Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 12/2023 đạt 208.000 tấn, trị giá 599 triệu USD, tăng mạnh 74% về lượng và 68% về trị giá so với tháng 11/2023, đồng thời tăng 5,4% về lượng và 40,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Kết thúc năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,6 triệu tấn (khoảng 27 triệu bao), giảm 8,7% so với năm 2022 nhưng kim ngạch thu về tăng 4,6% lên mức kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD. Đây là năm thứ hai liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt trên 4 tỷ USD.
Giá cà phê xuất khẩu tăng cao là nguyên nhân chủ yếu giúp cho xuất khẩu cà phê đạt kỷ lục mới về kim ngạch dù lượng xuất khẩu giảm. Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2023 đạt bình quân 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.
Cuối năm 2023, giá cà phê thế giới liên tục tăng và ghi nhận mức cao kỷ lục do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ các nước sản xuất hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, mối lo nguồn cung bị chậm khi tuyến vận tải hàng hải Âu – Á qua kênh đào Suez bị gián đoạn.
Dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Xu hướng giá tăng cũng được thể hiện trên sàn giao dịch London. Cụ thể, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2024, tháng 3/2024, tháng 5/2024 và tháng 7/2024 tăng lần lượt 21,9%, 15%, 13,6% và 12,8% (so với ngày 30/11/2023), lên mức 3.075 USD/tấn, 2.837 USD/tấn, 2.766 USD /tấn và 2.704 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022/2023.
Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu, đặc biệt là EU, năm 2024, ngành cà phê Việt Nam chú trọng nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là việc đáp ứng quy định chống mất rừng EUDR của EU.
Năm 2024: Xuất khẩu cà phê có thể đạt tới 5 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2024 dự báo có thể đạt mốc 4,6-5 tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta đã kín đơn hàng cho tới hết quý 1/2024. Để duy trì đà tăng trưởng này các doanh nghiệp, cà phê Việt Nam đã mở rộng thị phần sang một số thị trường mới, cùng với đó ở những thị trường quen thuộc như tại châu Âu, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước để đáp ứng những quy định mới.
Để giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu, trong năm 2024, Hiệp hội Cà phê - Ca cao sẽ nỗ lực để ngày càng nhiều doanh nghiệp thành viên đạt các chứng nhận sản xuất hữu cơ như chứng nhận Organic, Liên minh Rừng mưa (Rainforest Alliance) hay UTZ.
Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.
So với các nước sản xuất cà phê trên thế giới, diện tích cà phê của Việt Nam đứng thứ 6, sau các nước: Brazil tổng diện tích gần 1,9 triệu ha, Indonesia tổng diện tích trên 1,2 triệu ha, Colombia và Ethiopia hơn 800.000 ha, Bờ Biển Ngà gần 800.000 ha.
Trong danh sách "10 loại cà phê được đánh giá tốt nhất thế giới" của TasteAtlas, cà phê đá của Việt Nam được xếp hạng đầu tiên cùng với ristretto của Ý.
Với hương vị đậm đà đặc trưng, cà phê Việt Nam đã chiếm được cảm tình của rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới. Hạt Robusta được sử dụng để làm nhiều loại đồ uống được coi là "đặc sản của Việt Nam". Cà phê sữa đá là một trong số đó.
Theo Traveller.com.au, cà phê Việt Nam được pha chế không giống bất kỳ nơi nào khác. Không cần máy móc phức tạp hay phải là chuyên gia pha chế đồ uống, người pha cà phê sẽ đổ nước nóng vào phin nhỏ đựng những hạt cà phê đen đậm đặc ở trên của ly.
Chất lỏng màu đen sau đó nhỏ giọt qua bộ lọc đó và rơi xuống sữa đặc, ngọt, tạo ra một thức uống tuyệt vời. Tùy theo sở thích, người uống có thể thêm đá. "Chỉ cần thêm một ít đá viên, khuấy đều là bạn đã có một món ngon tuyệt vời", trang này viết.
Thói quen uống cà phê từ lâu đã trở thành nét văn hóa ở Việt Nam. Cùng với trà, cà phê là thức uống không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân.