Báo cáo của WorldBank cho thấy 30-40% mẫu thịt lợn ở Hà Nội và TP HCM nhiễm khuẩn salmonella gây tiêu chảy, thương hàn.
Theo báo cáo mới công bố này, mẫu thịt lợn lấy tại Hà Nội và TP HCM được xét nghiệm khuẩn, kết quả 30-40% mẫu nhiễm khuẩn salmonella do lò mổ cùng hệ thống bảo quản thiếu chất lượng. 80% thịt lợn bày bán ở những khu chợ bán đồ tươi sống và 76% được giết mổ tại các cơ sở nhỏ, mất vệ sinh.
Thông tin này nhanh chóng được các bà nội trợ chia sẻ và không ít người tỏ ra lo lắng cho sản phẩm thực phẩm chủ đạo trong gia đình này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết ông không biết thông tin này nên không thể bình luận được gì. Mặt khác, cũng theo ông Phong Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế không quản lý mặt hàng thịt mà mặt hàng này do đơn vị khác quản lý.
Cũng trong chiều 30/3, PGS Nguyễn Duy Thịnh – Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa cho biết thông tin trên cần được làm rõ vì sao WorldBank lại đi làm phân tích về thịt lợn và ai cung cấp và giám sát bởi với kết quả trên thì rất nguy hiểm cho những người buôn bán thịt và gây hoang mang cho các bà nội trợ.
PGS Thịnh cho rằng cần làm rõ nguồn thông tin mà WorldBank nghiên cứu để đưa ra báo cáo trên là do đơn vị nào cung cấp.
PGS Thịnh cho biết vi khuẩn salmonella gây tiêu chảy và thương hàn. Vi khuẩn này nếu ở trong thịt không đáng lo ngại vì nấu ở nhiệt độ cao vi khuẩn sẽ chết. Nhưng đáng lo ngại là vi khuẩn từ thịt có thể bám sang các đồ dùng khác thậm chí tay người nấu nướng.
Nếu đồ dùng, các thực phẩm khác đã nấu chín mà có khuẩn salmonella thì sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng.
PGS Thịnh cho rằng các cơ quan chức năng cần vào làm các điều tra dịch tễ để có kết quả chính thức công bố cho người dân và xem nguồn nhiễm vi khuẩn salmonella từ đâu bởi với kết luận trên của WorldBank thì không thể "ngồi im" được nữa.
Một lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng khuẩn salmonella là tên chung của nhiều loại vi khuẩn và chúng ít khi nhiễm trong quá trình chăn nuôi mà chúng thường bị nhiễm trong quá trình giết mổ, vận chuyển nhất là điều kiện ở nước ta khuẩn salmonella có ở rất nhiều trong môi trường xung quanh.
Bình thường, vi khuẩn salmonella này có mặt ở các loại thịt, thịt gia cầm và trứng, hay ở cả trái cây và rau nữa. Khuẩn đều tác hại trực tiếp vào bao tử khiến người bệnh đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa trong vài ngày. Cũng có loại vi khuẩn này đi vào đường ruột, gây bệnh thương hàn khiến người bệnh có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Khuẩn salmonella chết khi thực phẩm nấu chín nên trong thời gian chưa có kết quả chính thức của cơ quan chức năng, PGS Thịnh cho biết người dân không nên hoang mang.
Khi chế biến thực phẩm nên rửa tay thật kỹ là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây lan các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột. Không ăn thịt tái, nấu kỹ tất cả các loại thịt.
Rửa thớt bằng nước đun sôi và kệ bếp dùng để chế biến thịt hoặc gia cầm ngay sau khi sử dụng để tránh lây nhiễm chéo sang các loại thực phẩm khác.