> Đọc toàn bộ loạt bài "mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hoá" TẠI ĐÂY
Một kiểu thu, hai cách hành xử
Tại Thanh Hoá, không chỉ có Nông Cống mà ở huyện Hậu Lộc cũng có tình trạng lạm thu với những nét khá giống nhau, có chăng là khác nhau về số lượng và tên gọi của các khoản đóng góp.
Ở cả hai huyện này, người dân đều phải nộp tiền 2 vụ/năm với danh nghĩa các khoản đóng góp tự nguyện, đã được người dân thống nhất thông qua cuộc họp theo quy chế dân chủ và có nghị quyết.
Ngoài ra, ở hai địa phương này, không chỉ những người dân trong độ tuổi lao động mà cả trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi cũng phải đóng góp như người trong độ tuổi lao động.
Còn về các khoản thu, dù có tên gọi không hoàn toàn giống nhau nhưng bản chất thì không khác nhau nhiều như: "quỹ thiếu niên nhi đồng" và "quỹ hoạt động thiếu niên, "đóng góp nghĩa địa" và "quản trang"....
Đáng chú ý, dù việc lạm thu khá giống nhau về kiểu thu nhưng cách hành xử của lãnh đạo hai huyện này lại khác nhau khá xa.
Các tập danh sách chi trả các khoản vận động đóng góp ở xã Hưng Lộc
Sau khi được báo chí phản ánh, Bí thư huyện Hậu Lộc Nguyễn Văn Ấp đã nhận ra vấn đề, thông qua báo chí gửi lời xin lỗi đến những người dân về những khoản thu không đúng và chỉ đạo cấp dưới xem xét, thoái trả tiền cho người dân.
Tại xã Hưng Lộc và xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc), chính quyền các xã quyết định bãi bỏ việc thu các khoản đóng góp đối với trẻ em dưới 6 tuổi và đối tượng người cao tuổi theo luật định. Những khoản thu không đúng được trả cho người dân.
Xã Hưng Lộc đã bãi bỏ việc thu quỹ hội họp, quỹ hoạt động thanh thiếu niên, quỹ hoạt động an ninh trật tự thôn. Đối với quỹ chăm sóc người cao tuổi, quỹ khuyến học thì được giao cho tổ chức Hội vận động. Ngoài ra, quỹ hoạt động thiếu niên cũng được cho mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị vận động.
Còn tại huyện Nông Cống, lãnh đạo huyện này đã có cách hành xử riêng của mình. Đó là Chủ tịch UBND huyện Nông Cống đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác xác minh thông tin báo nêu do ông Lê Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn.
Theo bản Báo cáo sơ bộ xác minh thông tin báo chí của huyện này ngày 15/8/2016, sáng cùng ngày, tổ công tác đã về làm việc tại xã Trường Sơn.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc xác minh chớp nhoáng này lại hoàn toàn sai lệch, thậm chí là bao biện cho những sai phạm đang diễn ra tại xã Trường Sơn. Bản báo cáo này khiến người dân, đặc biệt là những người liên quan ở địa phương này bức xúc.
Báo cáo gây phẫn nộ của UBND huyện Nông Cống
Ngoài ra, từ kết quả xác minh, tổ công tác yêu cầu không thu của trẻ em dưới 6 tuổi cũng như không ghép các khoản thu của xã, của thôn và Hợp tác xã với nhau, tuy nhiên, không hề có việc trả lại tiền thu chưa đúng cho người dân.
Những người dân đồng tình là ai?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.Nguyễn Đình Quyền - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề lạm thu ở Thanh Hoá.
Ông Quyền nói: Việc thu theo người dân đồng ý theo nguyên tắc tự nguyện. Các khoản thu như thu nghĩa trang, thu làm đường là thu theo lợi ích của cộng đồng, nếu được người dân đều đồng thuận thì không có vấn đề gì. Nhưng mức thu như thế nào và đối tượng thu như thế nào thì phải tính.
Cụ thể, nếu thu của trẻ dưới 6 tuổi và đối với người trên 60 tuổi thì phải cân nhắc. Những người có đủ hành vi năng lực dân sự mới tham gia vào việc thoả thuận chứ đối với trẻ em thì phải có người giám hộ, người đỡ đầu quyết định.
Ngoài ra, những khoản thu về nguyên tắc là người dân đồng tình thì cũng phải phù hợp với sức đóng của người dân.
TS.Nguyễn Đình Quyền - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (Ảnh: Tuấn Nam)
Cũng theo vị nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội này, việc trưởng làng, trưởng thôn nói rằng, việc thu các khoản đóng góp đều theo nghị quyết của buổi họp dân trên cơ sở quy chế dân chủ thì phải xem xét kỹ.
Ông Quyền nói: "Những người dân ký vào biên bản buổi họp nhân dân là ai? Những người dân đồng tình ở đó là ai?...
Dân chủ trên cơ sở nguyên tắc đại đa số người dân đồng tình. Nếu không được đại đa số người dân đồng tình mà chỉ lấy ý kiến của một số người để áp đặt rằng đó là ý kiến của nhân dân thì đó là dân chủ trá hình".
Ông Quyền đưa ra ví dụ, nếu là nhân dân đồng ý nhưng số người đồng ý chỉ là thiểu số mà bảo đó là ý kiến của nhân dân và áp đặt cho tất cả người dân theo thì đó chính là một dạng trá hình của dân chủ.
Thu "cào bằng" chính là sự bất công bằng xã hội
Chia sẻ với chúng tôi về cảm xúc khi nghe những thông tin về việc lạm thu ở Thanh Hoá, đặc biệt là ở quê mình - huyện Nông Cống, Thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho hay, ông rất buồn.
Theo vị tướng này, việc lạm thu ở Thanh Hoá đã dấy lên một luồng suy nghĩ của đông đảo người quan tâm, gây cho người ta một cảm giác đắng lòng.
Theo tướng Lê Mã Lương, xuất phát từ việc thực hiện chủ trương, chỉ thị của cấp trên mà cấp dưới không nghiên cứu kỹ đã tiến hành thu không đúng quy định, không phù hợp với sức dân nên gây ra bức xúc trong dư luận.
Làng Phúc Thọ (xã Trường Sơn, huyện Nông Cống), cứ có tên trong hộ khẩu là phải lo "đóng góp nghĩa địa"
Việc thu các loại phí theo kiểu "cào bằng" theo khẩu, không phân biệt độ tuổi, không phân biệt các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo với các hộ gia đình không thuộc diện hộ nghèo là không ổn.
Việc gây ra sức ép như "cắt" hộ nghèo hay thu giường của người dân bắt họ phải đóng các khoản đóng góp, theo ông Lương, đó là "việc làm của thời phong kiến chứ không phải bây giờ".
"Phải có sự phân loại chính sách, phân loại các đối tượng thu để có các mức thu khác nhau thì đó mới là sự công bằng. Mọi sự cào bằng trong điều kiện kinh tế phát triển hiện nay rõ ràng là điều bất cập và thiếu dân chủ.
Tôi nghĩ rằng lãnh đạo của tỉnh Thanh Hoá nên có chỉ đạo xem xét lại các khoản thu hàng năm đối với người dân ở trong tỉnh. Tôi cho đây là một bài học", vị tướng này nói.