Tối 16/4, liên quan đến tình trạng của vận động viên bị ngừng tim, ngã gục trước vạch đích 100m giải chạy Tây Hồ, một nguồn tin riêng cho biết, bệnh nhân P.B.M. (sinh năm 1990, quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa) hiện đang điều trị tích cực tại bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân nhập viện được xác định ngừng tim. Hiện, bệnh nhân M. đang trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, chạy ECMO. Theo các bác sĩ, qua khai thác tiền sử bệnh nhân huyết áp cao thường xuyên được điều trị bằng Coversyl.
Qua trường hợp này, chuyên gia y tế cho hay, có nhiều nguyên nhân dễ gây ngừng tim khi chơi thể thao, tuy nhiên có 2 nhóm chính là bệnh mắc phải và bệnh bẩm sinh.
“Bệnh mắc phải như tim mạch, như mạch vành, tăng huyết áp, hở van tim và nhóm thứ hai đó là rối loạn bẩm sinh. Bệnh nhân khi kiểm tra vẫn bình thường nhưng lại có bất thường nhiều hội chứng QT dài, Brugada, bệnh cơ tim phì đại là hay gặp. Ngoài ra còn có trường hợp ngừng tuần hoàn nhưng tỉ lệ ít và hiếm gặp...”, chuyên gia y tế khuyến cáo và đưa ra lời khuyên đối với những người tham gia thể thao, trước khi dự giải nên khám sàng lọc như siêu âm tim, điện tâm đồ xem có những bệnh như trên không.
Trước đó, cùng ngày, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) cho hay cơ quan này đã có báo cáo cụ thể về công tác tổ chức giải chạy Tây Hồ Half Marathon 2024 và Kids Run the Earth 2024.
Trong đó có tình trạng của vận động viên bị ngừng tim, ngã gục trước vạch đích 100m.
Nam vận động viên gặp sự cố về sức khỏe trên là P.B.M. (sinh năm 1990, quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa). Đến ngày 16/4, bệnh nhân tiếp tục được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai với tình trạng nặng.
"Qua khai thác, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, thường xuyên được điều trị bằng Coversyl", báo cáo của UBND quận Tây Hồ nêu.
Vào khoảng 5h55 ngày 14/4, khi phát hiện sự việc anh P.B.M. ngã gục, kíp cấp cứu gồm bác sĩ Ngô Tiến Thái (Bệnh viện Bạch Mai) cùng hai bác sĩ tim mạch, một bác sĩ gây mê, một điều dưỡng đã khám và đánh giá tình hình bệnh nhân. Kết quả cho thấy nam vận động viện đã ngừng tuần hoàn.
Nhân viên y tế đã sơ cấp cứu như: ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, thở oxy, tiêm Adrenaline, thiết lập đường truyền… Đến 6h25, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 để điều trị.
Tại đây, khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Tim đã hồi sức tích cực và hội chẩn trực tiếp với Bệnh viện Bạch Mai. Sau đó kíp cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Bạch Mai đã đến hỗ trợ trực tiếp.
Tới 12h cùng ngày, bệnh nhận được đội ngũ cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai cài đặt tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO), đồng thời chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị.