Bà Shinawatra, 52 tuổi, đã đến Dubai và sống cùng với anh trai Thaksin – người cũng là cựu Thủ tướng và cũng phải chạy trốn khỏi đất nước Thái Lan năm 2006 để tránh bị kết án tù vì cáo buộc tham nhũng.
Chính phủ Serbia đã quyết định trao quyền công dân cho nữ cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck hôm 27/6. Serbia cho biết, họ đưa ra quyết định như vậy dựa trên điều khoản pháp lý nói rằng: “một công dân nước ngoài có thể được trao quyền công dân Serbia nếu điều đó phù hợp với lợi ích của đất nước."
Quyết định của chính phủ Serbia đã được thông báo chính thức trên Công báo ngày hôm qua (8/8) và không có thêm bất kỳ lời giải thích nào.
Giới chức Serbia, các nhà ngoại giao của Thái Lan ở Belgrade và gia đình Shinwatra chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về thông tin nói trên.
Bà Yingluck thuộc gia đình Shinwatra quyền lực của Thái Lan. Gia đình Shinwatra đã thống trị nền chính trị ở Thái Lan trong suốt hơn 15 năm qua. Năm 2010, ông Thaksin cũng được trao quyền công dân danh dự ở Montenegro.
Tháng 8 năm 2017, Tòa án Tối cao Thái Lan đã phát lệnh truy nã cựu Thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra sau khi bà không xuất hiện tại tòa để nghe phán quyết cuối cùng về trách nhiệm của bà liên quan đến chương trình trợ cấp giá gạo. Bà Yingluck đã phải đối mặt với cáo buộc lơ là trách nhiệm trong việc quản lý chương trình trợ cấp giá gạo.
Chương trình này từng là cam kết trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của bà Yingluck năm 2011 và nó đã giúp bà giành được sự ủng hộ to lớn của những người dân ở các vùng nông thôn, đưa bà trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước Thái Lan với chiến thắng áp đảo so với đối thủ.
Theo chương trình trợ cấp giá gạo, những người nông dân đã được trả giá gạo gấp hai lần so với giá thị trường. Chính phủ Thái Lan cũng cáo buộc chương trình trợ cấp giá gạo mà bà Yingluck thực thi đã dẫn đến những kho thóc gạo dồn ứ và bị mốc; bóp méo giá cả thế giới và khiến Thái Lan mất đi ngôi vương trên thị trường xuất khẩu gạo. Tổn thất ước tính lên tới 8 tỉ USD.
Cựu Thủ tướng Yingluck phủ nhận bà không làm gì sai trái, khẳng định bà là nạn nhân của một âm mưu mang động cơ chính trị. Nếu bị kết tội, bà Yingluck có thể phải đối mặt với án tù lên tới 10 năm. Anh trai bà Yingluck – cựu Thủ tướng Thaksin cũng từng phải đối mặt với án tù và phải đi sống lưu vong để tránh án này.
Thái Lan rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị kéo dài nhiều năm. Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ cuộc đối đầu gay gắt và không khoan nhượng giữa một bên là lực lượng áo vàng chống cựu Thủ tướng Thaksin và bên kia là lực lượng áo đỏ ủng hộ ông này cũng như các đồng minh của ông, bao gồm cả bà Yingluck.
Mặc dù ông Thaksin đã rời xa chính trường và đã phải đi sống lưu vong ở nước ngoài kể từ sau khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006 nhưng vị cựu chính khách này vẫn là một nhân vật đầy ảnh hưởng và quyền lực trên chính trường Thái Lan.
Ông Thaksin là nguyên nhân chính gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Thái Lan ngày nay. Trong khi cựu Thủ tướng Thaksin bị các tầng lớp hoàng gia, trung lưu và thành thị ghét cay ghét đắng thì ông này lại rất được lòng người dân ở các vùng nông thôn.
Nhờ một loạt chính sách dân túy làm lợi cho người dân nghèo, người dân nông thôn, ông Thaksin đã xây dựng cho mình một lực lượng ủng hộ rộng khắp, chiếm đa số trong dân chúng Thái Lan. Đó là lý do khiến ông cùng với các đồng minh của mình giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử được tổ chức kể từ năm 2001 đến giờ. Tuy nhiên, mỗi lần một chính phủ thân Thaksin lên cầm quyền thì sớm muộn đều bị lực lượng áo vàng lật đổ bằng cách này hay cách khác. Chính phủ của bà Yingluck cũng chịu chung số phận tương tự.
Hiện tại khi cả ông Thaksin và bà Yingluck đều phải đi sống lưu vong ở nước ngoài thì tình hình chính trị ở Thái Lan đã tạm lắng xuống.