Tờ SCMP đăng tải, việc sử dụng tia laser năng lượng cao vào các ứng dụng phục vụ hải quân đang ngày càng được chú trọng tại các cường quốc quân sự, trong đó nổi bật là cuộc chạy đua giữa Trung Quốc và Mỹ.
Các vũ khí năng lượng định hướng (directed-energy weapon) dựa trên tia laser có chi phí thấp cho mỗi lần bắn và hầu như không bị giới hạn về ổ đạn. Chúng là một biện pháp hiệu quả để đối phó với tình huống nhiều tên lửa hoặc thiết bị không người lái tấn công cùng một lúc.
Một loạt quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Israel, Pháp, Đức và Nga từ lâu đều đã nghiên cứu loại vũ khí trên. Và các nước lớn đang đẩy mạnh tốc độ phát triển để giành được lợi thế sớm hơn đối thủ của mình.
Theo nhà bình luận quân sự tại Hong Kong là Song Zhongping, vũ khí laser nằm trong số những yếu tố có khả năng thay đổi tính chất của chiến tranh và có tầm quan trọng rất lớn.
"Một cuộc chạy đua vũ trang chuyên về vũ khí laser đã sớm bắt đầu", ông Zhong chỉ ra. "Mỹ có nền tảng công nghệ vững chắc hơn nhưng Trung Quốc đang nỗ lực để thu hẹp khoảng cách".
"Vũ khí laser cũng được coi là một biểu tượng quan trọng trong quá trình cải tổ của quân đội Trung Quốc, nhất là khi việc sử dụng chúng có thể thay đổi cách thức của chiến tranh trong tương lai", ông Zhong nói.
Một báo cáo công bố đầu tháng 8 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết, nước này bắt đầu nghiên cứu về năng lượng định hướng từ những năm 1960. Không ngạc nhiên khi hiện Mỹ đang dẫn đầu trong phát triển vũ khí laser
Hồi tháng 5, tàu USS Portland của Hải quân Mỹ đã thử nghiệm một vũ khí laser có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa trên không, trên biển và trên mặt đất tại Thái Bình Dương. Còn theo trang military.com, Hải quân Mỹ đã lắp đặt một vũ khí laser trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke là USS Dewey vào tháng 11/2019, tuy nhiên tin tức này chỉ được công bố chính thức vào cuối tháng 2 năm nay.
Vũ khí mới có tên viết tắt ODIN là sự kế thừa về mặt công nghệ của Hệ thống Vũ khí Laser (LaWS). LaWS được lắp đặt trên tàu USS Ponce từ năm 2014 và là vũ khí năng lượng định hướng đầu tiên của Mỹ.
Trang The Drive đăng tải hồi đầu tháng 7, Hải quân Mỹ dự kiến sẽ trang bị hệ thống ODIN cho 8 tàu chiến trong vòng 3 năm tới.
Đối thủ hàng đầu của Mỹ - Trung Quốc, cũng đang phát triển vũ khí laser trên cả tàu chiến hải quân và phi cơ chiến đấu. Vào cuối tháng 7, truyền thông nước Trung Quốc đưa tin, quốc gia châu Á đã lắp đặt trên các tàu chiến của mình các máy phát điện tối tân phục vụ cho vũ khí năng lượng cao như laser và súng điện tử railgun.
Mặc dù, quân đội Trung Quốc chưa tiết lộ chính xác loại tàu chiến được trang bị, nhưng giới phân tích cho rằng, đó nhiều khả năng là những tàu khu trục hiện đại nhất của nước này như tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 005.
Đầu năm nay, một văn bản từ quân đội Trung Quốc hé lộ, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể đang phát triển năng lực lắp đặt một loại vũ khí laser mới vào các phi cơ chiến đấu.
Trong khi những yêu cầu cụ thể của kế hoạch trên vẫn còn là một bí ẩn, gần như chắc chắn đó sẽ là một loại vũ khí tấn công chiến thuật mới, chứ không đơn giản chỉ là các thiết bị laser dẫn đường cho tên lửa hiện đang được sử dụng rộng rãi.
Các thiết bị laser trên không có thể sẽ xuất hiện tại các mẫu phi cơ chiến đấu của Trung Quốc như máy bay chiến đấu xuất phát từ tàu chở sân bay Shenyang J-15, máy bay hạng nặng J-20 và các máy bay hỗ trợ như máy bay vận tải hạng nặng Xian Y-20.
Những nỗ lực phát triển vũ khí laser của Mỹ và Trung Quốc đã dẫn tới những đối đầu giữa hai cường quốc.
Hồi tháng 2, Hải quân Mỹ thông báo, một tàu chiến của Trung Quốc đã bắn một vũ khí laser vào một trong các máy bay giám sát của Mỹ. Trong một cập nhật trên Instagram, Hải quân Mỹ gửi lời cảnh báo tới Trung Quốc rằng, "đừng có chơi bắn laser với chúng tôi".
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ cáo buộc Trung Quốc tấn công lực lượng của mình bằng vũ khí laser. Năm 2018, giới chức quân sự Mỹ cảnh báo phi công, một căn cứ không quân của Trung Quốc tại Djiboutin có thể nhắm bắn vào các máy bay chiến đấu của Mỹ bằng "tia laser cấp độ quân sự". Động thái này đã dẫn tới hành động phản đối ngoại giao từ Bắc Kinh.
Các quy định liên quan tới sử dụng vũ khí laser cũng đã được hình thành. Nhằm giúp tháo ngòi các cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai, năm 1995, Liên Hợp Quốc đưa ra Nghị định thư về Vũ khí Laser mù và chính thức có hiệu lực từ tháng 7/1998. Tính tới tháng 4/2018, nghị định thư đã nhận được sự nhất trí của 108 nước.
Văn kiện trên cấm việc sử dụng vũ khí laser được thiết kế đặc biệt (có chức năng chiến đấu duy nhất hoặc một trong những chức năng chiến đấu) để gây mù vĩnh viễn.