"Thù của cha" và câu nói khiến Trần Hưng Đạo rưng rưng xúc động

Gabe |

Trước khi An Sinh Vương Trần Liễu qua đời, ông có dặn con trai Trần Quốc Tuấn nhất định phải lấy lại thiên hạ, trả thù cho cha. Hưng Đạo Vương ghi tạc trong lòng...

Lời trăn trối của cha

Trần Quốc Tuấn là con trai của An Sinh Vương (có những ấn bản ghi lại là Yên Sinh Vương) Trần Liễu, anh ruột của vua Trần Thái Tông. Sinh ra trong nhung lụa nhưng tuổi thơ của ông lại chẳng êm đềm.

Khi đó, thái sư Trần Thủ Độ ép cha ông phải nhường lại vợ mình là Thuận Thiên công chúa, lúc này đang mang thai của Trần Liễu, cho em trai là vua Trần Thái Tông. Từ đó, An Sinh Vương mang 1 nỗi hận to lớn trong lòng đối với em trai dù trần Thái Tông không chủ định nhưng lại thuận theo Trần Thủ Độ làm việc trên.

Mang nỗi hận mất cả vợ lẫn con, Trần Liễu tập hợp người ngựa chống lại nhưng không thành, may nhờ Trần Thái Tông thương anh, xin tha tội chết nên vẫn bình an. Nhưng từ đó về sau phải về đất Yên Sinh (nay thuộc Quảng Ninh) sống qua ngày.

Thù của cha và câu nói khiến Trần Hưng Đạo rưng rưng xúc động - Ảnh 1.

Nhưng nỗi hận mất vợ sao có thể nguôi ngoai, An Sinh Vương đi khắp nơi tìm thầy giỏi để bồi dưỡng cho con trai mình là Trần Quốc Tuấn với hy vọng 1 ngày nào đó có thể rửa được mối hận này cho mình.

Trần Quốc Tuấn vốn dĩ đã thông minh sáng dạ, càng lớn càng thể hiện tài năng hơn người, thông minh quyết đoán, văn võ song toàn. Càng thấy vậy An Sinh Vương càng có nhiều hy vọng. Trước lúc mất, Trần Liễu có gọi con lại và nói: "Con không vì cha mà lấy được thiên hạ thì cha chết xuống suối vàng sẽ không nhắm được mắt".

Cuộc họp bàn "đại sự" của gia tộc và cái kết bất ngờ

Sau này, khi đại quân Nguyên Mông đang uy hiếp nước ta, binh quyền có thể nói đều tập trung trong 1 tay của Trần Hưng Đạo. Trong lòng ông lúc này vẫn nhớ tới lời trăn trối của cha, bèn cho gọi 2 thủ hạ thân tín và các con xem nên làm thế nào.

Yết Kiêu và Dã Tượng, 2 đại tướng tài giỏi, lập nhiều công lao dưới trướng Hưng Đạo Vương suy nghĩ 1 hồi rồi đáp:

"Thưa đại vương, làm kế ấy tuy được phú quý 1 thời mà để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay đại vương há chẳng phải đủ phú quý rồi hay sao? Cứ như chúng tôi thì chúng tôi thề xin chết già làm gia nô chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu. Chúng tôi chỉ xin lấy người bán thịt dê tên là Duyệt (1) làm thầy mà thôi!", trích Giai thoại lịch sử Việt Nam.

Hưng Đạo Vương không ngờ, những kẻ gia thần lại có suy nghĩ cao thượng như vậy, xúc động đến phát khóc, hết lời ca ngợi.

Sau đó ông đem chuyện đó hỏi các con trai. Hưng Vũ Vương trả lời: "Dẫu khác họ cũng còn không nên cướp thiên hạ của nhau huống chi cùng 1 họ!". Chỉ thế thôi cũng đã rõ tâm lý của Hưng Vũ Vương.

Rồi Trần Quốc Tuấn hỏi người con khác là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng thì nhận được câu trả lời: "Cha thấy đấy, Tống Thái Tổ vốn là ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được cả thiên hạ".

Kết quả, Hưng Đạo Vương tức giận rút kiếm toan chém chết đứa con nghịch tử. Hưng Vũ Vương thấy vậy vội chạy đến chịu tội thay và xin tha nên Quốc Tảng mới thoát. Trần Quốc Tuấn dù đã đuổi và cấm đứa con bất hiếu quay lại nhưng vẫn không nguôi giận, Ông dặn Hưng Vũ Vương:

"Mày nhớ sau này khi ta chết, đậy nắp quan tài xong đã mới được cho Quốc Tảng vào viếng!".

Lời bình

Câu chuyện này đầu tiên cho ta thấy tấm lòng sắc son trung hiếu của Trần Hưng Đao với dân với nước. Dù ghi tạc lời dặn của cha nhưng ông vẫn tỉnh táo, phân biệt đúng sai, rạch ròi lễ nghĩa!

Nhưng đâu chỉ dừng lại ở đó, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn còn cho ta thấy cách dùng người, thử người và cả những đòn tâm lý vô cùng xảo diệu. Nếu không đặt bản thân vào thế xấu thì làm sao biết được lòng người gian trá, thẳng ngay như thế nào?

Con mình đẻ ra nhưng bất trung bất nghĩa cũng không coi bằng những kẻ gia thần như Yết Kiêu, Dã Tượng, bởi ông luôn đặt lợi ích quốc gia lên làm đầu. Ngàn năm hiếm có!

* Chú thích: 

(1) Thời Sở vua Chiêu Vương sau thời chạy loạn đã khôi phục được ngôi vị, thưởng cho nhiều người đi theo khi ông khó khăn. Riêng người bán thịt dê tên là Duyệt từ chối đủ mọi phần thưởng vua ban, với những lý lẽ thể hiện rõ sự khảng khái, trung nghĩa. Vua rất lấy làm nể phục.

* Tài liệu tham khảo:

- Giai thoại lịch sử Việt Nam - Kiều Văn - NXB tổng hợp tp. HCM - trang 162-165.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại