Thung lũng Silicon của người Indonesia
Nhà lãnh đạo Indonesia cho biết, mô hình thủ đô mới của nước này sẽ là nơi quy tụ các công ty công nghệ và sáng tạo bên cạnh các cơ quan đầu não của chính phủ. Ông Widodo muốn thủ đô mới, vốn chưa được đặt tên, trở thành nơi thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ cũng như các lĩnh vực số hóa.
Nằm trong một khu rừng ở East Kalimantan trên đảo Borneo, thủ đô mới của Indonesia được kỳ vọng sẽ là niềm tự hào của đất nước này với việc đưa các hệ thông công nghệ vào phục vụ các lĩnh vực công. Kế hoạch rời đô dự kiến sẽ tiêu tốn của chính phủ khoảng 33 tỷ USD.
Theo kế hoạch, việc xây dựng thủ đô mới sẽ bắt đầu vào năm tới. Tình trạng tắc nghẽn và ngập lụt là nguyên nhân chính khiến Indonesia rời đô khỏi Jakarta. Bên cạnh đó, kế hoạch mới cũng được kỳ vọng san bằng khoảng cách phát triển giữa các vùng của Indonesia, vốn bị ngăn cách bởi biển.
Theo ông Widodo, thành phố mới sẽ có những cơ sở giáo dục đẳng cấp thế giới, bệnh viện hiện đại, công viên thực vật và hỗ trợ tối đa cho hệ thống vận tải xanh bằng việc thúc đẩy cho xe điện hoạt động.
Trong khi nhà chức trách xác định thủ đô mơi được xây dựng trên khoảng đất 180.000 ha ở East Kalimantan, trung tâm hành chính nhà nước sẽ tọa lạc trên khoảng diện tích 10.000 ha và 30.000 ha khác được quy hoạch để bán cho các cá nhân và công ty với mức giá thấp hơn nhiều so với ở Jakarta hiện nay.
Từ vùng đất ngủ quên tới đô thị không ngủ
Vào ban đêm, khu vực được chọn làm thủ đô mới của Indonesia khá tĩnh lặng. Thỉnh thoảng, người ta nghe thấy tiếng xe tải chở than hoặc chở trái cọ di chuyển trong bóng tối. Tuy nhiên, kế hoạch rời đô của Indonesia sẽ biến nơi đây, từ một khu rừng ngập nước, trở thành đô thị toàn cầu.
Với dân số 260 triệu người, Indonesia là quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới. Việc khu vực này được lựa chọn thành thủ đô mới của Indonesia đã gây lo lắng cho người dân bản địa. Ipah, một bà mẹ đơn thân 18 tuổi, cho biết: "Thành phố Kalimantan – cách phần nhiều người dân Indonesia vẫn gọi toàn bộ phần lãnh thổ của Indonesia trên đảo Borneo, hiện nay là nơi yên bình và an toàn. Trong khi đó, thủ đô là nơi chẳng bao giờ ngủ. Có quá nhiều khói và tiếng ồn ở đó".
Với dân số hơn 10 triệu người, Jakarta nổi tiếng là một thành phố lớn, đông đúc, ô nhiễm và đang bị nhấn chìm. Trong khi đó, Borneo là nơi ít gặp thiên tai. Nó cũng nằm ở vị trí thuận lợi với các quần đảo lớn của Indonesia, giúp việc kết nối với thủ đô dễ dàng hơn cả về mặt chính trị và kinh tế.
Ông Bambang Brodjonegoro, Bộ trưởng bộ Kế hoạch Indonesia, cho biết: "Trong vòng 5 năm tới, chúng tôi nghĩ dân số thủ đô mới sẽ là 200.000 đến 300.000 người. Trong vòng 10 năm, dân số sẽ đạt 1 triệu và sau đó là 1,5 triệu".
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ bài học ở Jakarta, Indonesia tuyên bố sẽ quản lý sự phát triển của thành phố để nó không mở rộng ngoài tầm kiểm soát. Nói một cách bóng bẩy, ông Brodjonegoro nhấn mạnh thành phố 33 tỷ USD sẽ được xây dựng dựa trên tinh hoa về quản lý của Seoul, màu xanh của Singapore và sự độc lập của chính quyền với doanh nghiệp như Washington. Thủ đô mới nằm cách Jakarta 1.300 km về phía đông bắc.
Giấc mơ lâu dài
Việc vùng đất này được chọn làm thủ đô mới khiến khá nhiều người dân hào hứng. Họ tin rằng quyết định của chính phủ sẽ giúp các trường học trong khu vực tốt hơn, đường được trải nhựa sạch sẽ hơn, nước sạch được cung cấp và lưới điện ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những nỗi lo như của Ipah là điều không tránh khỏi.
Người ta lo lắng tình trạng đầu cơ sẽ đẩy giá đất lên cao cùng với việc tập trung quá nhiều người sẽ khiến tìm việc làm trở nên khó khăn hơn bên cạnh việc phá hủy môi trường. Hiện tại, tờ báo địa phương Tribun Kaltim cho biết giá đất trong khu vực này đã tăng gấp 4 sau thông báo lựa chọn nó làm thủ đô mới của chính quyền.
Tuy nhiên, ông Bagus Susetyo, chủ tịch hiệp hội bất động sản Indonesia, cho biết các doanh nghiệp lớn không mua đất và đẩy giá chúng lên cao bởi họ có những quỹ đất lớn ở khu vực Balikpapan gần đó.
Bên cạnh những nguy cơ với con người, khu vực East Kalimantan còn được biết đến là nơi trú ngụ của nhiều loài linh trưởng và động vật quý hiếm. Giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Brodjonegoro nhấn mạnh không ngôi nhà nào được phép xây dựng trong khu vực rừng được bảo tồn. Bên cạnh đó, chính phủ cũng có kế hoạch trồng lại rừng ở những khu mỏ bỏ hoang hoặc những đồn điền cọ bất hợp pháp.
Ông Brodjonegoro lấy ví dụ về khu bảo tồn gấu trúc khổng lồ ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc để trấn an các nhà hoạt động vì môi trường về kế hoạch mới của chính phủ.
Số phận của các loài linh trưởng là vấn đề đặc biệt nhạy cảm ở Indonesia. Đó chính là biểu tượng cho cuộc chiến giữa các nhà bảo tồn thiên nhiên hoang dã với ngành công nghiệp dầu cọ lớn nhất thế giới ở quốc gia này. Các nhà bảo tồn vẫn khăng khăng rằng việc chuyển thủ đô tới East Kalimantan chắc chắn sẽ gây những tác động nhất định.