Nếu có người để ý ẩm thực Nhật Bản, đặc biệt là món sushi, ắt hẳn sẽ biết đến Jiro Ono, người được mệnh danh là Nghệ nhân sushi và là chủ của nhà hàng Sukiyabashi Jiro từng nhận ba sao Michelin danh giá.
Ông từng chia sẻ một trong những bí quyết làm nên món sushi với chất lượng hảo hạng hàng đầu thế giới chính là: Chất lượng gạo.
Có nguồn tin cho rằng, để đảm bảo gạo giữ được chất lượng tốt nhất, ông dùng tới 3 loại nước khác nhau: Ngâm gạo dùng một nước, vo gạo dùng một nước và nấu cơm lại dùng một nước khác. Trong một nồi cơm làm sushi, ông không bao giờ cho phép có hơn 4 hạt gạo kém chất lượng.
Người ta đã hỏi: "Nhiều hơn 4 thì người ăn sẽ nhận ra gạo kém ngon sao?"
Jiro Ono trả lời rằng: "Không, chỉ có tôi nhận ra mà thôi."
Họ lập tức nói rằng: "Đến người ăn cũng không biết thì ông bận tâm làm gì? Ông thật dại quá!"
Jiro Ono lắc đầu, không đồng tình với ý kiến này. Chỉ có các thương nhân "thông minh" mới muốn cắt giảm quy trình làm việc để đổi lấy ích lợi càng nhanh càng tốt, còn ông chỉ muốn làm một đầu bếp sushi mà thôi.
Trên thế giới này, người tự nhận mình thông minh thì quá nhiều, nhưng được mấy ai "dại dột" kiên trì nguyên tắc của mình đến cùng như Jiro Ono? Mọi người đều muốn đạt được lợi nhuận nhanh chóng nên tìm đủ mọi cách "đi tắt đón đầu" nhưng lại quên mất rằng: Đi nhanh quá có ngày sảy chân.
Jiro Ono - Bậc thầy sushi nổi tiếng của Nhật Bản.
"Ngu dốt" vừa phải còn hơn là thông minh
Có một sinh viên ưu tú vừa tốt nghiệp đại học được 1 năm đã thay đổi 6 chỗ làm. Cứ vài tháng gặp mặt một lần, mọi người lại nghe cậu ta chuẩn bị đi thử việc ở một công ty khác vì cho rằng công việc trước kia quá nhàm chán và không có thử thách gì cả, chỉ sợ bản thân bỏ lỡ "tiền đồ phát triển" sau này.
Người bạn thân bèn khuyên cậu từ từ tích lũy kinh nghiệm làm việc trước nhưng cậu ta không hề nghe theo, thậm chí còn quay ngược lại khinh thường bạn mình: "Dốt, từ từ như cậu thì đúng là lãng phí thời gian!"
Chính vì thế, thời gian ngày một trôi qua, cậu ta vẫn tiếp tục tìm kiếm "công việc mơ ước" của mình mà không được. Dần dần, cậu nhận ra rằng, các bạn cùng trang lứa đều đã có thâm niên nhất định trong công việc của mình, còn bản thân cậu ta vẫn chỉ có con số 0 tròn trĩnh.
Khi người ta đã quen tay quen việc, chuyên nghiệp xử lý được mọi vấn đề thì cậu vẫn loay hoay với hàng loạt khóa training nhân viên mới ở khắp mọi nơi.
Những người tự cho bản thân "thông minh" nhưng khuyết thiếu kinh nghiệm thường quên mất rằng, phát triển bền vững còn quan trọng hơn phát triển nhanh chóng. Đừng để thông minh bị chính thông minh hại.
Ăn chậm mà chắc, đi chậm mà xa
Có người cho rằng, trong xã hội đầy cạm bẫy và cạnh tranh nhau đến từng miếng cơm manh áo như hiện nay, sự ngu dốt chỉ khiến bạn đánh mất năng lực sinh tồn và tự bảo vệ bản thân. Nếu không học cách thông minh, sớm muộn bạn cũng trở thành "bàn đạp" cho con đường thành công của người khác.
Thế là ai cũng sử dụng đủ loại vốn liếng IQ để sống chết tranh đoạt. Có người đạt được thành tựu nhất thời, đắc ý vui sướng chưa được bao lâu đã nhanh chóng rớt xuống. Còn những người chẳng hề thông minh, chỉ biết chăm chỉ nỗ lực tiến dần từng bước hóa ra lại là kẻ cười đến cuối cùng.
Khi làm việc ở Tencent, cha đẻ của ứng dụng Wechat là Trương Tiểu Long chủ yếu chịu trách nhiệm quản lý hộp thư QQ (một phần mềm chat của Trung Quốc).
Ông đã yêu cầu mỗi người quản lý sản phẩm đều phải thu thập 1000 phản hồi trải nghiệm từ người dùng và thực hiện ít nhất 10 cuộc khảo sát quy mô lớn mỗi tháng để nghiên cứu cách cải thiện chất lượng dịch vụ.
Trương Tiểu Long và ứng dụng WeChat.
Bấy giờ, cách làm của Trương Tiểu Long gặp rất nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng ông có thể trực tiếp học hỏi thay đổi của các ứng dụng tương tự, không nhất thiết phải lãng phí nhân lực vào chuyện này.
Thấy vậy, Trương Tiểu Long chỉ nói một câu: "Không phải thiết kế, đây là chuyện giải quyết vấn đề." Hộp thư QQ không cần một phong cách thiết kế riêng nhưng phải đảm bảo hiểu rõ sở thích của khách hàng, đem đến sự thuận tiện tối đa cho người dùng.
Chỉ có như vậy, ứng dụng QQ mới có thể vươn lên dẫn đầu cả nước trong 4 năm ngắn ngủi.
Sau đó, Trương Tiểu Long đã ra mắt WeChat, ứng dụng hiện nay sở hữu hơn 1 tỷ người dùng với giá trị thương mại lên đến hàng triệu tỷ VND. Mỗi quảng cáo trên màn hình ứng dụng có thể kiếm được hàng chục triệu NDT nhưng suốt thời gian qua, ông không bao giờ biến WeChat thành công cụ quảng cáo.
Một sản phẩm muốn sống lâu dài thì tuyệt đối không được nóng lòng vì hai chữ lợi nhuận. Có người cho rằng cách làm của ông thật dại dột nhưng với Trương Tiểu Long, con đường dại dột nhất chính là cung cấp sản phẩm phục vụ người dùng nhưng không đứng ở góc độ người dùng, mà lại đứng ở góc độ kinh doanh để toan tính.
Khi người thông minh quan sát một vấn đề, họ có thể nhìn thấy rất nhiều con đường khác nhau và muốn lựa chọn con đường ngắn nhất. Nhưng khi lựa chọn ấy xuất hiện khó khăn, họ lại nhanh chóng quay đầu để tìm kiếm một con đường khác.
Còn với những người dại dột, họ chỉ biết kiên trì, từng bước từng bước đi thẳng tới điểm cuối cùng.
Gặp khó khăn thì vất vả vượt qua, gặp gian nguy thì vội vàng giải quyết, mỗi bước đi đều chậm rãi nhưng vững vàng tiến về phía trước. Đến cuối cùng, ai là người khôn ngoan nhất sẽ được quyết định bởi quãng đường trưởng thành của mỗi người.