Theo hãng tin AP, thủ đô mới mang tên thủ đô quốc gia Nusantara, nhằm thay thế cho thủ đô hiện nay là Jakarta, mà theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo là đã quá tắc nghẽn, ô nhiễm, dễ xảy ra động đất và đang chìm nhanh xuống biển Java.
Quá trình xây dựng đã bắt đầu từ giữa năm 2022, với dự án trải rộng trên diện tích gấp đôi TP New York - Mỹ. Giới chức Indonesia chủ trương tạo ra một thành phố xanh tương lai với điểm nhấn là rừng, công viên, sản xuất lương thực bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải thông minh và các tòa nhà xanh.
Mô hình kỹ thuật số do chính phủ chia sẻ cho thấy thành phố được bao quanh bởi rừng, vỉa hè rợp bóng cây, các mái tòa nhà phủ đầy cây cối...
Kiến trúc các tòa nhà được lấy cảm hứng từ tháp đô thị hiện đại kết hợp với kiến trúc truyền thống, như Dinh Tổng thống mang hình chim garuda - loài chim thần thoại là biểu tượng quốc gia của Indonesia - cùng các tòa nhà khác thể hiện phong cách kiến trúc của các nhóm dân tộc thiểu số trên quần đảo.
Bộ trưởng phụ trách các công trình công cộng và nhà ở của Indonesia, ông Basuki Hadimuljono, cho biết hồi tháng 2 rằng cơ sở hạ tầng của thành phố đã hoàn thành khoảng 14%. Việc xây dựng các tòa nhà quan trọng như Dinh Tổng thống dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2024.
Hiện có khoảng 7.000 công nhân đang xây dựng những kết cấu đầu tiên của dự án. Indonesia cũng cung cấp một trang web mà bản đồ tân thủ đô sẽ hiện ra với nhiều mã QR, quét vào sẽ hiển thị hình ảnh 3D dự kiến của khu vực đó.
Chính phủ cũng cam kết xây dựng một "thành phố trong rừng bền vững", trong đó đặt môi trường ở trung tâm và nhắm đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045.
Dù vậy, một số nhà hoạt động môi trường vẫn bày tỏ lo ngại rằng việc xây dựng đô thị giữa rừng sẽ ảnh hưởng lớn đến khu vực, vốn là một trong những khu rừng mưa nhiệt đới lâu đời nhất thế giới. Công trình cũng được cho là cắt qua một hành lang động vật hoang dã quan trọng mà chưa có biện pháp di dời phù hợp.