Ngày 15/5, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang đã tiến hành xác minh thông tin liên quan đến việc doanh nghiệp trên địa bàn bắt được ổ rắn hổ mây dưới chân núi Cấm lúc thi công công trình điện mặt trời.
Ông Bành Thanh Hùng - Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm An Giang) cho biết: Nếu là rắn hổ mang chúa sẽ không được phép nuôi mà tịch thu đưa về đơn vị Đồng Tâm (Tiền Giang) nuôi.
Theo lời ông Hùng, rắn hổ chúa hay hổ mây đều là rắn hổ và thuộc nhóm IB nên phải tịch thu vì không đủ điều kiện nuôi nhốt. Ngoài ra, đơn vị bắt được chưa đăng ký nuôi, trong khi đó con này bắt ngoài tự nhiên nên đằng nào cũng phải tịch thu.
Rắn khủng đang được nuôi nhốt, có các vân như mây.
Tổng trọng lượng 2 con lớn nhất khoảng 60 kg, với chiều từ 6 - 7m/con.
Theo ông Hùng, qua xác định ban đầu thì đây là cặp rắn hổ mây chúa, là động vật quý hiếm thuộc nhóm 1B.
Theo quy định của pháp luật thì không được nuôi rắn hổ mây, vì đây là loại đặc biệt quý hiếm. "Nếu nuôi nhốt không kỹ, rắn sổng chuồng ra ngoài thì rất nguy hiểm cho mọi người. Chính vì vậy không cấp giấy phép cho nuôi mà phải thu hồi để giao lại cho một đơn vị có trách nhiệm được nhà nước công nhận, cụ thể là trại rắn Đồng Tâm", ông Hùng nói.
Theo lời ông Hùng, từ năm 1975 đến nay thì đây là lần đầu tiên bắt được con rắn hổ mây có trọng lượng lớn nhất. Còn trước đó thì có truyền thuyết về loại rắn khổng lồ này.
Cận cảnh rắn hổ mây khủng ở An Giang
Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, chiều 15/5, các phòng chuyên môn của Chi cục Kiểm lâm sẽ phối hợp cùng Cảnh sát Môi trường xuống làm việc với người quản lý khu du lịch để xác định đây là loài rắn gì, trọng lượng chính xác bao nhiêu kg.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, nếu người dân bắt được động vật hoang dã quý hiếm mà buôn bán giết thịt sẽ bị xử lý. Còn trong quá trình thi công công trình bắt được, giao nộp lại thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ các quy định pháp luật để xử lý. Bởi, đối với những con vật nguy cấp, quý hiếm sẽ giao lại cho các khu bảo tồn, nguyên cứu khoa học.
Theo ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, số rắn bắt được hiện đang tạm giữ ở khu du lịch và đang làm hồ sơ xin Kiểm lâm để phục vụ mục đích bảo tồn, cho người dân tham quan biết về loại này.
"Nếu cơ quan chức năng kết luận thả thì mình thả. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ nên giữ lại tốt hơn vì thả ra ngoài tự nhiên dễ bị bắt và giết chết”, đại diện Tập đoàn Sao Mai nói.
Hiện nay, hai con rắn được tạm giữ trong vườn thú của khu du lịch đồi Tức Dụp. Khu vực này có nhiều loại khác như: đà điểu, hươu, nai, trăn, vịt trời… đều có giấy phép.
Trước đó, doanh nghiệp này thông tin, trong lúc nhóm công nhân đang thi công công trình dưới chân núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) bất ngờ phát hiện ổ rắn hổ mây ngóc đầu trong hang nên bắt lại.
Theo quan sát, trên mình 2 con rắn hổ mây có vân như mây. Hầu hết thân màu vàng nhạt, có khoang trắng ngắt quãng. Tổng trọng lượng 2 con lớn nhất khoảng 60 kg, với chiều từ 6 - 7m/con.