Vai trò của tuyến giao thông huyết mạch Bắc-Nam
Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là hành lang vận tải quan trọng nhất trong kết cấu hạ tầng giao thông cả nước với chiều dài 2.063km đi qua 32 tỉnh, thành phố, nối liền từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau; Hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng tác động đến hơn 62% dân số, đóng góp gần 66% tổng sản phẩm trong nước, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm là Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.
Với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra về đột phá kết cấu hạ tầng, phấn đấu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025, có 5.000 km vào năm 2030. Thời gian qua, hàng loạt cơ chế đặc thù đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng triển khai để bứt tốc tiến độ dự án như: cho phép chỉ định thầu xây lắp; cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc liên quan đến đánh giá tác động môi trường, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao mỏ vật liệu cho nhà thầu khai thác trực tiếp…
Nhờ đó, chỉ trong nửa nhiệm kỳ vừa qua (2021-2023), ngành giao thông đã tạo ra sự đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng. Nếu giai đoạn 2001-2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89km đường cao tốc;
Giai đoạn 2011-2020 đưa vào khai thác thêm 1.074 km thì chỉ trong nửa nhiệm kỳ qua, gần 600 km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác, nâng tổng số đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.729 km. Chỉ trong 3 năm, chiều dài đường cao tốc hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước.
8 dự án cao tốc Bắc-Nam thông xe năm 2023
1. Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45: Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng, khởi công ngày 30/9/2020, thông xe dịp 30/4. Toàn tuyến dài hơn 63 km, điểm đầu ở xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình và điểm cuối giao quốc lộ 45 tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, Thanh Hóa.
Cao tốc được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 80 km/h, tối thiểu 60 km/h, hiện chưa có trạm dừng nghỉ và làn dừng khẩn cấp. Phương tiện nếu gặp sự cố sẽ có các vịnh để khắc phục hư hỏng, mỗi vịnh cách nhau 4-5 km. Tuyến đường sau khi thông xe giúp rút ngắn thời gian từ Hà Nội về Thanh Hòa còn 2 giờ thay vì 3giờ như trước đây.
Điểm nhấn toàn tuyến là hai hầm xuyên núi Tam Điệp (TP Tam Điệp, Ninh Bình) và Thung Thi (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) cùng cây cầu Núi Đọ vượt sông Chu dài 1,9 km. Đây là cầu dài nhất trên cao tốc, tổng đầu tư khoảng 550 tỷ đồng.
2. Cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn: Dự án có chiều dài hơn 43 km, tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. Khởi công tháng 7/2021, dự án thông xe kỹ thuật dịp 2/9 và khánh thành ngày 18/10. Tuyến này kết nối với cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa) tại nút giao Tân Phúc, huyện Nông Cống và cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn.
Giai đoạn đầu, cao tốc được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí điểm dừng. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường sẽ có 6 làn xe, nền đường 32m, vận tốc thiết kế 100-120 km/h.
Điểm nhấn dự án là cầu vượt hồ Yên Mỹ trên tuyến chính, dài gần một km và là cầu vượt hồ dài nhất cao tốc Bắc Nam đến nay.
3. Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km, điểm đầu trùng với điểm cuối dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, thuộc xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; điểm cuối nối với cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tổng mức đầu tư dự án gần 7.300 tỷ đồng.
Giai đoạn một, tuyến có 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí điểm dừng. Giai đoạn hoàn chỉnh có 6 làn xe, nền đường 32 m, vận tốc thiết kế 100-120 km/h.
Đoạn cao tốc có một hầm xuyên núi là hầm Trường Vinh, dài 450 m với 6 làn xe cắt qua núi Mồng Gà tại ranh giới hai tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An.
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu cùng với cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn sau khi thông tuyến đã rút ngắn thời gian từ Thanh Hóa đi Nghệ An từ 3 giờ nếu đi Quốc lộ 1 xuống còn 1,5 giờ. Đi từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) sẽ chỉ mất 3,5 giờ thay vì khoảng 5 giờ như trước.
4. Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, khởi công ngày 30/9/2020, với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, thông xe sáng 29/4.
Công trình có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Bộ GTVT cho phép các xe chạy trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tốc độ tối đa 120 km/h và tối thiểu 60 km/h.
5. Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, tổng đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, thông xe từ ngày 19/5/2023.
Giai đoạn đầu dự án quy mô 4 làn xe, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh. Giai đoạn hoàn chỉnh, đường rộng 32 m, 6 làn xe, trong đó có hai làn khẩn cấp.
Tuyến đường được tính toán thu phí giúp hoàn vốn trong 16 năm 4 tháng, song thời gian và mức thu chưa được nhà đầu tư chốt. Đây là cao tốc đầu tiên cả nước áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) hoàn toàn, giúp tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc và giảm nhiên liệu.
6. Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100 km qua 4 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam) của tỉnh Bình Thuận, được thông xe hôm 19/5.
Giai đoạn một, mặt đường rộng 17m với 4 làn xe, vận tốc tối đa 80 km/h, chưa làm làn dừng khẩn cấp, mà chỉ có các điểm dừng khẩn cấp dài 270 m, rộng 2,5m, cách nhau 4-5 km. Thời gian qua tuyến đường thường xảy ra một số vụ tai nạn.
7. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km, đi qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Dự án được khởi công đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, điểm đầu nối với cầu Mỹ Thuận 2, điểm cuối tại cầu Chà Và, tỉnh Vĩnh Long.
Giai đoạn một của dự án có 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án đến nay đã hoàn thành trên 80% khối lượng, các nhà thầu đang tập trung huy động tối đa máy móc, nhân lực tổ chức thi công để kịp hoàn tất, khánh thành ngày 24/12 vừa qua.
Theo chủ đầu tư, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là khớp nối quan trọng cuối cùng của tuyến cao tốc hơn 120km từ TP HCM đi Cần Thơ. Công trình khi được khai thác sẽ giảm áp lực lớn cho quốc lộ 1, rút ngắn hơn 50 km từ TP HCM đến thủ phủ miền Tây, thời gian chỉ còn 2 giờ, thay vì gần 4 giờ như hiện nay.
8. Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, tổng chiều dài 6,61 km. Công trình có điểm đầu nối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; điểm cuối kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Dự án khởi công tháng 2/2020, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350m về phía thượng lưu. Trong đó, cầu chính dài hơn 1,9km, 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đây là dự án cầu dây văng lớn, phức tạp với nhịp chính dài 650 m; hai trụ tháp cao 125,5m; 128 bó cáp văng và 32 đốt đúc. Công trình được khánh thành, thông xe ngày 24/12.
Cầu Mỹ Thuận 2 khi hoàn thành sẽ kết nối hai đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP HCM đi Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, giúp giảm tải giao thông cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và Quốc lộ 1A.
Nối liền cao tốc Bắc-Nam tới tận mũi Cà Mau
Trước đó, sáng 1/1 - ngày đầu tiên của năm mới 2023, tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ và phát lệnh khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, đây cũng là những dự án còn lại của tuyến cao tốc Bắc –Nam phía Đông được thực hiện, nhằm hoàn thiện và nối thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến cà Mau.
Một năm sau ngày phát lệnh khởi công, đếm nay các dự án đang được triển khai đúng tiến độ, những khó khăn về vướng mặt bằng, thiếu mỏ vật liệu…đang được Bộ GTVT và các địa phương phối hợp với nhà thầu tháo gỡ. Tất cả các dự án đều cam kết về đích đúng tiến độ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, về triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Bộ GTVT đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tiến hành khởi công các tuyến đường vành đai vùng thủ đô Hà Nội, TP.HCM, các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Với tinh thần làm việc hăng say, xuyên lễ, xuyên Tết, vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, chỉ tiến không lùi, ba ca bốn kíp, không ngừng nghỉ ngày đêm sớm tối của toàn ngành GTVT, chỉ trong nửa nhiệm kỳ đầu đã hoàn thành trên 730km đường cao tốc.
"Năm nay, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án, cuối năm kết thúc 4 dự án góp phần hoàn thành 20 dự án đưa vào khai thác, sử dụng. Trong quá trình làm đã giữ được tinh thần: Vướng mắc cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ, Vướng mắc ở đâu, ở đó phải tháo gỡ, ngay và luôn", Thủ tướng nói và lấy ví dụ, tháng 4/2023, khi đi kiểm tra cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, lúc đầu kế hoạch chỉ có 2 làn, sau quyết tâm nâng lên 4 làn nhưng vẫn phải giữ đúng tiến độ.
Đánh giá cao tinh thần bám sát thực tiễn, xử lý ngay và luôn những vướng mắc, kịp thời đúng lúc đúng thời điểm của Bộ GTVT khi đã hoàn thành và đưa vào khánh thành tuyến cao tốc này vào cuối năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam tới tận Đất Mũi thay vì đến TP Cà Mau như quy hoạch hiện nay.
"Trong nhiệm kỳ này phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam tới Cà Mau và sẽ tiếp tục triển khai cao tốc tới tận mũi Cà Mau, thay vì TP Cà Mau như quy hoạch hiện nay (dự kiến khoảng 70km nếu đi theo tuyến ngắn nhất, thẳng nhất)", Thủ tướng nói.
Liên quan nội dung này, Bộ GTVT đang lấy ý kiến về dự thảo điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông sẽ dài 2.153 km, từ 4 đến 10 làn xe, tăng 90 km so với quy hoạch hiện nay. Tuyến đường bắt đầu từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), bổ sung đoạn Cà Mau - Đất Mũi dài 90 km, 4 làn xe, đầu tư trước năm 2030.
Theo đơn vị lập quy hoạch, dự báo lưu lượng đến năm 2030 đoạn Cà Mau - Đất Mũi khoảng 18.300-20.100 xe con quy đổi mỗi ngày đêm nên cần hình thành tuyến cao tốc 4 làn xe để đồng bộ với đoạn Cần Thơ - Cà Mau.