Đến ngày 31/8, lực lượng chức năng bước đầu xác định có hơn 11 tấn rác thải y tế nằm trong danh mục cực kỳ nguy hại. Do vậy, Cục QLTT tỉnh đang tiến hành đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật.
Tang vật thu giữ.
Qua công tác nghiệp vụ, vào chiều tối 24/8, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Cục QLTT tỉnh bất ngờ đột kích khu nhà ở công nhân tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, Bình Dương.
Tại đây, lực lượng chứng năng thu giữ hơn 47 tấn găng tay, đồ bảo hộ y tế đã qua sử dụng đang được cất giấu trong hơn 20 phòng trọ.
Trong đó, hơn 36 tấn găng tay y tế phế phẩm, đã qua sử dụng; một số đã phân loại, đang đóng thùng quy cách 5kg/thùng và một số chưa phân loại có dấu hiệu đã qua sử dụng; khoảng 127 túi xách không ghi nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu để tái chế găng tay y tế…
Theo xác minh ban đầu, bà B.T.P. (34 tuổi, quê quán Ninh Bình), chủ số hàng hóa vi phạm trên, là người buôn bán chuyên nghiệp.
Việc tổ chức hoạt động phân loại, đóng gói hàng trăm thùng găng tay y tế thành phẩm có nguồn gốc từ găng tay y tế đã qua sử dụng diễn ra trong nhiều tháng nay. Địa điểm được bà P. lựa chọn là một khu nhà ở công nhân, ít người qua lại, tránh bị nhòm ngó và thuận tiện cho việc lén lút hoạt động vi phạm.
Tại thời điểm kiểm tra, bà P. đã không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh. Bà P. khai nhận, toàn bộ số tang vật trên đều được thu gom, mua lại hàng phế phẩm ở các công ty.
Sau đó, tập kết về để tổ chức cho một số người làm gia công, phân loại đóng gói bán cho đối tác. Được biết, đây là vụ vi phạm liên quan đến hàng hóa, thiết bị và sản phẩm y tế lớn nhất từ đầu năm đến nay bị lực lượng chức năng tỉnh phối hợp bắt giữ.
Qua điều tra, cơ quan chức năng còn xác định, ngoài việc tổ chức cho các công nhân làm việc phân loại, đóng gói tại khu nhà ở, bà P. cũng thuê một số người dân sinh sống ở huyện Bàu Bàng nhận găng tay y tế đã qua sử dụng mang về làm tại nhà riêng.
Theo đó, bà P. thuê làm tại nhà riêng với giá khoảng 3 triệu đồng/tháng. Bằng việc giao một lượng găng tay y tế phế phẩm cho người dân về vuốt thẳng, loại bỏ những găng tay bị lỗi, rách nát rồi tập kết về khu nhà ở tại xã Lai Hưng để đóng gói.
Theo ông Trần Văn Tùng, quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, đánh giá: Từ việc người dân nhận găng tay y tế đã qua sử dụng mang về nhà gia công, phân loại, lực lượng chức năng tỉnh xác định đây là một trong những hàng hóa nguy hại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường nên đã tiến hành vận động người dân giao nộp lại.
Hiện, đã vận động được một số người dân giao nộp lại hàng trăm kg găng tay y tế đã qua sử dụng nhận của cơ sở vi phạm này.
Lực lượng chức năng tiếp tục tiếp nhận và tuyên truyền, vận động người dân tự giao nộp số lượng hàng hóa vi phạm để bảo đảm sức khỏe cho người dân, tránh việc vứt bỏ rác thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến hơn 47 tấn hàng hóa vi phạm trên, ông Tùng cho biết thêm: Đây là vụ vi phạm có tính chất nghiêm trọng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng và ngành chức năng để điều tra, xử lý.
Lực lượng QLTT tỉnh đã chuyển vụ việc đến cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, xác minh xử lý nghiêm.
Ngoài ra, Cục QLTT tỉnh xác định trong số hàng hóa vi phạm, có hơn 11 tấn rác thải y tế có chứa tác nhân lây nhiễm bệnh, cần phải tiêu hủy nên đơn vị đang làm văn bản đề xuất gửi đến UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo tiêu hủy sớm, tránh việc nguy hại ô nhiễm môi trường.