Gần như ai cũng biết thủ đô Brussels - Bỉ đầy rẫy gián điệp và đây được xem là một phần cuộc sống ở thành phố này. Giờ đây, cuộc chiến đối phó gián điệp của Bỉ lại trở thành tâm điểm chú ý sau khi quan hệ Liên minh châu Âu (EU) - Nga leo thang căng thẳng, hoạt động do thám của Trung Quốc và cạnh tranh địa chính trị gay gắt.
Vấn đề là, như giới chức Bỉ thừa nhận, nỗ lực chống gián điệp của họ vẫn chưa đủ mạnh bởi một số yếu tố. Trước hết, không ai biết rõ có bao nhiêu điệp viên đang hoạt động tại Brussels, thủ phủ của Liên minh châu Âu (EU). Khi được hỏi về vấn đề này, giới chức an ninh Bỉ nói đùa rằng họ sẽ rất vui nếu ai đó có thể tìm ra con số này.
Theo trang Politico, một số quốc gia như Mỹ hoặc Úc yêu cầu những người làm việc vì lợi ích của nước ngoài phải đăng ký, từ đó phần nào nắm được những nỗ lực tác động đến tiến trình chính trị trong nước. Tuy nhiên, Bỉ không có quy định nào như thế.
Bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở thủ đô Brussels - Bỉ. Ảnh: Reuters
Mục tiêu do thám cũng là thách thức khác. Brussels là nơi đặt trụ sở các cơ quan EU, NATO, khoảng 100 tổ chức quốc tế khác và khoảng 300 phái bộ ngoại giao nước ngoài. Khoảng 26.000 nhà ngoại giao được đăng ký chính thức và giới chức an ninh Bỉ ước tính 10-20% trong số này là nhân viên tình báo.
Ngoài ra, công việc tại các cơ quan học thuật hoặc tổ chức nghiên cứu cũng là vỏ bọc tốt. Truyền thông Bỉ từng đưa tin một một nghiên cứu sinh tiến sĩ người Trung Quốc bị trục xuất khỏi nước này vì cáo buộc gián điệp năm 2021.
Trách nhiệm phát hiện gián điệp tại Brussels chủ yếu dựa vào giới chức nước chủ nhà. NATO và một số cơ quan của EU, như Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu...có lực lượng an ninh riêng để bảo vệ trụ sở, ngăn điệp viên xâm nhập và tiếp cận tài liệu mật. Tuy nhiên, EU không có cơ quan tình báo chung hoặc tổ chức điều phối hoạt động của lực lượng tình báo các quốc gia thành viên.
Các lãnh đạo NATO và EU tại trụ sở NATO ở thủ đô Brussels - Bỉ hôm 10-1-2023. Ảnh: Reuters
Đã xuất hiện lời kêu gọi lập một cơ quan điều phối như thế, giống Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). "Một cơ quan tình báo ở cấp độ châu Âu là hợp lý để bảo vệ lợi ích chiến lược của châu lục này. Nguy cơ gián điệp là hiện hữu và không thể bị bỏ qua" - nghị sĩ Bỉ Samuel Cogolati lập luận.
Dù vậy, đây là vấn đề nhạy cảm với một số thành viên EU bởi họ chưa sẵn sàng chia sẻ thông tin. Trong lúc đợi sự hợp tác này thành hiện thực, chịu trách nhiệm chính là Cơ quan An ninh Quốc gia và cơ quan tình báo quân sự của Bỉ. Họ hợp tác với các cơ quan phản gián thuộc 80 quốc gia để truy tìm điệp viên.
Bỉ không xa lạ gì với hoạt động đối phó gián điệp. Khi trụ sở NATO chuyển từ thủ đô Paris - Pháp sang Brussels vào thập niên 60 của thế kỷ trước, Mỹ đã đề nghị Bỉ tăng cường năng lực phản gián do lo ngại ảnh hưởng của Liên Xô. Bỉ đã tăng thêm nhân sự cho lực lượng an ninh với hy vọng không trở thành "sân chơi" cho gián điệp.
Trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia Bỉ tai thủ đô Brussels. Ảnh: VK.com
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, phản gián không còn là ưu tiên hàng đầu và Bỉ gặp khó trong nỗ lực nói trên. Giờ đây, theo chiến lược an ninh quốc gia mới, chính phủ Bỉ muốn biến Brussels thành nơi không chào đón gián điệp nước ngoài.
Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Vincent Van Quickenborne cho biết luật mới được thông qua trao thêm quyền cho giới chức an ninh trong các cuộc điều tra phản gián. Số lượng nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Bỉ sẽ tăng gần gấp đôi lên 1.000 vào năm 2024. Số lượng nhân viên phụ trách phản gián cũng sẽ tăng theo dù con số cụ thể không được tiết lộ.
Ông Van Quickenborne dự kiến còn trình dự luật mở rộng định nghĩa gián điệp để tạo thuận lợi cho việc truy tố điệp viên. Dù vậy, một số người lo ngại những nỗ lực trên của Bỉ là chưa đủ. Một quan chức nước này thừa nhận nguồn lực của họ vẫn không bằng một số cường quốc.