Nhiều người xung quanh ta rất thông minh. Một số có thể đọc thuộc lòng các áng văn cổ điển. Một số có vốn kiến thức sâu rộng. Số khác tỏ ra rất thông thái. Mặc dù vậy, không ít người trong số họ vẫn phải chật vật trong công việc và cuộc sống.
Câu trả lời nằm trong định nghĩa của ta về trí thông minh.
Ta thường định nghĩa trí thông minh là sự kết hợp của IQ cao và EQ cao. Đây chủ yếu là những đặc điểm bẩm sinh – và do đó nhiều người sẽ đổ lỗi cho sự kém thành công bằng lí do này.
Chỉ số IQ được coi như một yếu tố dự báo hợp lí về thành công tài chính. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả, vì có rất nhiều người với chỉ số IQ cao phải sống cuộc sống khốn khó, và cũng rất nhiều người giàu có mà không phải là thiên tài IQ. Hãy cùng tìm hiểu quan điểm của Steve Jobs để hiểu rõ hơn vấn đề, và biết cần làm gì để “thông minh” hơn, thành công hơn.
Quan điểm của Steve Jobs về thông minh
Steve Jobs, khi còn trẻ, đã từng trình bày ý kiến cá nhân về định nghĩa một người thông minh trong mắt ông.
Trái với tư duy thông thường, rằng thông minh bao gồm những suy nghĩ đột phá và sự cống hiến không ngừng nghỉ, Steve đã đưa ra một lời khuyên sâu sắc và mới mẻ.
“Thông minh là khả năng bước lùi lại để có cái nhìn bao quát, giống như khi đang ở trong một thành phố và ta có thể nhìn toàn cảnh từ tầng cao nhất xuống bên dưới. Và trong khi người khác cố gắng tìm cách đi từ điểm A đến điểm B bằng việc xem bản đồ, thì ta có thể hình dung nó ngay trước mặt. Ta có thể nhìn thấu toàn bộ sự việc”.
Jobs cũng nói thêm rằng những người thông minh thường tạo ra những suy tưởng, liên kết mà chỉ họ mới hiểu rõ, còn người ngoài sẽ khó mà hiểu được – đó là bởi vì họ đã phát triển kỹ năng bao quát để có cái nhìn rõ hơn về bức tranh toàn cảnh.
Quan điểm này hoàn toàn đúng đắn, vì để thay đổi thế giới, ta cần nhìn thấu thế giới. Nhưng làm thế nào để thực hiện được điều đó? Làm sao để trở thành người thông minh theo định nghĩa của Jobs?
Chìa khóa chính là những trải nghiệm sống độc đáo, riêng biệt
Một nghiên cứu năm 2015 đã kết luận rằng, sự cởi mở với các trải nghiệm là nhân tố quan trọng giúp tăng hiệu suất công việc trong các tình huống đòi hỏi sự sáng tạo. Đây là yếu tố không thể thiếu, góp phần mang lại thành công cho mọi doanh nhân.
Phát hiện này rất phù hợp với ý kiến của Jobs - những người cởi mở để trải nghiệm và hướng ngoại sẽ tìm kiếm những điều ngoài sức tưởng tượng, thú vị nhất trong cuộc sống - và sẽ có được những góc nhìn mới rất giá trị.
Nhận định của Jobs cũng giúp giải thích lý do tại sao rất nhiều doanh nhân thành đạt lại ham đọc sách. Chẳng hạn, Divyank Turakhia, một tỷ phú công nghệ Ấn Độ 35 tuổi, đã từng nói rằng từ năm 15 tuổi, ông đã đọc 800 giờ mỗi năm. Bởi vì sách là cách dễ nhất để người hướng nội thu thập những kiến thức độc đáo, giúp định hình thế giới quan của riêng họ. Chúng mở rộng các giới hạn về tinh thần, vì vậy một người đọc nhiều sách kinh doanh cổ điển có thể phát hiện ra xu hướng thị trường đang lên hoặc cơ hội bị bỏ lỡ trước người khác.
Làm sao để có những trải nghiệm giá trị hơn người
Rõ ràng, một “ý tưởng thiên tài” hay “một phát kiến kinh ngạc” không phải là thứ định hình con đường của mỗi người - mà là chính bản thân họ.
Hãy ra ngoài và gặp gỡ ai đó, cùng làm những điều mới mẻ mà bản thân chưa từng nghĩ tới. Hãy thử thách những định kiến vững chắc trong tâm trí. Cuối cùng, ta sẽ để lại những kinh nghiệm và bài học quý giá, điều mà trí tuệ bẩm sinh không cho phép ta đạt được.
Như bản thân Jobs cũng lấy rất nhiều cảm hứng từ Phật giáo kể từ những năm đại học. Các từ ngữ quan trọng trong triết lý Zen - đơn giản, đồng cảm và chánh niệm - hoàn toàn không xa lạ với các sản phẩm của Apple.
Mặt khác, cũng không nhất thiết phải đi du lịch để thu thập những trải nghiệm quý báu và hình thành những quan điểm giá trị. Ta hoàn hoàn có thể làm được chỉ nhờ đọc sách hay học các khóa học trực tuyến. Một cách khác là gặp gỡ những người thực sự thú vị và sau đó tìm hiểu sâu hơn về con người của họ.
Tựa chung lại, theo định nghĩa của Steve Jobs, có một quy tắc chung rất rõ ràng: nếu muốn trở nên thực sự thông minh trong xã hội hiện đại ngày nay, ta phải thu thập những kinh nghiệm mà ít người khác trong cộng đồng có được. Đó là cơ sở giúp ta từng bước trở thành một người nhìn xa trông rộng, và một người thành công.
Theo Entrepreneurshandbook