Thử giải mã quan điểm "người Nhật luôn hiếu khách và tử tế": Suy nghĩ này từ đâu ra và có đúng không?

ĐẠT LÊ |

Nhật Bản quả thật là đất nước có quá nhiều điều độc đáo, dẫn đến nảy sinh nhiều quan điểm bất di bất dịch về văn hóa và con người nơi đây. Một trong những định kiến hay gặp nhất khi du khách đến Nhật Bản, đó là "người Nhật rất hiếu khách và tử tế". Nhưng sự thật có phải như vậy?

* Dựa trên bài viết của tác giả Keisuke Tsunekawa - một người sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản - trên trang Live Japan.

"Người Nhật rất hiếu khách và tử tế" - Tiếng thơm này từ đâu mà có?

Dĩ nhiên, tiếp đãi du khách bằng tất cả sự nồng nhiệt và chân thành luôn được ca ngợi ở Nhật Bản, là yếu tố quan trọng ở người làm dịch vụ. 

Nhưng chẳng phải ở đâu cũng có những người hiếu khách, nồng nhiệt hay sao, đâu riêng gì Nhật Bản? Ấy vậy mà nhận định "người Nhật tử tế" vẫn luôn lan truyền mạnh mẽ đối với du khách đến với xứ sở Phù Tang.

Đó là do những quan điểm và triết lí sống đã ăn sâu vào tâm trí người Nhật, những quy chuẩn về đạo đức xã hội khiến (phần đông) họ hành xử hết sức lịch thiệp.

Thử giải mã quan điểm người Nhật luôn hiếu khách và tử tế: Suy nghĩ này từ đâu ra và có đúng không? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Đầu tiên là về khái niệm "omotenashi" - có thể hiểu là "sự hiếu khách". Thực ra, omotenashi mang ý nghĩa đặc biệt hơn là sự quý mến đơn thuần giữa chủ với khách. 

Nó bao hàm sự chu đáo; một đôi mắt sắc bén, quan sát tinh tường xem vị khách của mình cần những gì và "đi trước một bước" để chuẩn bị. 

Vậy nên khách nước ngoài đến với đất nước mặt trời mọc luôn bất ngờ trước sự lo xa của bạn bè Nhật.

Yếu tố thứ hai, người Nhật luôn tuân thủ một cách nghiêm khắc tất cả luật định - nghĩa là chú ý làm theo mọi biển thông báo, chỉ dẫn, quy tắc ứng xử... dù cho nó có phức tạp đến thế nào đi nữa. 

Lối tư duy này tỏ ra hiệu quả trong nhiều trường hợp. Ví dụ như bạn làm mất ví ở Nhật, tỷ lệ tìm được nó trở về là hơn 70% , cao một cách kỳ lạ!

Nói tóm lại, quan điểm sâu sắc về "sự chu đáo hiếu khách" và việc tuân thủ nghiêm khắc các quy định công cộng đã tạo nên ấn tượng về một xã hội Nhật Bản văn minh trong lòng du khách. 

Và rằng người Nhật có lẽ tốt bụng nhất quả đất này! Tuy vậy, những điều trên xuất phát từ quy tắc đạo đức chung hơn là từ sự hăm hở trong hoàn cảnh cụ thể. 

Nói một cách nôm na, nếu một người Nhật giúp đỡ khách nước ngoài hết lòng thì đó là do "lẽ phải nên làm" của một công dân tốt, chứ không phải họ "thấy thương" hay có cảm xúc đặc biệt với vị khách ấy.

Thử giải mã quan điểm người Nhật luôn hiếu khách và tử tế: Suy nghĩ này từ đâu ra và có đúng không? - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Chẳng hạn bạn đi lạc ở Nhật Bản và hỏi đường một người Nhật, dễ có khả năng là bạn được chỉ dẫn tận tình với thái độ lịch thiệp và tử tế, bất chấp rào cản ngôn ngữ. 

Trải nghiệm "tuyệt vời ông mặt trời" này không hề hiếm ở Nhật, nhưng đa phần là giữa người Nhật với du khách nước ngoài. Còn người Nhật với nhau à, mọi chuyện hơi khác một chút!

Người Nhật có luôn hiếu khách và tử tế với nhau, nhất là với người lạ?

Người Nhật luôn có rất nhiều triết lí sống đúng không? Trong số đó, có những tư tưởng như là "làm sao để đừng ảnh hưởng đến người khác một cách triệt để nhất" hay "làm cách nào tôi hạn chế liên hệ với người lạ?".

Nghe hơi kì nhưng hoàn toàn có thật. Trên những chuyến tàu điện kéo dài hàng giờ, hành khách hoàn toàn chìm đắm vào không gian riêng tư (dù rất đông người xung quanh) và tránh giao tiếp với nhau để bảo vệ sự riêng tư ấy. 

Thậm chí nếu có sự cố xảy ra, nhiều người vẫn không phản ứng gì vì không phải chuyện của mình.

Người Nhật không hề tâm niệm "đừng giúp đỡ ai khác" mà chỉ là họ duy trì sự độc lập và yếu tố cá nhân rất cao - "không muốn can dự và cũng không muốn ai đó can thiệp vào chuyện của bản thân mình"

Tốt nhất là đừng bị dính vào chuyện gì đó, và điều này càng được củng cố bằng suy nghĩ "một người khác chắn chắn sẽ giúp đỡ mà".

Thử giải mã quan điểm người Nhật luôn hiếu khách và tử tế: Suy nghĩ này từ đâu ra và có đúng không? - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: Peter Trinh)

Người Nhật cố gắng không gây phiền hà cho các cá nhân khác, kể cả một chú chó. Giả sử bạn đang ở một công viên tại Nhật và có đông người dắt chó đi dạo.

Ở nhiều nơi trên thế giới, rất bình thường nếu bạn bắt chuyện với người khác và vuốt ve chơi đùa với chó cưng của họ.

Tuy nhiên điều đó không xảy ra ở Nhật. Nói chuyện với người lạ, kể cả người mà bạn nhìn thấy hàng ngày ở công viên, là chuyện gì đó rất kỳ khôi. 

Thậm chí nếu cố gắng tiếp cận và hào hứng bắt chuyện "thời tiết đẹp nhỉ", đối phương có thể hơi thảng thốt nhẹ và lảng đi ngay! 

Một số người có thể lịch sự đáp lại bạn nhưng điều đó đòi hỏi sự nỗ lực lớn. 

Họ cố gắng duy trì khoảng cách cả về địa lí (không đứng quá gần) và tâm lí (nói chuyện có kính ngữ và không thân mật) - nói chung là hạn chế tương tác xuống mức tối thiểu.

Thử giải mã quan điểm người Nhật luôn hiếu khách và tử tế: Suy nghĩ này từ đâu ra và có đúng không? - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa: Inaki Lizarraga)

Sự tử tế ở môi trường công sở Nhật Bản: chủ yếu là cố gắng giữ hình ảnh bản thân

Có thể nói bản năng của người Nhật là vô cùng độc lập. Thứ nhất, họ cố gắng không gây phiền hà cho người khác. 

Thứ hai, họ chú ý đến nhận định của người khác về bản thân mình và cố giữ hình ảnh tốt. Hai điều này song hành với nhau và mọi trẻ em Nhật Bản được dạy dỗ như thế khi còn nhỏ. 

Ý tưởng cơ bản đằng sau 2 triết lý sống này là: "Nếu mọi người đều hành xử như thế, Nhật Bản chắc chắn sẽ là nơi đáng sống".

Thử giải mã quan điểm người Nhật luôn hiếu khách và tử tế: Suy nghĩ này từ đâu ra và có đúng không? - Ảnh 5.

(Ảnh minh họa: jpninfo)

Có một khái niệm là "tatemae" - cảm xúc thể hiện ra bên ngoài, đối lập với những suy nghĩ và niềm tin của cá nhân.

Nghĩa là, người Nhật có thể cảm thấy khó chịu về điều gì đó nhưng cố gắng niềm nở giữ hòa khí. Mục đích là không muốn làm tổn hại hình ảnh của mình trong mắt người khác.

Ví dụ như trong bữa nhậu sau giờ làm với nhân viên nhiều phòng ban, khi đã ngà ngà say, bạn có thể quay sang người đối diện: "Hôm nào làm vài ly nữa nhé". 

Ở một nơi nào đó, người ta có thể hào hứng nhận lời và thực sự bắt đầu một mối quan hệ thân thiết. Nhưng ở Nhật, họ thường đáp lại khá quy chuẩn "Ồ, chắn chắn rồi".

Ngay cả họ chẳng có ý định kết giao sau này thì một lời đáp vui vẻ luôn cần được thốt ra. Có vẻ như khái niệm "tatemae" hơi gần với "khách sáo" chăng? Tức là một lời nói dối nhỏ để không làm mất lòng ai.

Thử giải mã quan điểm người Nhật luôn hiếu khách và tử tế: Suy nghĩ này từ đâu ra và có đúng không? - Ảnh 6.

"honne" là thực tâm và "tatemae" là điều thể hiện ra bên ngoài (ảnh: NEXS)

Tạm kết

Người Nhật rất tử tế với du khách nước ngoài và tại nơi làm việc - điều đó là không thể phủ nhận. 

Tuy vậy những điều này xuất phát từ những triết lý và quy tắc sống phức tạp. Còn với người lạ, họ thường khép kín và không dễ mở lòng ra. 

Dĩ nhiên có những người tốt vô điều kiện, hoàn toàn vô tư nhưng đây không phải nhóm làm nên nhận định rằng "người Nhật lúc nào cũng hiếu khách và tử tế". 

Thử giải mã quan điểm người Nhật luôn hiếu khách và tử tế: Suy nghĩ này từ đâu ra và có đúng không? - Ảnh 7.

(Ảnh: jpninfo)

* Một số trải nghiệm bất ngờ của người nước ngoài về người Nhật khi làm việc lâu năm ở đây, do MADAME RiRi tổng hợp, đăng trên Japan Today năm 2012:

- "Nếu bạn đến Nhật và nghĩ rằng mọi người đều ngọt ngào dễ thương, bạn sẽ phải sốc nhiều lắm. Đó là trải nghiệm cá nhân của tôi, không có ở đâu mà mọi người đều ngọt ngào cả" (một anh người Ý).

- "Tôi sống ở Nhật được 3,5 năm. Nói chung có vẻ người Nhật hơi định kiến với người nước ngoài mà không có ngoại hình Á Đông. 

Ai cũng nghĩ người nước ngoài không biết nói tiếng Nhật. Tôi đã đến một cửa hàng bento 3 lần và lúc nào nhân viên cũng cư xử như thể tôi mù tịt tiếng Nhật vậy" (một anh người Bỉ).

- "Tôi nghĩ nền giáo dục Nhật Bản là lí do chính khiến người Nhật không cư xử với khách nước ngoài một cách tự nhiên. Họ có lẽ không nghiên cứu nhiều về các nền văn hóa khác, phải không?" (một cô người Mỹ).

- "Ban đầu, tôi vui lắm khi được khen 'Ồ anh dùng đũa giỏi quá', 'Anh nói tiếng Nhật tốt ghê'. Tuy vậy khi đã ở Nhật một thời gian dài, những lời này nghe như bị coi thường vậy" (một anh người Úc).

- "Không phải người Nhật nào cũng cư xử đặc biệt với người nước ngoài. Với những cựu du học sinh Nhật Bản chẳng hạn, họ đối với người nước ngoài cũng giống như cách người nước ngoài tương tác với người Nhật mà thôi. Có lẽ, mọi chuyện phụ thuộc vào mức độ mà người Nhật quen thuộc với văn hóa ngoại quốc" (một anh người Mỹ).

Đối với một đất nước có quá nhiều quy tắc sống và nhiều cá tính độc đáo như Nhật Bản, việc cùng tồn tại với những người khác luôn đòi hỏi nỗ lực lớn, và sự tử tế là một chiếc khiên bảo vệ. 

Chiếc khiên mang tên "tử tế" luôn xuất hiện trước mọi cuộc tương tác. Phía trước chiếc khiên ấy, bạn cảm thấy lòng tốt ngập tràn của người đối diện. 

Nhưng để bước ra sau chiếc khiên và chiếm được tình yêu thương, sự yêu thích thuần túy không còn lý trí của người Nhật - là điều vô cùng khó. 

Dĩ nhiên là với toàn cầu hóa, sự phát triển của công nghệ và giao thoa nhiều nền văn hóa, nhận định trên có thể không còn phù hợp trong vài năm nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại