Phần thứ ba trong loạt phim về Thor tiếp tục là câu chuyện chàng Thần Sấm xử lý các rắc rối trong nội bộ gia đình các vị thần Thần thoại Bắc Âu.
Trong khi đang mải mê cứu Asgard khỏi thảm cảnh tận thế Ragnarok được tiên đoán trước, Thor bất ngờ đụng phải người chị cả Hela (Cate Blanchet thủ vai).
Thêm một ác nhân chỉ thích giết chóc và tranh giành quyền lực xuất hiện trong gia đình khiến Thor lại phải xắn tay áo giải quyết.
Nhưng trước hết, để sống sót, Thor phải đánh thắng người đồng đội cũ Hulk trong một đấu trường sinh tử đặc biệt.
Thần Sấm thoát cảnh "thiếu muối"
Là thành viên chính thức của biệt đội Avengers nhưng dường như vị trí của Thor khá mờ nhạt so với các siêu anh hùng còn lại. Khi Iron man và Captain America đều sở hữu lượng fan đông đảo thì Thor lại luôn lu mờ trước cậu em trai Loki và bị đánh giá là kém nổi bật.
Dù cả hai phần phim đầu lần lượt do hai đạo diễn Kenneth Branagh và Alan Taylor chỉ đạo đều được đánh giá là tương đối tốt nhưng Marvel Studios vẫn mạnh dạn đẩy phần thứ ba của Thor ra khỏi lối mòn trước đó để tạo nên bước đột phá ở phần phim riêng cuối cùng.
Dưới bàn tay đạo diễn trẻ Taika Waititi, Thor: Ragnarok đã lột xác thành công cho Thần Sấm. Gạt phăng đi mái tóc dài đặc trưng và mối tình ủ ê với cô gái Trái Đất Jane Foster, Thor trong Thor: Ragnarok trở nên tươi mới và sôi nổi hơn hẳn.
Một Thần Sấm hoàn toàn mới, hài hước và duyên dáng đã sẵn sàng để "đốn tim" các fan nữ.
Bên cạnh đó, các nhân vật mới như nữ chiến binh Valkyrie, thần chết Hela cùng tuyến nhân vật cũ nhưng cá tính mới đan xen nhau khiến khán giả tiếp tục hào hứng khám phá thế giới của Thor dù đã là phần phim thứ ba.
Thần Sấm cắt tóc và lột xác trong Thor: Ragnarok.
Đỉnh cao giải trí của Marvel
Trao dự án cho vị đạo diễn chuyên trị dòng phim hài độc lập với chất trào phúng rất riêng, hài hước là yếu tố chủ chốt trong Thor: Ragnarok . Suốt hơn hai tiếng của bộ phim, Taika Waititi cài cắm "chất gây cười" ở khắp nơi, từ lời thoại đến tình huống khiến các tràng cười cứ vang mãi không dứt.
Cả Thor và Hulk đều được xây dựng tếu táo và đáng yêu đến bất ngờ so với các phần trước. Sự góp mặt của các vai cameo (vai diễn khách mời) như Doctor Strange, tác giả Stan Lee và đặc biệt là nam tài tử Matt Damon cũng góp thêm gia vị đầy thích thú cho phim.
Đến cả bản thân đạo diễn người New Zealand cũng không chịu "kém cạnh" đứng ngoài khung hình. Anh tham gia đóng vai Korg, một nhân vật được tạo nên bằng kỹ xảo máy tính với không ít câu thoại hài hước.
Người vào vai anh chàng "gạch đá" này chính là đạo diễn bộ phim.
Trong lần này, địa bàn hoạt động của Thor không chỉ dừng ở hành tinh quê nhà Asgard và Trái Đất. Phân nửa bộ phim lấy bối cảnh hành tinh Sakaar, một xứ sở chất đầy phế liệu nhưng được ông trùm Grandmaster xây dựng thành chốn giải trí và thác loạn hàng đầu vũ trụ.
Màu sắc rực rỡ và thế giới sôi động của Sakaar cũng góp phần làm Thor: Ragnarok bớt nghiêm túc và u tối hơn hai phần trước, phù hợp với tông giọng hài hước của bộ phim.
Ông trùm Grandmaster sẽ bày nhiều trò "quái dị" khiến Thor phải dở khóc dở cười.
Tuy nhiên, ở Thor: Ragnarok vẫn tồn tại vài điểm chưa hoàn thiện. Tiêu biểu là truyện phim hơi thiếu điểm nhấn, không để lại nhiều điểu ấn tượng mà chỉ hoàn toàn thuần túy giải trí. Bên cạnh đó, điểm yếu cố hữu của các phim trong vũ trụ điện ảnh Marvel là nhân vật phản diện kém sâu sắc vẫn lặp lại trong phần này.
Nhưng nhìn chung Thor: Ragnarok vẫn là một bom tấn xứng đáng để các khán giả mê phim chứ không riêng fan của thương hiệu Marvel móc hầu bao.
Đúng như đánh giá sớm của nhiều chuyên trang bình luận, Thor: Ragnarok là một trong những phim hài hước nhất của Marvel Studios từ trước tới nay và là phần hay nhất của loạt phim riêng về Thor.
Dàn nam thần đẹp như mơ, chất hài hước duyên dáng và kỹ xảo đã mắt trong Thor: Ragnarok chắc chắn sẽ thỏa mãn được kỳ vọng của khán giả.
Trailer Thor: Ragnarok