Vốn xuất thân từ “nghề” trộm cắp vặt, Tuấn “thần đèn” dần khẳng định vị trí “ông trùm” của mình, cầm đầu một ổ nhóm tội phạm với những cái tên “đình đám” mà người dân nghe tên cũng thấy “ngại”. Tuấn “ẩn thân” khá kỹ để che giấu hành vi nhưng cuối cùng cũng không thoát “lưới trời”.
Chân dung Tuấn “thần đèn”
Ở thời điểm hiện tại, Tuấn “thần đèn” được đánh giá là một trong những “ông trùm” có vai vế và tiếng tăm lâu đời nhất nhì ở Thanh Hóa.
Cùng thời với Tuấn, những cái tên “đình đám” như Tuấn “Minh Lộc”, Sinh “phiêu”... hay kể cả “đại ca” lớn tuổi như Hùng “máu” cũng đã dần dần biến mất khỏi giang hồ do người chết, kẻ nghiện ngập rạc rài hoặc đã mai danh ẩn tích không còn ảnh hưởng nữa.
Tuy nhiên, Tuấn “thần đèn’ vẫn giữ được “phong độ” của “ông trùm” từ những năm 90 với những chiêu trò làm ăn phi pháp. So với những “đại ca” lớp đàn em như Vi “ngộ” (Nguyễn Văn Vi, sinh năm 1981, trú ở phường Lam Sơn), Cường “gấu” (Lê Quang Cường, sinh năm 1985, trú ở phường Đông Hương) thì Tuấn vẫn “đi trước một bước” kể cả trong làm ăn cũng như quan hệ và ảnh hưởng xã hội.
Xuất thân từ trộm cắp vặt, sau vài lần vào tù ra khám, với bản tính côn đồ và máu liều lĩnh, Tuấn dần nổi lên với vai trò của một trùm côn đồ.
Tuấn khôn khéo hơn, biết lách vào những điểm sơ hở của pháp luật. Những năm 90, khi chính sách về khai thác khoáng sản còn chưa chặt chẽ, Tuấn tụ tập đàn em tổ chức khai thác quặng trái phép.
Từng xảy ra mâu thuẫn với nhiều nhóm giang hồ khác như Tuấn Anh, Tuấn Em... Khai thác quặng trái phép mặc dù nguy hiểm lắm nhưng lợi nhuận nhiều nên các nhóm giang hồ tìm cách xâu xé, thâu tóm nhau.
Các băng nhóm khác dần dần bị triệt tiêu hoặc bị lực lượng công an truy quét, bắt giữ nhưng Tuấn vẫn đứng khá vững vì khéo léo lách luật.
Khi chính sách về khoáng sản chặt chẽ, lực lượng công an truy gắt gao, thậm chí cắm chốt trong các mỏ quặng khiến việc khai thác trái phép khó khăn, dễ bị bắt nên Tuấn đành bỏ miếng mồi béo bở này chuyển sang lĩnh vực cho vay lãi nặng, cầm đồ, đòi nợ thuê, tổ chức đánh bạc...
Để phô trương thanh thế, Tuấn “thần đèn” thu nạp những kẻ đầu gấu, có tiền án, tiền sự để đe dọa, hành hung nạn nhân và thanh toán các đối thủ khác.
Thanh thế lớn dần, Tuấn chuyển sang cầm đồ, đặc biệt là làm “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng. Khi đến thời hạn người vay chưa trả, lập tức Tuấn sai đồng bọn đến bắt viết giấy vay tiền mới bao gồm cả tiền gốc và lãi.
Cứ như thế, người vay tiền bị “lãi chồng lãi” với mức tiền mới gấp nhiều lần gốc khiến ngày càng không có khả năng trả nợ.
Đến lúc đó, Tuấn giở mặt, cho đàn em đến đe dọa, chửi bới, ném chất bẩn vào nhà nạn nhân, nặng hơn nữa là khống chế, đánh đập gây thương tích rồi ép nạn nhân phải bán nhà, cầm cố tài sản cho hắn với giá rẻ mạt.
Tiền từ khai thác quặng trái phép, cho vay lãi nặng và các hoạt động phi pháp, Tuấn “thần đèn” giàu lên nhanh chóng, cả một dãy phố Lê Hoàn (phố buôn bán sầm uất nhất ở Thanh Hóa), với hàng chục ngôi nhà mặt phố đều thuộc sở hữu của hắn.
Trong số những tài sản đó, không ít là do hắn siết nợ của nạn nhân. Tuy nhiên, không ai trong số những người bị hắn siết nợ dám đứng ra tố cáo, kể cả khi Cơ quan công an biết sự việc, đến tìm hiểu, bị hại cũng tìm cách lảng tránh, không khai báo.
Chính vì vậy, việc đấu tranh với đối tượng này cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, “hổ” cũng có lúc ngủ quên, Tuấn cùng chị gái và anh rể đã sơ hở khi đích thân hành hung con nợ để ép trả tiền.
Số là, vào năm 2010, Tuấn cùng chị gái là Nguyễn Thị Hương cho ông Bùi Hữu Thược, Giám đốc Công ty Sao Khuê vay 2 tỷ đồng. Sau gần 2 năm, ông Thược đã trả 1,4 tỷ tiền gốc, gần 2 tỷ tiền lãi nhưng số nợ vẫn còn hơn 3 tỷ đồng nên bị Tuấn “thần đèn” cùng chị gái và anh rể đến đánh đập, siết nợ.
Khi các đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội, Công an Thanh Hóa đã tổ chức bắt quả tang. Tuấn bị khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích, bị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên 5 năm tù sau đó tại phiên phúc thẩm, được tòa giảm còn 3 năm.
Ra tù, Tuấn tiếp tục trở lại vai trò “ông trùm” với nhiều thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn. Để che giấu tội lỗi, Tuấn thường chỉ đứng sau chỉ đạo đồng bọn, hầu như không bao giờ trực tiếp ra mặt trong các phi vụ làm ăn.
Đấu trí
Lần giở hồ sơ dày về Tuấn “thần đèn”, điều tra viên Công an TP Thanh Hóa nêu ra hàng loạt biểu hiện phạm tội của đối tượng này.
Đối với những đối tượng cộm cán như Tuấn thì phương châm của Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa là “ngắt ngọn, tỉa cành, cưa thân, đào gốc”, giao cho Phòng Cảnh sát hình sự chủ công, phối hợp với công an các huyện, thị, thành phố quản lý, giám sát chặt đối tượng, khi phát hiện đối tượng có biểu hiện vi phạm, lập tức xử lý ngay.
Thế nhưng, những ông trùm như Tuấn, từng vào tù nhiều lần nên mỗi lần ra tù, hắn đều rút kinh nghiệm, rất kín kẽ trong việc làm ăn. Như “trùm” Vi “ngộ” cũng vậy. So với Tuấn “thần đèn” thì Vi thuộc dạng “em út” nhưng khôn khéo cũng không khác gì Tuấn.
Trước đây, Vi nổi danh bởi cầm đầu ổ nhóm chuyên đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng, tổ chức đánh bạc... bị Công an Thanh Hóa bắt giữ.
Để trốn tránh tội, Vi nhiều lần giả tâm thần tại tòa khiến cho việc xử lý hắn gặp nhiều khó khăn. Công an Thanh Hóa đã dày công thu thập tài liệu, chứng minh Vi không mất năng lực hành vi và tòa đã tuyên đối tượng này phải đi thi hành án.
Sau lần đó (khoảng chục năm trước) Vi “ngộ” học theo Tuấn “thần đèn”, không bao giờ trực tiếp tham gia các hoạt động phi pháp, mỗi lĩnh vực khác nhau, các “ông trùm” này đều giao cho một đàn em “đứng mũi chịu sào”.
Khi lực lượng công an làm rõ được hành vi phạm tội, tổ chức triệt phá thì cũng chỉ các đối tượng đàn em bị bắt giữ còn các “trùm” thì vô can, ngoài vòng pháp luật.
Chính vì thế, trong vòng 2 năm, Công an Thanh Hóa bắt 28 đối tượng, thu 11 khẩu súng trong băng nhóm tội phạm của Nguyễn Văn Vi nhưng vẫn chưa bắt được “ông trùm”.
Tuấn “thần đèn” tương tự như vậy, hắn không bao giờ ra mặt, thậm chí đàn em của hắn cũng hoạt động rất kín kẽ. Việc cho vay lãi, siết nợ đều thực hiện rất bí mật nên mặc dù quản lý rất sát sao nhưng Công an Thanh Hóa chưa thể tìm ra sơ sở của chúng để đấu tranh.
Như việc cho vay lãi nặng, Tuấn thường làm hợp đồng mua bán tài sản với giá trị tài sản cho vay thấp hơn nhiều so với tài sản thế chấp. Khi bị hại không trả được nợ, chúng “nhẹ nhàng” siết nợ khiến bị hại không thể tố cáo.
Trong vai trò của “ông trùm”, Tuấn “thần đèn” không chỉ nợ pháp luật mà còn “ân oán giang hồ” với nhiều băng nhóm khác.
Chính vì vậy, đi đâu, hắn cũng luôn có 2 vệ sĩ kè kè bên cạnh vừa để bảo vệ, vừa phô trương thanh thế. Nhưng rồi, đã làm ăn phi pháp, trước hay sau cũng có lúc sơ hở.
Sa lưới pháp luật
Quả thật, dù gian manh nhưng cũng có lúc Tuấn sao nhãng, nhất là khi bị đàn em định qua mặt, dám “vuốt râu hùm”.
Vụ án khiến Tuấn sa lưới xảy ra vào tối 18-3. Tuấn “thần đèn” đến nhà hàng Mão Mèo ở đường Mai An Tiêm ăn uống cùng một số người bạn. Hai vệ sĩ là Quân và Quyết kè kè cạnh Tuấn để bảo vệ.
Ăn uống xong, cả bọn đến quán karaoke Việt Đức trên đại lộ Lê Lợi để hát. Tại đây, Tuấn điện thoại cho Lê Kim Thu (Thu “vệ sĩ”) đến hát cùng.
21h50 cùng ngày, Tuấn nhận đươc điện thoại của Lê Quang Cường (Cường “gấu”) - một trùm côn đồ khác “sinh sau đẻ muộn”. So với Tuấn thì Cường “gấu” chỉ là đàn em nhưng Cường nhiều lần muốn vượt mặt nên có mâu thuẫn sâu sắc với Tuấn. Chính vậy, Tuấn rất ngứa mắt, nhiều lần định “thanh trừ” nhóm này nhưng chưa có cơ hội. Mặc dù Tuấn chưa ra tay nhưng tối 18-3, Cường “gấu” lại cả gan dám qua mặt khi điện thoại cho Tuấn vạch trần các thủ đoạn làm ăn.
Tuấn “thần đèn” và Tuyên “mo”.
Theo lời Cường “gấu” thì Cường đang ngồi với Thành “ngáp” - đối tượng từng đi tù với Cường và Tuấn trước đây rồi lớn giọng bỉ bôi Tuấn. Vì thế, giữa Tuấn “thần đèn” và Cường “gấu” chửi bới, thách thức nhau rồi hẹn ra cầu Đông Hương “giải quyết ân oán”.
Lúc đó, nhóm của Tuấn có 6 người gồm Tuấn, 2 vệ sĩ là Quân và Quyết và một “cựu” vệ sĩ là Nguyễn Kim Thu cùng với Thịnh “trì”, An “lùn”. Sau đó, Tuấn điện thoại cho Nguyễn “trễ” (Nguyễn Văn Nguyên, sinh năm 1976, trú ở thôn Thịnh Hùng, xã Quảng Thịnh) và Thành “ngáp”. Thu “vệ sĩ” điện thoại cho Nguyễn Văn Tiến (Tiến “não”, sinh năm 1979, quê ở TP Tam Điệp, Ninh Bình) đến. Lê Quang Chung (Chung “vệ sĩ”) có lẽ nghe lệnh triệu tập của “đại ca” cũng đến ngay sau đó.
Chỉ ít phút sau, một số “đàn em” cũng lần lượt đến nghe lệnh “đại ca”. Các đối tượng đến sau mang theo súng đạn, thậm chí cả một con chó săn đến để bảo vệ “đại ca” của chúng.
Đối tượng Hùng “câm” mặc dù đang say rượu nhưng khi nghe đồng bọn báo “đại ca” gặp nguy hiểm cũng lập tức đến ngay. Thấy Tuấn “thần đèn”, Hùng “câm” lập tức ôm chân Tuấn nói “Anh suốt đời là đại ca của em”...
Sau khi đã đầy đủ “quân tướng” gồm khoảng 20 đối tượng với các loại súng đạn, dao kiếm... cả bọn “nghênh chiến” nhóm Cường “gấu”.
Một lúc sau, nhóm Cường “gấu” đi 3 xe máy từ đường Hàm Nghi ra cầu Đông Hương. Lập tức, Tuấn “thần đèn” đích thân cầm hung khí đuổi đánh và chỉ đạo đàn em “san phẳng” nhóm Cường “gấu”.
Nghe lệnh “đại ca”, Tuấn “lỳ”, Trung “trắng”, Tùng “lỏ”, 2 vệ sĩ là Quyết và Dũng và 2 “cựu” vệ sĩ là Thu “vệ sĩ”, Chung “vệ sĩ” cùng một số đối tượng khác chạy sang đường đánh nhóm Cường “gấu”.
Chung “vệ sĩ” cầm súng bắn lên trời 1 phát, Tùng “may” cũng bắn chỉ thiên 2-3 phát, Tiến “não” cầm súng đứng cạnh vườn hoa nhưng chưa kịp bắn, các đối tượng khác cũng cầm vũ khí để “hạ” đối phương.
Đích thân Tuấn “thần đèn” dùng hung khí chạy sang đường đuổi đánh nhóm Cường “gấu”. Nhóm Cường “gấu” yếu thế, bỏ chạy thoát thân.
Ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường và tập trung lực lượng tổ chức điều tra, truy xét.
Công an TP Thanh Hóa có nhiệm vụ xác lập chuyên án, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt xóa băng nhóm của Tuấn “thần đèn”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Công an TP Thanh Hóa đã điều tra, khởi tố và bắt giữ: Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn “thần đèn”); Nguyễn Ngọc Tuyên (Tuyên “mo”, sinh năm 1987, trú ở Quang Trung 3, Đông Vệ, TP Thanh Hóa); Lê Anh Tùng (Tùng “may”, sinh năm 1985, ở phường Trường Thi, TP Thanh Hóa); Lê Minh Thắng (Thắng “hâm”, sinh năm 1982, trú ở đại lộ Lê Lợi, Phường Tân Sơn); Thu “vệ sỹ”; Chung “vệ sĩ”; Đặng Văn Tú (Tú “đen”, sinh năm 1984, trú ở phường Đông Sơn); Đặng Tiến Dũng (Dũng “cày”, sinh năm 1989, ở phường Hàm Rồng); Vũ Việt Huy (Huy “chinh”, ở Lê Quý Đôn, phường Ba Đình); vận động đối tượng Tiến “não” ra đầu thú...
Ngay sau khi gây án, Chung “vệ sĩ” và Thu “vệ sĩ” đã bỏ trốn. Công an TP Thanh Hóa phân công nhiều tổ công tác đến Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang... để truy bắt.
Với sự phối hợp của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, ngày 12-4, Công an Thanh Hóa đã bắt được 2 đối tượng này.
Đến ngày 31-5, Công an TP Thanh Hóa đã bắt, khởi tố 13 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; đang tiếp tục, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan.