Nội dung chính
- Thu hồi 682.765,0 m2 đất lập cụm công nghiệp Tân Phú (Tây Ninh).
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh, ngày 20/5, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định số 970/QĐ-UBND thu hồi 682.765,0 m2 đất tại xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh được UBND tỉnh giao đất cho UBND huyện Tân Châu quản lý tại Quyết định số 1487/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2018.
Theo đó, lý do thu hồi đất là để thực hiện dự án Đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Phú, thu hồi đất theo quy định tại điểm d Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013.
Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo Trích đo chỉnh lý bản đồ địa chính số 202/TĐ-CL, tỷ lệ 1:7200 do Công ty TNHH Đo đạc bản đồ Nguyên Phương lập ngày 12 tháng 8 năm 2022 và được Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh thẩm định ngày 29/5/2023.
Cũng trong ngày 20/5, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 971/QĐ-UBND cho Công ty TNHH Đầu tư Tân Phú - Lan Trần (địa chỉ trụ sở chính tại Lô số 37, đường số 6, Khu công nghiệp Trảng Bàng, phường An Tịnh, thị xã Tràng Bàng, tỉnh Tây Ninh) thuê 682.765,0 m2 đất tại xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh để thực hiện dự án Đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Phú.
Thời hạn sử dụng đất được tính từ ngày UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất đến ngày 12 tháng 12 năm 2067, theo thời hạn hoạt động dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo Trích đo chỉnh lý bản đồ địa chính số 202/TĐ-CL, tỷ ỉệ 1:7200 do Công ty TNHH Đo đạc bản đồ Nguyên Phương lập ngàv 12 tháng 8 năm 2022 và được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định ngày 29 tháng 5 năm 2023.
Hình thức thuê đất: Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Trước đó, từ năm 2023, theo đề án phát triển cụm công nghiệp Tây Ninh giai đoạn 2023 - 2030, cụm công nghiệp Tân Phú nằm trong nhóm “chưa triển khai”.
Văn bản này cho biết: Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 1089/SKHĐT-HTĐT ngày 24/4/2023 về việc hoàn chỉnh báo cáo rà soát dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Tân Phú của Công ty TNHH Đầu tư Tân Phú - Lan Trần theo công văn số 2813/VP-TH ngày 03/4/2023 trình UBND tỉnh và đã được UBND tỉnh thông qua tại theo văn bản số 3712/VP-TH ngày 03/5/2023 của Văn phòng UBND tỉnh.
Cùng nhóm chưa triển khai còn có cụm công nghiệp Tân Hội 2. UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục thu hút đầu tư theo Quyết định 1107/QĐ-UBND ngày 16/5/2023 về việc ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tỉnh Tây Ninh năm 2023.
Tây Ninh có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động, gồm: Tân Hội 1, Thanh Xuân, Bến Kéo, Hòa Hội, Ninh Điền, với tổng diện tích 211,63 ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê 146,2 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 136,95 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 93,7%.
Trong đó, 2 cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng và 3 cụm công nghiệp chưa có nhà đầu tư hạ tầng. Cụm công nghiệp Tân Hội 1 có Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng cụm công nghiệp Tân Hội là nhà đầu tư hạ tầng, đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng.
Cụm công nghiệp Thanh Xuân do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thanh Thanh Xuân đầu tư hạ tầng cũng đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng.
Còn 3 cụm công nghiệp chưa có nhà đầu tư hạ tầng: Bến Kéo, Hòa Hội, Ninh Điền.
Tây Ninh dự kiến có thêm 3 cụm công nghiệp
Đến năm 2030, Tây Ninh dự kiến có thêm 3 cụm công nghiệp: Tân Hiệp (huyện Tân Châu), Tân Hoà (Tân Châu) và Thành Long (Châu Thành).
Tây Ninh là tỉnh nằm ở miền Đông Nam Bộ, phía Đông giáp các tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, phía Tây và phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240 km, có 3 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam), 3 cửa khẩu chính (Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân), 2 cửa khẩu phụ có đủ lực lượng chuyên ngành quản lý cửa khẩu và 8 cửa khẩu phụ chỉ có lực lượng Biên phòng quản lý.
Tỉnh có 2 trục lộ giao thông quan trọng là đường Xuyên Á (quốc lộ 22) và quốc lộ 22B, là cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng sang Campuchia và các nước ASEAN.
Với vị trí địa lý hiện có, Tây Ninh không chỉ là một đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, du lịch, thương mại giữa các nước trong tiểu vùng sông Mekong mà còn là một vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh.