Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cây dược liệu

Trấn Long |

Mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng cũ sang trồng cây dược liệu dưới tán rừng, gia đình ông Giàng A Chu (Sơn La) mỗi năm đã có thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cũ sang trồng cây dược liệu dưới tán rừng, gia đình ông Giàng A Chu ở bản vùng cao Pa Cư Sáng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã thoát nghèo. Ông cũng là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở vùng cao Sơn La.

Đặt gùi thảo quả nặng trĩu dưới tán cây, hương thảo dược thoảng bay giữa cái se lạnh của núi rừng, ông Giàng A Chu cho biết, trước đây, khi Nhà nước dỡ bỏ cây thuốc phiện, gia đình ông cùng bà con dân bản quay sang trồng lúa, trồng ngô và nhặt quả sơn tra đi bán, dù rất cố gắng, song thu nhập thấp, cái đói nghèo vẫn cứ đeo bám.

Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cây dược liệu - Ảnh 1.

Năm 2005, trong một lần về chúc Tết bà con Pa Cư Sáng, một thành viên đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Sơn La có nói rằng: Nơi đây rất thích hợp trồng cây dược liệu là thảo quả, vừa phát triển được kinh tế, vừa bảo vệ được rừng. Nghe vậy, nhiều ngày sau đó, ông đã tự tìm hiểu về loại cây này, rồi tự đi xe máy vượt hàng trăm cây số sang tận xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai để tìm hiểu và mang giống cây thảo quả về trồng.

Ông Giàng A Chu cho biết: "Đi đến Nậm Xé tôi xem cách trồng của họ rồi về hướng dẫn bà con trồng thảo quả. Tôi đi xem hết mấy khu nương mà họ đã thu và xem đất khô hay là đất ẩm; sau đó người dân để cho lại cho mấy gốc mới cắt đủ 1 bao tải để tôi mang về chia cho dân".

Đất không phụ công người, đến nay, 3 ha trồng thảo quả dưới tán rừng của ông đã phát triển xanh ngát. Ngoài số này, ông còn có 2 ha cây sơn tra ghép mắt; nuôi đàn gia súc, gia cầm hàng chục con... Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình ông đã có thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.

Về cây thảo quả, ông Chu cho biết, cây này rất dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc. Cây lớn sau khi thu hoạch thì cắt tỉa, số cành, lá cắt tỉa bỏ xuống đất chỗ nào thì chỗ ấy cỏ không mọc lên nữa, nên không mất nhiều công làm cỏ, khá là nhàn.

Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cây dược liệu - Ảnh 2.

"Trồng thảo quả là thích nhất, công sức phải bỏ ra ít hơn trồng lúa, trồng ngô. Không phải đầu tư phân, giống, chỉ chăm sóc 2 đến 3 năm là được thu rồi; từ lúc được thu ấy thì rất nhàn" - ông Giàng A Chu chia sẻ.

Nhận thấy hiệu quả của việc phát triển cây thảo quả, ông Giàng A Chu cũng tích cực vận động và hỗ trợ nhiều hộ dân trong bản, trong xã trồng loại cây này; nhất là vận động các hộ gia đình không bán thảo quả non mà phải giữ đến khi chín mới bán để được giá cao. Qua đó, nhiều hộ gia đình cũng đã có mức thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao.

Ông Thào A Chư, Chủ tịch Hội nông dân huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay mô hình kinh tế của ông Giàng A Chu đã được nhân rộng ra 5 xã của huyện, gồm: Tà Xùa, Háng Đồng, Xím Vàng, Làng Chếu và nhất là tại xã Hang Chú, 100% các bản đã trồng cây thảo quả.

"Mô hình trồng cây thảo quả hiện nay đã có hộ gia đình như hộ Giàng A Chu thu đến trên 200 triệu đồng/năm, nhiều hộ khác đã thu trên 100 triệu đồng/năm. Năm nay giá của thảo quả hiện đang thu mua đạt hơn 26.000/kg tươi, bà con rất phấn khởi, tin tưởng mô hình và càng ngày càng nhân rộng ra" - ông Thào A Chư cho hay.

Phấn khởi với cuộc sống mới, người nông dân xã Hang Chú, huyện Bắc Yên vẫn rất mong muốn được hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật và kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhất là được quan tâm đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; có như vậy, sản phẩm quả và thảo dược của bà con mới yên tâm đứng vững trên thị trường.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại