Ở Arizona, kể cả khi di chuyển ngay trong ngôi nhà của mình, bạn cũng có thể bắt gặp một vị khách không mời.
Vùng này rất nhiều bọ cạp, nhiều đến nỗi cư dân sống ở nơi đây thường phải phun thuốc diệt bọ cạp, giống như người ta phun thuốc diệt muỗi, gián. Loại thuốc này sẽ dụ bọ cạp ra ngoài và giết chết chúng.
Một điều thú vị mà ít người trong chúng ta biết rằng nọc độc bọ cạp là thứ chất lỏng đắt nhất thế giới. Mỗi lít nọc bọ cạp có thể được bán với giá khoảng 10 triệu USD, trong khi 1 gallon (khoảng 3,78 lít) nọc độc có thể được bán với giá hơn 37 triệu USD.
Thu thập nọc bọ cạp như thế nào
Để có thể có hàng lít nọc bọ cạp, người ta phải nuôi chúng với số lượng lớn trong các trang trại. Lấy ví dụ, ở Thổ Nhĩ Kỳ, có một trang trại nuôi 20.000 con bọ cạp với 12 nhân công.
Những nhân công làm công việc vắt nọc sẽ đến đây mỗi ngày và ngồi đối diện với một đồng nghiệp khác (người ta ghép đôi các nhân công vì lý do an toàn).
Từng nhân công sẽ làm việc một cách chậm rãi theo phương pháp đã xác định để thu từng giọt nhỏ nọc độc từ những con bọ cạp.
Vắt nọc độc bọ cạp là một công việc có bản chất nguy hiểm và nhân viên cũng thường xuyên bị đốt. Theo ước tính, bọ cạp là 1 trong 5 loài động vật nguy hiểm nhất trên thế giới, nên các cơ sở cũng phải luôn luôn có thuốc chống nọc độc của loài này.
Để vắt nọc, nhân viên dùng kẹp cao su để giữ một con bọ cạp. Đôi kẹp cao su này được nối với hai dây điện từ một chiếc ắc quy. Chiếc ắc quy được sử dụng để phát ra điện tích nhẹ, không làm tổn thương bọ cạp nhưng sẽ kích hoạt cơ chế tự vệ của bọ cạp, khiến nó giải phóng nọc độc. Nọc độc sẽ được hứng vào những ống nghiệm nhỏ.
Nọc độc bọ cạp giá trị như thế nào
Nọc độc bọ cạp chứa chất độc thần kinh — có tác dụng ngăn chặn các kênh ion kích hoạt dây thần kinh, đó là lý do tại sao nọc độc rất có giá trị.
Nọc bọ cạp cũng được sử dụng để sản xuất thuốc chống nọc độc, vốn cực kỳ tốn kém và cũng nhanh chóng bị hỏng.
Mỗi con bọ cạp chỉ tạo ra 2 miligam nọc độc mỗi ngày. Như thế, một trang trại chỉ thu được 2 gram mỗi ngày.
Nọc bọ cạp hiện còn đang được sử dụng để sản xuất mỹ phẩm và thuốc giảm đau. Sau khi được thu thập, nọc thường được đông lạnh (hoặc biến thành bột) rồi vận chuyển ra nước ngoài.
Cơ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ tự nhân giống bọ cạp vì việc tìm kiếm chúng trong tự nhiên là rất mất thời gian. Việc nuôi bọ cạp lấy nọc có phần dễ dàng hơn, vì bọ cạp cũng đẻ rất nhiều con.
Bọ cạp không phải là loài duy nhất
Không chỉ có bọ cạp, một số loài động vật khác cũng được nuôi với số lượng lớn để lấy chất lỏng từ chúng, chẳng hạn như sam biển được nuôi để lấy máu. Sam biển là một trong những loài lâu đời nhất trên trái đất. Chúng đã 445 triệu năm tuổi và được gọi là "hóa thạch sống". Trên khắp thế giới, có những trang trại nuôi sam biển khổng lồ, kiếm về rất nhiều tiền.
Máu sam biển sở hữu một loại siêu năng lực, chính là tế bào amip có khả năng tìm ra dấu vết vô cùng nhỏ của vi khuẩn và tiêu diệt chúng. Loại máu này đã cứu sống hàng triệu người.
Ngoài ra, các công ty dược phẩm cũng sử dụng máu sam biển để kiểm tra khả năng bị nhiễm bẩn ở các loại thuốc. Thực tế là mọi loại thuốc lâm sàng đều trải qua thử nghiệm này.
Ngoài bọ cạp và sam biển, có rất nhiều trang trại nuôi những loại động vật kỳ lạ khác, chủ yếu dành cho mục đích khoa học.
Thậm chí còn có những cách kỳ lạ hơn để kiếm tiền bằng chất lỏng từ động vật. Mới đây, một nhóm ngư dân ở Yemen đã thu thập được hơn 127kg chất nôn của cá voi và bán nó với giá 1,5 triệu USD. Chất nôn này được coi là "vàng nổi" vì trong đó có một chất đặc biệt là long diên hương, được hình thành từ xác động vật giáp xác – thức ăn mà cá voi ăn hàng loạt. Chất này được sử dụng để tăng độ bền lâu của nước hoa.
Thứ chất lỏng đó đã giúp nhóm ngư dân kia đổi đời. Họ trở nên giàu có hơn nhiều, tậu từ xe hơi đến nhà mới.
Lời kết
Thế giới này vốn rất phong phú với những nghề nghiệp mà người ta có thể không bao giờ tưởng tượng được.
Cái tên bọ cạp khiến nhiều người sợ hãi, nhưng hãy biết rằng hầu hết chúng không gây chết người. Chỉ có 30 trên 1500 loài bọ cạp thực sự có thể giết một người trưởng thành. Dù sao thì việc nuôi và lấy nọc bọ cạp cũng luôn cần bảo đảm an toàn ở mức tối đa.