Theo khuyến cáo, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/ người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại (thông tin đưa ra trong Hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường ngày 5-6/7/2022, tại Ninh Bình).
Trước đó, trong một cuộc điều tra thực hiện năm 2021, tại Việt Nam trong vòng 30 ngày, có tới 64% nam giới và 10% nữ giới có uống rượu bia. Bộ Y tế cho biết rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Hậu quả và tác hại của rượu bia là rất lớn tới sức khoẻ, dù được rất nhiều chuyên gia cảnh báo những vẫn còn sự thờ ơ, coi nhẹ.
BS.CKI Nguyễn Văn Cương, Trưởng khoa Nội tiêu hoá, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, cho biết trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, trung bình một ngày khoa tiếp nhận 8-10 người bệnh có vấn đề về sức khỏe như: viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hoá, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, loét dạ dày, viêm gan, xơ gan.... với nguyên nhân ban đầu đều do sử dụng bia rượu quá độ.
Bệnh nhân xuất huyết dạ dày do uống rượu. (Nguồn ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang liên tục tiếp nhận các ca bệnh xuất huyết tiêu hóa từ nhẹ đến nặng do lạm dụng bia rượu.
Điển hình trong đó có trường hợp anh H.V.Đ (48 tuổi, địa chỉ ở Ninh Sơn, Việt Yên, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng nôn ra máu liên tục, chướng bụng, chóng mặt, đi ngoài phân đen.
Theo lời người nhà kể lại, người bệnh có sở thích uống rượu và lạm dụng rượu trong nhiều năm. Đặc biệt dịp Tết vừa qua, khi tham gia nhiều bữa tiệc tùng, ăn uống… anh Đ đã uống rượu không kiểm soát.
Anh Đ được chẩn đoán xơ gan và giãn tĩnh mạch thực quản. Người bệnh được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản và được chỉ định nội soi can thiệp thắt giãn tĩnh mạch thực quản, truyền máu cấp cứu.
Bác sĩ Cương cho biết bệnh nhân Đ là trường hợp may mắn khi được cấp cứu, điều trị kịp thời, nếu không có thể gây sốc mất máu, tổn thương không phục hồi, dẫn đến tử vong.
Qua trường hợp của bệnh nhân Đ, bác sĩ Cương khuyến cáo khi có các dấu hiệu như: đau bụng nhiều vùng thượng vị, nôn máu đỏ hay đen, đại tiện phân máu kèm theo nặng mùi, mệt mỏi, ăn kém, khó tiêu, đau bụng, vàng da vàng mắt, chướng bụng… người bệnh nên đến ngay bệnh viện để thăm khám nhằm sớm phát hiện các vấn đề tiềm ẩn và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Cương cũng cho biết thêm: "Hiện nay, có nhiều phương pháp nội soi tiêu hóa hiện đại có thể giúp kiểm tra ống tiêu hóa, chụp cắt lớp vi tính, siêu âm, xét nghiệm máu… từ đó phát hiện sớm các tổn thương, giúp chẩn đoán bệnh nhanh chóng để điều trị kịp thời".
Cách bảo vệ dạ dày
Để có một sức khoẻ tốt, chuyên gia khuyên mọi người:
- Cần hạn chế rượu bia, ăn uống lành mạnh, đúng giờ, bổ sung các chất xơ, rau củ quả vào khẩu phần ăn hằng ngày, uống nhiều nước.
- Chú trọng tập luyện thể dục, thể thao hợp lý, điều độ để nâng cao sức khoẻ.
- Hạn chế thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, việc tránh nguy cơ bị viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, thủng dạ dày tránh stress rất quan trọng. Khi con người luôn ở trong thái tâm lý căng thẳng, các hormone từ tuyến yên sẽ kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid HCl hơn, đồng thời suy giảm miễn dịch tại chỗ (giảm dịch nhầy bảo vệ niêm mạc). Từ đó, tạo điều kiện để acid HCl trong dịch vị dễ dàng tiếp xúc và gây tổn thương niêm mạc dạ dày, hình thành các vùng viêm loét.