Thót tim trên những cây cầu nguy hiểm

H.T.N- Nguyễn Thảo |

Krông Bông là huyện có nhiều cầu nhất tỉnh Đắk Lắk. Những năm trước, do thiếu cầu, nhiều điểm dân cư phải tự kéo cáp đu dây qua sông dẫu biết đầy bất trắc. Kiểu làm xiếc bất đắc dĩ tự phát này đã bị chính quyền cấm tiệt. Tuy nhiên, người dân vẫn phải mỗi ngày qua sông trên những cây cầu cả cũ lẫn mới không kém phần nguy hiểm.

Cầu hỏng nhanh vì xe quá tải

Chúng tôi về thôn Noh Prông (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk), nơi trước đây người dân phải dựng cầu tạm qua sông Krông Na để ra trung tâm xã.

Các thầy cô giáo mỗi ngày chòng chành trên chiếc ghe nhỏ vượt sông đến trường. Giờ đây, giữa trùng điệp núi đồi, hiện ra một cầu treo dây võng mới, dài 120m, rộng 2,7m, bề mặt cầu được đóng bằng gỗ, nối thôn 1 với thôn Noh Prông, xã Hòa Phong.

Công trình cầu treo Noh Prông nằm trong Dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do, được nhà nước đầu tư 4,6 tỷ đồng. Cầu được khởi công từ năm 2011, dự kiến làm xong năm 2013. Nhưng mãi đến đầu năm 2017 đơn vị xây dựng mới hoàn thành.

Ông Hoàng Văn Bằng, trưởng thôn Noh Prông chia sẻ: Từ ngày cầu treo mới được bàn giao đưa vào sử dụng, người dân ở đây rất phấn khởi.

Việc đi lại của giáo viên và hơn 2.000 hộ dân thôn Noh Prông, thôn Ea Khiêm, xã Hòa Phong thuận lợi hơn. Nông sản không còn bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, mới chỉ dùng được thời gian ngắn mặt cầu đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ván lót cầu gãy tạo thành nhiều lỗ hổng khá lớn, phần nẹp sắt bị bung ra rất dễ gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện.

Một số người dân cho biết: Trên cầu ghi rõ trọng tải 2,2 tấn, nhưng có những xe 6-7 tấn hàng vẫn qua cầu. Thanh sắt do đơn vị thi công hàn để ngăn xe quá tải cũng bị đập gãy.

Với mật độ lớn xe quá tải liên tục qua cầu, chẳng mấy chốc cầu đang xuống cấp.

Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết: Ngay sau khi nhận được phản ánh của nhân dân về sự xuống cấp nghiêm trọng của mặt cầu treo Noh Prông, UBND huyện đã chỉ đạo đơn vị thi công tiến hành sửa chữa mặt cầu, thay thế các thanh gỗ, ván không bảo đảm chất lượng, bị mục.

Đến nay đơn vị thi công đã sửa chữa, khắc phục xong.

UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng làm những thanh chắn vừa đủ cho xe từ 2,2 tấn trở xuống, UBND xã vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ cầu nhằm phục vụ việc lưu thông của người dân trong vùng được lâu dài và an toàn.

Những cây cầu sắp… chết

Cầu treo buôn Khóa (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) dài 80m, rộng 2,8m.

Mặt cầu được thiết kế bằng gỗ, thành cầu đan bằng sắt bắc qua dòng sông Ea Krông Bông, xây dựng vào năm 2005 với tổng kinh phí 5,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, do UBND huyện Krông Bông làm chủ đầu tư.

Hiện nay, trên mặt cầu những tấm ván gỗ được chắp vá đã mục nát, bung lên rời rạc thành từng đoạn dài. Nhiều thanh sắt của lan can cầu bị gãy rời.

Ông Hùng Xuân Thành (xã Cư Pui) cho biết: Cầu buôn Khóa nối trung tâm xã Cư Pui với 6 thôn khác phục vụ cho hơn 1.000 hộ dân.

Đây là cây cầu duy nhất cho bà con qua lại, do cầu sử dụng lâu năm nên mặt cầu gãy mục, mùa mưa đi lại khó khăn, nguy hiểm.

Vất vả nhất là đến vụ mùa vận chuyển nông sản, bà con phải chia nhỏ ra nhiều lần để chở nhưng mỗi lần đi qua cầu rung lắc rất mạnh. Bà con mong chính quyền quan tâm sửa chữa cầu để người dân đi lại được an toàn.

Để đảm bảo lưu thông, xã Cư Pui đã trích ngân sách 40 triệu đồng, huy động người dân đóng góp thêm tiền ngày công để vá cầu. Tuy nhiên, sửa chỗ này, cầu hỏng chỗ khác.

UBND huyện Krông Bông đã chỉ đạo Phòng Kinh tế - hạ tầng xuống kiểm tra thực tế, dự kiến thay thế mặt cầu bằng sắt, thép để đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời rà soát tất cả những cây cầu xuống cấp nguy hiểm khác để báo cáo lên cấp thẩm quyền có kế hoạch hỗ trợ sửa chữa.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Thân Văn Duyên - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk xác nhận: Krông Bông là huyện có nhiều cầu nhất tỉnh Đắk Lắk. Trên các tuyến đường huyện có 19 cầu, trong đó 11 cầu treo.

Riêng 2 tuyến tỉnh lộ 9 và tỉnh lộ 12 cũng có tới 21 cây cầu. Đoạn đường Trường Sơn Đông qua huyện nay đã được công nhận là Quốc lộ, cũng mới khánh thành một cây cầu nữa.

Nhu cầu sửa cầu cũ, xây cầu mới của nhân dân là chính đáng. Tuy nhiên do ngân sách eo hẹp, nên huyện phải chờ, và phải cố gắng bảo vệ, bảo dưỡng tốt nhất những cây cầu đang có.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại