"Nếu Đức muốn giảm năng lực hạt nhân và làm suy yếu NATO, có lẽ Ba Lan – nước luôn sòng phẳng, hiểu được về các nguy cơ và đang nằm trên sườn phía đông của NATO – có thể sẽ tiếp nhận những năng lực đó", Đại sứ Georgette Mosbacher hồi cuối tuần vừa rồi cho biết.
Phát biểu trên được bà Georgette Mosbacher đưa ra sau khi ông Rick Grenell – Đại sứ Mỹ tại Đức cũng là quyền Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, lên tiếng kêu gọi giới chức ở Berlin không làm suy yếu năng lực của NATO bằng cách dỡ bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi lãnh thổ nước này.
"Mục đích của việc chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO là để các nước thành viên không có vũ khí hạt nhân tham gia vào chính sách răn đe của NATO. Sự tham gia của Đức bảo đảm tiếng nói của họ được lắng nghe.
Liệu Đức sẽ chia sẻ trách nhiệm này hay sẽ lùi lại và chỉ đơn giản hưởng những lợi ích kinh tế với an ninh được nước khác đảm bảo cho họ", Đại sứ Grenell đặt câu hỏi.
Nếu Ba Lan đồng ý để Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này thì đây sẽ là đòn giáng mạnh vào Nga trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đã đang ở trong trạng thái đối đầu gay gắt với nhau.
Việc Ba Lan có thể sẵn sàng thay thế Đức trở thành địa điểm triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ là diễn biến mới nhất trong hàng loạt bước đi mà nước này thực hiện nhằm chống lại Nga trong những năm gần đây.
Ba Lan là một nước thành viên NATO nằm gần với Nga và Ukraine. Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga.
Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong những năm vừa qua, Ba Lan đã thể hiện thái độ phản đối Nga mạnh mẽ, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga.
Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng với "sự can thiệp" của Nga vào Ukraine.
Song song với đó, trong thời điểm này, Mỹ cùng với phương Tây bị Moscow cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng để lấy cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực.
Moscow tin rằng, sự thổi phòng về mối đe dọa từ Nga đã khiến nhiều nước láng giềng Đông Âu và Baltic ra sức tăng cường sức mạnh quân sự cho nước họ đồng thời liên tục kêu gọi, thúc giục Mỹ và NATO tăng cường sự hiện diện quân sự đến khu vực xung quanh Nga.
Với lý do về mối đe dọa từ Nga, Ba Lan đã có nhiều bước đi, động thái khiến nước láng giềng Nga hết sức lo ngại. Ba Lan là nước được Mỹ và NATO chọn làm nơi lắp đặt các bộ phận trong hệ thống phòng thủ tên lửa được cho là nhằm vào Nga.
Ba Lan cũng là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc tập trận của Mỹ và NATO. Chưa hết, Ba Lan còn từng công khai tuyên bố, nước này đang đàm phán với Mỹ về khả năng đưa "kho vũ khí hạng nặng" của Washington đến đặt trên đất Ba Lan.
Lập trường và các hành động của Ba Lan khiến Nga thực sự tức giận và liên tiếp đưa ra những lời cảnh báo nghiêm khắc.