Thớt gỗ bị mốc là hiện tượng phổ biến mà bất kỳ gia đình nào cũng có thể gặp phải nếu không bảo quản đúng cách. Điều này không chỉ làm giảm tính thẩm mỹ và vệ sinh của dụng cụ đầu bếp mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) trả lời Nhịp sống Việt: "Dùng đũa gỗ, thớt gỗ bị mốc nói chung không tốt cho sức khỏe. Đũa gỗ, thớt gỗ bị mốc chứng tỏ khâu vệ sinh chưa được đảm bảo. Trong điều kiện ẩm ướt khiến vi khuẩn nấm mốc càng dễ sinh sôi, nảy nở. Nếu nấm mốc đi vào cơ thể có thể gây ra những phản ứng cấp tính như đau bụng, buồn nôn, nôn ói… Nói chung triệu chứng tương tự như bị ngộ độc thực phẩm."
Trên trang Sức khỏe đời sống, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Y học Hạt nhân (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thêm, nếu dùng thớt mốc sẽ dễ mắc bệnh lý cấp tính và ngộ độc. Các vết nứt và rãnh khác nhau sẽ xuất hiện trên bề mặt thớt, và một số cặn thức ăn nhỏ có thể bị lắng đọng trong các "vết nứt" này.
Với tình hình khí hậu nóng ẩm như đất nước ta, nhiều gia đình hiện nay cũng xây bếp khép kín khiến không gian có phần ẩm thấp , thiếu nắng. Do đó, tình trạng thớt bị mốc là điều khó tránh khỏi. Để đảm bảo an toàn, các gia đình cần lưu ý nên vệ sinh định kỳ.
Thông thường, nhiều gia đình chọn cách vệ sinh bằng nước ấm pha với xà phòng. Nước xà phòng nóng có thể rửa sạch thớt nhưng lại có thể khiến thốt gỗ bị khô quá, thậm chí cong vênh. Hãy sử dụng những nguyên liệu có sẵn trong nhà bạn mà rất thân thiện với con người.
1. Sử dụng muối và chanh
Muối và chanh là hai nguyên liệu sát khuẩn hiệu quả. Việc sử dụng chúng để làm sạch thớt không chỉ giúp loại bỏ vi khuẩn mà còn giúp khử mùi hôi từ thớt. Muối có tính mài mòn nhẹ, giúp cọ sạch các vết bẩn cụ thể, trong khi chanh với axit citric có khả năng diệt khuẩn và tẩy rửa.
2. Sử dụng hỗn hợp giấm và baking soda
Giấm và baking soda là sự kết hợp hiệu quả để làm sạch thớt mốc. Giấm với tính axit có thể sát khuẩn và ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc, còn baking soda có khả năng làm sạch các vết cắt sâu trên bề mặt thớt, nơi mà mụn mốc có thể tích tụ.
3. Sử dụng baking soda
Baking soda có thể được sử dụng đơn lẻ để làm sạch thớt. Nó không chỉ giúp làm sạch vết mốc mà còn có khả năng loại bỏ mùi hôi. Một hỗn hợp baking soda và nước tạo thành một chất tẩy rửa nhẹ, có thể làm sạch các vết mốc mà không làm hại bề mặt gỗ.
Để ngăn ngừa thớt bị mốc, bạn cần lưu ý những điểm sau:
- Sau khi sử dụng, vệ sinh thớt ngay: Làm sạch thớt bằng nước ấm, sử dụng chất tẩy rửa nhẹ và sau đó rửa sạch lại với nước.
- Lau khô thớt sau khi rửa: Sử dụng khăn sạch để lau khô hoặc để thớt ở nơi có đủ không khí lưu thông để nó tự khô.
- Tránh ngâm thớt trong nước quá lâu: Điều này có thể làm cho thớt nứt và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Tránh để thớt ở nơi ẩm ướt: Nên cất giữ thớt ở nơi khô ráo và sạch sẽ.
Tổng hợp