Thu hồi hơn 3.000 thửa đất làm cao tốc kết nối với nước ngoài

Dy Khoa |

Số đất này thuộc sở hữu của 1.716 hộ và tổ chức.

Cao tốc TP HCM - Mộc Bài là tuyến đường nối TP HCM với Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) và có thể nối tiếp với đường cao tốc của nước bạn đến Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), hoàn thiện tuyến đường cao tốc quốc tế.

Dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài có 4 dự án thành phần, trong đó, UBND tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm triển khai Dự án thành phần 4: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP HCM - Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh.

Theo kế hoạch triển khai Dự án thành phần 4, từ tháng 8/2024 đến tháng 10/2024 sẽ thực hiện công tác chuẩn bị dự án. Từ tháng 10/2024 đến tháng 2/2025, thẩm định, phê duyệt phương án và chi trả chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Từ tháng 3/2025 đến tháng 4/2025, bàn giao mặt bằng và thi công xây dựng công trình. Dự án dự kiến hoàn thành, thông xe trong năm 2027.

Thu hồi hơn 3.000 thửa đất làm cao tốc kết nối với nước ngoài- Ảnh 1.

Cao tốc TP HCM - Mộc Bài nối TP HCM với Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh).

“Để dự án thực hiện đúng tiến độ, rất mong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nói chung và các tổ chức, cá nhân có đất trong phạm vi dự án đồng thuận để dự án sớm triển khai và hoàn thành đúng tiến độ”, Báo Tây Ninh dẫn lời Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Tây Ninh Đặng Hoàng Chương.

Thực hiện kế hoạch và chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, Ban Quản lý dự án ngành giao thông tỉnh được giao nhiệm vụ tổ chức lập Dự án thành phần 4, đến nay, đơn vị đã triển khai ký hợp đồng với đơn vị tư vấn đang lập dự án. Ngày 20/8, UBND thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu, huyện Bến Cầu cũng đã ban hành thông báo thu hồi đất toàn bộ đến 3.046 thửa đất (1.716 hộ và tổ chức).

Trung tâm Phát triển quỹ đất các địa phương phối hợp các xã, phường nơi dự án đi qua tổ chức họp dân công khai chủ trương, trao thông báo thu hồi đất, kết hợp tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện dự án.

Qua các hội nghị họp dân vừa qua, đại đa số người dân bị ảnh hưởng bởi dự án của 3 địa phương Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu đều đồng thuận, ủng hộ với chủ trương thực hiện dự án cao tốc, bởi đây là mong mỏi từ nhiều năm qua của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân Tây Ninh.

Đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài có quy mô 6 làn xe

Đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài là dự án trọng điểm quốc gia và địa phương, mang tính cấp thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải lưu lượng đi qua quốc lộ 22, giảm chi phí, thời gian di chuyển trên hành lang vận tải TP HCM - Tây Ninh, tạo động lực mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội, thúc đẩy thu hút đầu tư và góp phần củng cố quốc phòng - an ninh.

Tổng chiều dài tuyến đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài khoảng 51km (đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài khoảng 26,1km), vốn đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng. Điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 - huyện Củ Chi, TP HCM; điểm cuối giao với quốc lộ 22 (khoảng km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Dự án đi qua địa giới hành chính 3 địa phương (thị xã Trảng Bàng 11,3km, huyện Gò Dầu 12,6km, huyện Bến Cầu 2,2km).

Thu hồi hơn 3.000 thửa đất làm cao tốc kết nối với nước ngoài- Ảnh 2.

Dự án dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2027.

Cao tốc này được đầu tư xây dựng tuyến đường có vận tốc thiết kế 120 km/h; quy mô quy hoạch 6 làn xe, trong đó phân kỳ giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh (có làn dừng khẩn cấp). Dự án có 3 nút giao liên thông: đường ĐT. 787B (dạng nút chữ T), QL.22B (dạng trumpet) và QL.22 dạng giao bằng có bố trí đường nhánh dẫn lên xuống và đường gom dân sinh.

Giai đoạn 1, cao tốc được xây dựng 4 làn xe , 2 làn khẩn cấp nhưng sẽ giải phóng mặt bằng với quy mô 6 làn xe nhằm phục vụ mở rộng sau này.

Cao tốc TP HCM - Mộc Bài phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp Mộc Bài - TP HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại