Hãng tin RT trích dẫn một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances hôm thứ Tư, 2/10, cho biết cuộc chiến hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan nếu bùng nổ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng diện rộng.
Theo nghiên cứu, mỗi vũ khí hạt nhân có thể đoạt mạng 700.000 người. Như vậy, 125 triệu người có nguy cơ mất mạng chỉ trong vài ngày. Con số này lớn hơn toàn bộ số người chết trong Thế chiến II.
Không dừng lại ở đó, 36 triệu tấn carbon đen sản sinh từ vụ nổ khi phát tán vào khí quyển sẽ ngăn chặn ánh sáng mặt trời, gây ra hiện tượng “mùa đông hạt nhân”, khiến nhiệt độ trái đất giảm đột ngột tới 9 độ, lượng mưa giảm 30%, cây trồng héo rũ, cuối cùng là chết đói hàng loạt.
Nhiệt độ toàn cầu khi ấy được dự đoán có thể sẽ giảm mạnh với tốc độ tương đương Kỷ băng hà.
“Đây là một cuộc chiến chưa có tiền lệ”, Brian Toon, tác giả chính của nghiên cứu trên nhận định.
Ông Toon là người xây dựng thuật ngữ “mùa đông hạt nhân” kể từ những năm 1980. Thuật ngữ này từng được sử dụng để mô tả tác động môi trường từ cuộc đối đầu hạt nhân giữa Mỹ và Nga, nếu cuộc chiến này bùng nổ.
“Cuộc chiến kiểu này sẽ đe doạ không chỉ các địa điểm hứng bom hạt nhân, mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới”, đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Khoa học môi trường tại Đại học Rutgers – ông Alan Robock cho biết.
Theo thống kê chính thức, Ấn Độ và Pakistan hiện có khoảng 300 vũ khí hạt nhân. Nhưng nghiên cứu cho thấy con số này có thể tăng lên tới 500 vào năm 2025. Đây cũng là thời điểm các nhà nghiên cứu đặt ra giả thuyết bùng nổ chiến tranh hạt nhân giữa hai nước.
“Hy vọng, chính quyền Ấn Độ và Pakistan sẽ lưu ý đến nghiên cứu này”, ông Toon nói, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai quốc gia Nam Á đang xấu đi.
Tính trên quy mô toàn cầu, có tổng cộng 9 quốc gia hiện đang sở hữu vũ khí hạt nhân, với số đầu đạn hạt nhân lên tới 14.000.
Ấn Độ và Pakistan đang ở vào thời điểm căng thẳng cao độ, sau khi New Delhi quyết định huỷ cơ chế tự trị của khu vực tranh chấp Kashmir trên dãy Himalaya.
Hai nước từng có hai cuộc chiến tranh ở khu vực Kashmir vào các năm 1947 và 1965, đồng thời có nhiều cuộc giao tranh nhỏ lẻ từ đó tới nay.
Có những thời điểm, Ấn Độ và Pakistan đã đến rất gần với một cuộc chiến tranh thực sự, song những nỗ lực ngoại giao của hai bên đã giúp hạ nhiệt căng thẳng.