Cùng ngày cơ quan thông tấn Triều Tiên cũng phát đi thông báo Triều Tiên thử hạt nhân thành công và tuyên bố năng lực phát triển vũ khí hạt nhân của mình. Triều Tiên cũng khẳng định vụ nổ này được thực hiện sâu dưới lòng đất, hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến môi trường bởi hầu như không phát tán hạt nhân phóng xạ.
Liên quan đến sự kiện này các cơ quan thông tấn của nhiều quốc gia cũng đã đưa tin về vụ nổ thử hạt nhân của Triều tiên ngày 9/9 và nghi ngại rằng vụ nổ thử hạt nhân sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Thư ký chấp hành của CTBTO cho rằng Triều Tiên đã vi phạm quy định quốc tế đối với thử hạt nhân và kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các vụ nổ thử hạt nhân và xem xét việc phê chuẩn Hiệp ước CTBT.
Nhân dịp này ông cũng lưu ý rằng vụ nổ thử hạt nhân này cũng là lời cảnh tỉnh các quốc gia chưa phê chuẩn Hiệp ước nhanh chóng phê chuẩn Hiệp ước để Hiệp ước sớm có hiệu lực, góp phần vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, không vũ khí hạt nhân.
Các trạm quan trắc địa chấn của CTBTO đã ghi nhận rõ tín hiệu từ vụ nổ thử hạt nhân nói trên. Qua phân tích vị trí nổ thử lần này cũng gần với vị trí các nụ nổ trước đây mà Triều Tiên đã thực hiện trong năm 2006, 2009, 2013 và 1/2016.
Vụ nổ thử lần này có công suất lớn hơn vụ nổ ngày 6/1/2016 vừa qua. Theo một số chuyên gia Hoa Kỳ về hạt nhân, vụ nổ này có thể có công suất lớn hơn quả bom đã được thả xuống Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.
Hình 1: số liệu thu nhận được của một số trạm quan trắc địa chấn của CTBTO và vị trí của vụ nổ thử sau khi đã được Trung tâm dữ liệu quốc tế phân tích được công bố trong buổi họp báo ngày 9/9/2016 tại trụ sở của CTBTO tại Viên, Áo.
Về nguyên lý, sớm hay muộn, sau vụ nổ hạt nhân ngầm dưới lòng đất, phóng xạ sẽ rò rỉ vào trong khí quyển. CTBTO đang tích cực theo dõi dấu vết phóng xạ từ vụ nổ này. Theo các chuyên gia của CTBTO thời gian phát hiện được hạt nhân phóng xạ có thể sau nhiều ngày, một vài tuần, và có thể là một vài tháng.
Trung tâm dữ liệu quốc tế của CTBTO sẽ phân tích liên tục các số liệu thu thập được từ các trạm quan trắc hạt nhân phóng xạ xung quanh khu vực châu Á (Hình 2) và sẽ cập nhật và thông báo kết quả đến các quốc gia thành viên thông qua trang web bảo mật của CTBTO.
Hình 2: Các trạm quan trắc hạt nhân của CTBTO tại khu vực Châu Á của CTBTO
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thường xuyên theo dõi và cập nhật số liệu hạt nhân phóng xạ từ CTBTO liên quan đến vụ nổ thử hạt nhân của Triều Tiên ngày 9/9 và sẽ tiếp tục thông tin về các số liệu này khi có số liệu mới liên quan.