo trên vách đá, bàn tay con mới đôi chút trầy xước thôi, con sẽ chẳng nề hà gì mà vươn mình lên để chiến thắng thử thách, chinh phục đỉnh cao ước mơ. Và ở đó, con thấy gương mặt hiền dịu của bố, thấy trọng trách lớn lao trên vai mình: Cả đời tận tụy vì nước, vì dân.

Chiều nay, con đứng gác mà thấy lòng mình chớm nở những xúc cảm bâng khuâng nghẹn lòng. Con nhớ về bố, nhớ về chú Xuân, và nhớ về cả những xúc cảm đầu tiên khi trở thành sinh viên khoác trên mình sắc áo xanh cỏ úa. Để rồi, trong tim con lại lớn lên một niềm tin vững chãi và bất diệt, cống hiến những gì tinh túy nhất của tuổi trẻ mình cho non sông gấm vóc, cho lẽ sống giản dị mà vĩ đại, cho ngọn lửa gian bếp mỗi ngôi nhà mãi ấm áp, nụ cười hạnh phúc mỗi gia đình mãi đong đầy, cho những người đồng chí đồng đội của chúng ta thêm điểm tựa can trường và mạnh mẽ.

Bố à,

Có một điều mà con vẫn chưa có cơ hội bày tỏ trực tiếp với bố. Trong lá thư đầu tay gửi tới bố ở quê nhà, con muốn nói rằng, con vẫn luôn tự hào vì có người bố là chiến sĩ Công an, luôn tự hào vì được là con gái của bố. Con nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ gia đình mình rất nhiều. Con mong ngày dịch bệnh lùi xa, con sẽ được về nhà, trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, con sẽ kể cho bố nghe những câu chuyện của cô sinh viên năm nhất, con tin với đôi chân vững chãi của bố con mình, và những cô chú, anh chị trên cùng lý tưởng, đất nước mình sẽ sớm khỏe mạnh trở lại, sáng mãi trường ca chiến thắng hào hùng, bố nhỉ?

Yêu bố,

Con gái - Nguyễn Hà Nhung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại