Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc (Phu Quoc Express) mới thông báo đến đối tác và khách hàng về việc dừng chạy tuyến tàu cao tốc từ cảng Hiệp Phước (TP.HCM) đi Côn Đảo từ ngày 29/7.
Tuyến đường biển TPHCM- Côn Đảo được Phu Quoc Express bắt đầu đón khách chuyến đầu tiên từ ngày 15/5/2024. Như vậy sau gần 2 tháng hoạt động, tuyến tàu cao tốc này đã ngưng chạy cho đến khi đơn vị vận hành có thông báo mới.
Về nguyên nhân dừng vận hành "siêu tàu cao tốc" chỉ sau chưa đầy 2 tháng, chủ đầu tư là Phú Quốc Express đưa ra là do hiệu quả tuyến chưa đạt như kỳ vọng.
Lượng hành khách mỗi chuyến trong gần 2 tháng tàu cao tốc hoạt động đạt chưa đến 50% công suất với ngày thường khoảng 200 khách và cuối tuần đạt khoảng 600-700 khách. Mức này, theo ông thấp hơn mức kỳ vọng 70-80% và ít hơn so với tàu tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo.
Đơn vị khai thác tuyến gặp một số khó khăn như việc đi lại từ trung tâm TP.HCM đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) khá xa, hơn 20km.
Hành khách phải đi xe trung chuyển ra bến cảng hoặc đi xe cá nhân và đóng thêm 35.000 đồng/lượt phí ra vào cảng. Ngoài ra, nhiều hành khách cũng than phiền vì đón xe chiều ngược lại từ cảng về trung tâm TP.HCM rất khó.
Tổng giám đốc Vũ Văn Khương chia sẻ thêm trên VnExpress, doanh nghiệp chưa ghi nhận phản ánh gì về phương tiện hay dịch vụ trên tàu mà chủ yếu khách hàng chỉ nêu sự bất cập về việc đi lại từ trung tâm ra bến cảng. Mặc dù lúc triển khai tuyến, công ty đã tính toán đến việc bất tiện này và bố trí xe trung chuyển nhưng vẫn phát sinh nhiều vấn đề. Thêm vào đó, đơn vị hoạt động lĩnh vực hàng hải nên còn thiếu kinh nghiệm đường bộ.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (Saigon Waterbus - đơn vị vận hành buýt sông tại TP HCM) cho rằng với điều kiện giao thông kết nối bất cập như vậy doanh nghiệp đối mặt nhiều trở ngại và khó đảm bảo hiệu quả, doanh thu. Chưa kể, tàu biển chỉ có thể hoạt động tối đa 7-8 tháng trong năm, thời gian còn lại là thời tiết không thuận lợi, nhất là những tháng cuối năm khi biển động.
Vì sao "siêu tàu cao tốc" không đón khách ở trung tâm TP HCM?
Ông Toản có đề xuất nghiên cứu phương án sử dụng cảng Bến Nghé, quận 4, sát khu vực nội đô, để tàu ra vào. Theo ông trong tương lai có thể tạo một "hệ sinh thái" phát triển giao thông, du lịch đường thuỷ.
Do những bất cập của việc đi lại từ trung tâm TP HCM ra cảng Hiệp Phước hơn 20km, nhiều người cũng đặt câu hỏi tại sao tàu không đón khách từ cảng Bến Nghé, quận 4 hay bến Bạch Đằng, quận 1?
Về vấn đề này, ông Trần Song Hải - Tổng giám đốc Công ty TNHH Greenlines DP (tuyến Bạch Đằng - Vũng Tàu) từng chia sẻ trên PLO rằng việc đưa tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo vào sâu trong nội đô TP.HCM sẽ kéo dài thời gian di chuyển. Lúc này, tàu phải di chuyển chậm hơn rất nhiều, chỉ khoảng 20 hải lý/giờ so với vận tốc cho phép hiện nay là 35 hải lý/giờ. Việc này sẽ kéo dài thời gian đi lại của hành khách, cũng có thể gây trễ chuyến cho hành trình tiếp theo. Bên cạnh đó, nếu tàu đi vào trung tâm sẽ gây sóng lớn, có thể sạt lở bờ, ảnh hưởng tới các phương tiện khác.
Vấn đề bố trí nơi đón khách ở nội đô đã được đơn vị tính đến trước khi tàu hoạt động. Tuy nhiên, ông Khương cũng nhận định điều này gặp khó bởi tàu cao tốc Thăng Long là tàu lớn chạy trên biển. Khi đi sâu vào nội thành, tàu không được chạy nhanh vì tạo sóng lớn, ảnh hưởng phương tiện khác cùng hai bờ sông. Nếu chạy chậm, thời gian di chuyển sẽ kéo dài.
Theo ông Khương, sau khi dừng, tàu Thăng Long sẽ được đơn vị chuyển qua phục vụ chặng Vũng Tàu - Côn Đảo đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch ở tuyến này tăng cao. Về lâu dài doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm phương án thích hợp hơn nhằm thuận tiện cho khách, nhất là ở đầu bến TP HCM, sớm vận hành tàu trở lại.
TP Hồ Chí Minh là có tổng diện tích 2.095 km2 đứng thứ 2 Việt Nam sau TP Hà Nội (3.359,82 km²) nhưng dẫn đầu cả nước về dân số với gần 9 triệu người (theo số liệu năm 2023).
"Siêu tàu cao tốc" Thăng Long là tàu khách trên biển lớn nhất hiện nay ở Việt Nam do Công ty đóng tàu Z189, doanh nghiệp Quốc phòng - An ninh, trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đóng. Tàu làm bằng hợp kim nhôm, dài gần 80 m, rộng hơn 9,5 m, với 4 tầng, có sức chứa 1.017 hành khách, bằng 3 chiếc Boeing 787. Nếu so sánh với máy bay Airbus A321 (dài 44,5m, có 184 chỗ ngồi) thì tàu Thăng Long có sức chứa lớn gấp 5 lần.
Siêu tàu này từng được mạng tin tức BNN tại Hong Kong (Trung Quốc) khen ngợi là "tuyệt tác kỹ thuật" trong ngành hàng hải. Ngoài ra, theo một hãng tin Nga, Tổng giám đốc Tập đoàn Fireworks Trade Media đã nói rằng, ngành đóng tàu Việt Nam đang nổi lên như "một thế lực cạnh tranh không thể xem thường".
Tàu cao tốc có thể chạy với vận tốc 35 hải lý/giờ (tương đương 60km/h), trong điều kiện thời tiết thuận lợi có thể tới Côn Đảo chỉ khoảng 4 giờ.
Giá vé tàu cao tốc Thăng Long tuyến TPHCM - Côn Đảo từ 615.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/lượt tùy theo đối tượng hành khách, hạng vé và thời điểm xuất phát.