Thông tư số 20/2011/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 12/5/2011 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016 vừa qua. Hiện tại, việc duy trì hay bãi bỏ thông tư này đang là câu chuyện gây tranh cãi.
Thời gian qua, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam (VIVA) bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về tác động tiêu cực tới quyền lợi của người tiêu dùng nếu Chính phủ chưa có biện pháp ban hành nghị định thay thế.
Trong khi đó, ý kiến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa… lại ủng hộ phương án bãi bỏ Thông tư 20.
Bộ Công Thương mới đây cũng cho biết, đã báo cáo xin ý kiến Chính phủ, đồng thời đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 20, để làm rõ những quy định tại thông tư này là thủ tục hành chính hay điều kiện kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà, Thông tư 20 ra đời mang tính kế thừa theo Nghị quyết 11 với mục tiêu hạn chế nhập siêu. Tuy nhiên, muốn hạn chế nhập siêu là giảm lượng xe nhưng mục tiêu của Thông tư 20 không đạt được vì số lượng xe vẫn tăng.
“Theo tính toán, năm 2015 số lượng xe nhập tăng gấp 3 lần năm 2011. Do vậy mục tiêu của Thông tư 20 đề ra đã hoàn toàn không đạt được. Ngoài ra, một số quy định của Thông tư 20 còn gây ảnh hưởng rất nhiều vấn đề cho người tiêu dùng”, ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, từ khi có Thông tư 20, các hãng xe nước ngoài đã tìm cách ép giá, tăng điều kiện, ép số lượng đối với các nhà nhập khẩu của Việt Nam khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu xe của Việt Nam hoàn toàn ở thế bị động.
Trong khi đó, lợi ích của người tiêu dùng hay nói đúng hơn lừa sự lựa chọn của người tiêu dùng hoàn toàn bị hạn chế.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Dư Khương, Giám đốc chi nhánh Porsche tại Hà Nội cho rằng, nếu tiếp tục duy trì Thông tư 20, người tiêu dùng sẽ không được lựa chọn.
Trong khi đó nếu đứng theo quan điểm của người dân, người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn, có quyền chọn xe rẻ hơn mức giá xe hiện nay.
Cho rằng Thông tư 20 nên để hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016, TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) bày tỏ, sẽ rất sai lầm khi để thuế xuất nhập khẩu chiếm 20-25% tổng thu nhập thuế nhà nước.
Nhà nước muốn cân bằng thu nhập lại tăng thuế nhập khẩu, dùng thuế nhập khẩu để cân bằng ngân sách nhưng điều này gây ra bất công bằng với người tiêu dùng.
“Đây là lý do ô tô nhập khẩu Việt Nam nằm trong những nước có giá cao nhất thế giới. Tất cả những khập khiễng vừa rồi là do chúng ta không quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng.
Nếu hội nhập mà chỉ chú ý đến lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp thì đó là sai lầm nghiêm trọng. Bất kỳ hoạt động nào cũng phải chú đến lợi ích của người tiêu dùng, nhân dân”, TS. Nguyễn Mại chỉ rõ.
Phân tích về quyền lợi của các bên gồm người tiêu dùng, nhà nước và doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc chi nhánh Audi tại Hà Nội cho rằng, nếu có Thông tư 20, giá xe sẽ rất rõ ràng bởi tất cả sẽ được niêm yết, khách hàng không phải lo giá xe bị biến động theo thị trường và hoá đơn rất đầy đủ.
“Khi không được mua xe chính hãng, người tiêu dùng sẽ là đối tượng bị thiệt hại dù phải bỏ ra số tiền tương đương. Các hãng xe chính hãng có mạng lưới bảo hành theo đúng tiêu chuẩn và trang thiết bị đắt tiền, do đó, người tiêu dùng có thể được bảo hành chính hãng ở các tỉnh thành trên cả nước.
Người tiêu dùng khi mua xe chính hãng được hưởng chất lượng cao nhất và đảm bảo tính mạng an toàn giao thông, còn khi các xe không được bảo hành tốt thì sẽ không được hưởng tính an toàn cao nhất”, ông Dũng cho hay.
Với những phân tích như vậy, ông Dũng cho rằng, rất khó kiểm soát nếu để nhập khẩu xe ồ ạt, không có sự quản lý và đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trong khi đó, nhà nước thu thuế từ Thông tư 20 là lành mạnh hóa, thu thuế tốt hơn, đầy đủ hơn, quản lý tốt hơn, doanh nghiệp mua xe về sẽ dễ dàng khấu trừ thuế hơn.
Còn theo quan điểm của ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban Chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA), Thông tư 20 ra đời đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn giao thông, môi trường.
Xe ô tô cần phải được duy trì tốt nhất trong quá trình sử dụng, do vậy cần có ủy quyền chính hãng.
“Nếu không có sự hỗ trợ chính hãng, các nhà phân phối trong nước khó đảm bảo được các điều kiện kỹ thuật, các nhà phân phối không chính hãng không thể thực hiện việc triệu hồi xe khi cần thiết.
Do vậy, theo quan điểm của VAMA, Thông tư 20 nên được nâng lên thành Nghị định và coi ngành nghề nhập khẩu ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, ông Tuấn đề xuất.