Ngày nay, cá mập trắng được xem là hung thần của biển cả. Nhưng đã từng có thời điểm, đại dương được thống trị bởi các "đại cá mập" khổng lồ, to hơn cá mập trắng gấp 3 - 4 lần. Đó chính là Megalodon, ông tổ của cá mập trắng ngày nay.
Megalodon càn quét các đại dương vào khoảng 20 triệu năm trước. Chúng là loài cá mập lớn nhất trong lịch sử, với chiều dài lên tới 20m, kèm bộ răng sắc nhọn và lực cắn lên tới 18 tấn đủ để làm bẹp rúm một chiếc ô tô tầm trung.
Bảng so sánh kích cỡ của Megalodon (xám) với cá mập trắng (xanh lục) và con người
Nhưng rồi đột nhiên, số lượng Megalodon giảm dần và biến mất vào khoảng 2,6 triệu năm trước, chỉ còn lại các mẩu hóa thạch hiếm hoi được con người tìm thấy.
Các nhà sử học cho rằng có một sự kiện gì đó đã xảy ra, nhưng chính xác là chuyện gì thì đến bây giờ khoa học mới chính thức xác nhận được.
Một thời kỳ diệt chủng khiến quá nửa số sinh vật biển biến mất
Tùy theo cách gọi, lịch sử Trái đất đã trải qua khoảng 5 - 8 sự kiện diệt chủng hàng loạt, bao gồm "Đại diệt chủng" từ 252 triệu năm trước đã giết chết 96% tổng số loài vật trên thế giới. Trong số đó có cả Kỷ băng hà khiến nhiều loài "gần gũi" với chúng ta nhất là mamomoth và hổ răng kiếm biến mất.
Tuy nhiên mới đây, các chuyên gia từ ĐH Zurich (Thụy Sĩ) đã chính thức xác nhận một sự kiện diệt chủng xảy ra trước Kỷ băng hà, diễn ra ngay trên các đại dương. Đó là sự chuyển giao giữa 2 thời kỳ địa chất, khiến mực nước biển giảm xuống và nhiệt độ nước hạ thấp trên diện rộng.
Quá trình chuyển giao giữa 2 thời kỳ địa chất đã khiến cá mập Megalodon tuyệt chủng
Các bằng chứng hóa thạch cho thấy sự kiện này đã tiêu diệt một lượng lớn sinh vật biển, khiến 55% tổng số thú biển biến mất. 43% rùa biển bị tuyệt diệt, và 35% chim biển cũng chung số phận. Riêng với cá mập, chỉ 9% bị ảnh hưởng, có điều trong số ấy có cả Megalodon.
Thông qua các hóa thạch, nhóm chuyên gia cho rằng nhiệt độ và mực nước hạ thấp đã làm thay đổi hoàn toàn sự đa dạng sinh học ven biển - yếu tố vừa đủ để châm ngòi cho một sự kiện đại diệt chủng mà ngay cả quái vật đáng sợ nhất đại dương thời kỳ ấy cũng không thể trốn thoát.
"Nghiên cứu cho thấy sự đa dạng sinh học đối với các sinh vật khổng lồ thời xưa rõ ràng rất nhạy cảm với sự thay đổi từ môi trường," - trích trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn lo ngại về khả năng một cuộc đại diệt chủng mới sẽ xảy ra - hậu quả từ quá trình biến đổi khí hậu do con người tác động.
Nguồn: Seeker